Sớm gỡ "điểm nghẽn" cho công nghiệp ô tô

- Thứ Tư, 28/07/2021, 06:06 - Chia sẻ
Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 dự báo sẽ khiến thị trường ô tô sụt giảm 5 - 17% trong nửa cuối năm nay. Cùng với đó, các "điểm nghẽn" về dung lượng thị trường và chênh lệch chi phí sản xuất đang “bó chân” sự phát triển, đòi hỏi Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ để khôi phục thị trường.
Xem xét tái áp dụng giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước
Nguồn TTXVN

Thị trường sẽ sụt giảm 17%

Theo Bộ Công thương, 2 thách thức lớn nhất của ngành ô tô hiện nay là dung lượng thị trường và chênh lệch chi phí sản xuất với các nước trong khu vực. Cụ thể, quy mô thị trường ô tô Việt Nam chỉ bằng 1/3 Thái Lan và 1/4 Indonesia. Thị trường nhỏ, bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp và nhiều model khác nhau khiến các công ty sản xuất rất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt. Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người vẫn chưa đủ để đa số người dân có thể sở hữu ô tô cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển. Mặt khác, chi phí sản xuất ô tô trong nước cao hơn các quốc gia trong khu vực từ 10 - 20% khiến giá thành xe sản xuất trong nước chịu nhiều bất lợi so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN trong bối cảnh hàng rào thuế quan được gỡ bỏ.

Thêm vào đó, dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng và làm sụt giảm nhu cầu thị trường. Việc thiếu chất bán dẫn ảnh hưởng tới nguồn cung linh kiện chip điện tử đang là bài toán nan giải với nhiều doanh nghiệp ô tô trong nước. Các chuyên gia dự báo, với tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, toàn thị trường đến cuối năm sẽ sụt giảm từ 5 - 17%.

Điều đáng chú ý, trong bối cảnh thị trường xe sản xuất, lắp ráp gặp nhiều khó khăn, sản lượng nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc lại tăng trưởng đột biến. Theo Tổng cục Thống kê, cộng dồn 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ô tô nguyên chiếc tăng 99,6% về lượng và tăng 102,5% về giá trị; tương ứng mức tăng lần lượt là 324,9% và 265,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn lại diễn biến thị trường năm 2020, tỷ trọng xe nhập khẩu nguyên chiếc lên tới 41% trong nửa đầu năm, đạt mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy vậy, nhờ Nghị định 70/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết 31.12.2020 ban hành kịp thời, chỉ tính riêng từ ngày 28.6 - 31.12.2020, tỷ trọng xe ô tô nhập khẩu giảm về mức 27%, bảo đảm tương quan tỷ trọng. Sang tới nửa đầu năm nay, tỷ lệ này đã tăng lên 34%. Trong bối cảnh đó, nếu không có những can thiệp kịp thời và quyết liệt từ Chính phủ thì sản xuất trong nước khó có thể tiếp tục cạnh tranh được với nhập khẩu thương mại. 

Xem xét tái áp dụng giảm 50% phí trước bạ

Theo các chuyên gia, với cơ hội của một nền kinh tế quy mô 100 triệu dân, Việt Nam có đủ động lực để phát triển một ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sản xuất, lắp ráp ô tô lớn mạnh. Muốn vậy, ngành rất cần hỗ trợ trước mắt và ngắn hạn từ Chính phủ để có đủ động lực khôi phục thị trường cũng như duy trì đà tăng trưởng ổn định.

Cụ thể, Chính phủ cần xem xét cho phép tái áp dụng chính sách về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, tiếp tục hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ tới ít nhất hết năm 2021, qua đó kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trở lại khi chi phí mua xe đã được đưa về mức có thể dễ dàng tiếp cận hơn. Đồng thời tạo ra lợi thế so sánh giữa xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, tránh tình trạng các doanh nghiệp đồng loạt đẩy mạnh nhập khẩu thương mại mà không chú trọng đầu tư vào phát triển sản xuất trong nước.

Nếu đề xuất này được thông qua sẽ trực tiếp tác động tới thu ngân sách nhà nước. Tuy vậy, nhìn vào kết quả thực hiện trong năm 2020, số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 28.6 - 31.12.2020 đã giúp thu ngân sách tăng hơn 11.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Rõ ràng, việc giảm lệ phí trước bạ không những không làm giảm số thu ngân sách, ngược lại còn tăng số thu thuế, phí thu được nhờ tăng trưởng doanh số bán xe mang lại.

Hiện, Bộ Công thương cũng đang phối hợp các bộ liên quan tìm giải pháp gỡ điểm nghẽn cho ngành ô tô. Theo đó, quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng xe ô tô của người dân; bảo đảm sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường ô tô trong nước thông qua hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại; tạo cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và sản xuất trong nước trong kiểm soát chất lượng sản phẩm... 

Đan Thanh