Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư gần 90 nghìn tỷ đồng

Sớm giảm mức đóng, tăng mức hưởng

- Thứ Ba, 31/08/2021, 04:50 - Chia sẻ
Nhiều ý kiến cho rằng, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư quá lớn là do mức đóng cao nhưng mức hưởng không tương xứng. Lúc này, cần sử dụng Quỹ để hỗ trợ kịp thời cho người lao động tham gia bảo hiểm, đồng thời phải sớm sửa Luật Việc làm theo hướng giảm mức đóng và tăng mức hưởng.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội BÙI SỸ LỢI:
Hỗ trợ vài tháng lương cho người tham gia

Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư lớn là do mức đóng cao nhưng mức hưởng của người lao động không tương xứng. Vì vậy, cần giảm mức đóng từ 1% tiền lương tháng của người lao động như hiện nay xuống 0,5%. Đặc biệt, trong điều kiện doanh nghiệp và người lao động đang gặp khó khăn do dịch bệnh, việc giảm mức đóng cần thực hiện sớm. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để điều chỉnh mức hưởng của người lao động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải có ý kiến, sau đó báo cáo và xin ý kiến Quốc hội về vấn đề này. Về lâu dài, phải sửa luật (Luật Việc làm - PV). 

Trước mắt, có thể miễn, giảm mức đóng cho những doanh nghiệp khó khăn hoàn toàn, người lao động mất việc làm do Covid-19. Hoặc cho doanh nghiệp tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp, khi nào phục hồi sản xuất thì tiếp tục đóng và đóng bổ sung nhưng không được tính lãi.

Đây là lúc cần sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để cứu cánh cho người lao động, doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Chính phủ có thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó báo cáo Quốc hội về một số chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp, ví dụ như hỗ trợ 1 - 3 tháng lương.

Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG:  
Giảm thủ tục, xét duyệt nhanh

Người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì được hưởng các quyền lợi như: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm. 

Trong bối cảnh Covid-19 tác động rất tiêu cực đến doanh nghiệp và người lao động, những người đã đóng bảo hiểm thất nghiệp nhất định phải được hưởng từ Quỹ khi họ gặp khó khăn về công việc.

Những lúc nền kinh tế có cú sốc lớn, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp phải được dùng hết, chỉ giữ lại dự phòng theo tỷ lệ đã được quy định. Việc sử dụng Quỹ trong thời điểm cấp bách sẽ giảm gánh nặng cho Chính phủ trong bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, lúc nước sôi lửa bỏng hiện nay cần giảm bớt thủ tục rườm rà, duyệt hồ sơ nhanh chóng. 

Chuyên gia kinh tế NGÔ TRÍ LONG:
Tăng chi đào tạo nghề   

Ý nghĩa của bảo hiểm thất nghiệp là tạo thêm một lưới an sinh nhằm hỗ trợ người lao động khi bị mất việc, giúp họ vượt qua khó khăn và có cơ hội tìm việc làm mới. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người lao động giảm sút thu nhập, mất việc làm thì Quỹ bảo hiểm thất nghiệp phải gấp rút chi cho những đối tượng này nhanh hơn, thiết thực hơn.  

Ngoài ra, vấn đề đặc biệt quan trọng là Quỹ phải tăng chi cho đào tạo lại lao động. Người lao động phải luôn được đào tạo, nâng cao tay nghề để đáp ứng cho yêu cầu đổi mới sản xuất cũng như dây chuyền công nghệ mới tại doanh nghiệp, như vậy sẽ không bị thất nghiệp trong tương lai. Thực tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa chú ý đến khâu này, do đó số người được hỗ trợ đào tạo lại tay nghề nhằm chuyển đổi nghề nghiệp rất ít.

An Thiện