Sớm hoàn thiện khung pháp lý về chuyển đổi số, kinh tế số

- Thứ Hai, 09/08/2021, 05:20 - Chia sẻ
Trong phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh yêu cầu Quốc hội cần ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển đổi số, kinh tế số chính là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên như vậy. Vì thế, ngay từ bây giờ, Quốc hội cần chủ động yêu cầu, ra “đề bài” với Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực hết sức quan trọng này.

Chuyển đổi số tạo ra bước ngoặt phát triển

Nếu không thường xuyên tìm đọc tài liệu về kinh tế số, chắc chắn chúng ta sẽ lạc hậu rất nhanh. Những khái niệm mới xuất hiện rất nhanh như “quan hệ đối tác giữa con người và máy móc” (human-machine partnership), hay “ngân hàng số” (neobank), hay “nhà máy thông minh” (smart factory)…

Chuyển đổi số chính là việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ thông minh vào chuỗi giá trị để nâng cao năng suất, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Chuyển đổi số thực sự không có giới hạn về khoa học khi xuất hiện dưới dạng tự động hóa, sản xuất thông minh, blockchain, internet vạn vật IoT, thuật toán đám mây (cloud computing), trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ không dây 5G, đem lại những bước ngoặt kinh ngạc trong phát triển của mọi ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp và cá nhân từ nghiên cứu khoảng không vũ trụ, các hành tinh của Hệ mặt trời, khám phá Bắc cực đến công nghệ tài chính fintech, ngân hàng số,… nhằm tối ưu hóa lợi ích của nhân loại.

Trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, hoạt động của loài người chủ yếu dựa trên nền tảng công nghệ. Con người đã trở thành trung tâm, chủ thể của quá trình nghiên cứu, phát triển công nghệ. Thế giới đã phẳng lại trở nên phẳng hơn trong không gian số và con người có vẻ được bình đẳng hơn, nhất là khi tiếp cận các nền tảng công nghệ toàn cầu như thương mại điện tử, điện toán đám mây, mạng di động, internet. Đây cũng chính là cơ hội để dần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển ở quy mô quốc gia, doanh nghiệp hay các cá nhân ở phạm vi toàn cầu nếu chúng ta tận dụng được cơ hội đó. Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó.

Những đặc điểm nổi bật nhất của một nền kinh tế số tựu chung là: tính di động, nền tảng dữ liệu và hiệu ứng mạng lưới. Nền tảng công nghệ ngày nay đã cho phép con người linh hoạt hơn trong kinh doanh, tăng cường khả năng trao đổi thông tin, làm việc, vận hành, quản lý từ xa không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý và doanh nghiệp có thể dễ dàng mở rộng quy mô kinh doanh ra toàn cầu. Trước đây, việc mở rộng sản xuất kinh doanh chính là tăng cường các nguồn lực như đất đai, nhà xưởng, nhân công hay máy móc thiết bị thì ngày nay, trong nền kinh tế số, đầu vào quan trọng của quá trình tái sản xuất mở rộng chính là cơ sở dữ liệu (big data).

Theo Tushar Chitra, Phó Chủ tịch Chiến lược sản phẩm và marketing của Oracle Financial Services (oracle.com), quan hệ đối tác con người - máy móc ngày càng phát triển khi máy móc đang ngày một thông minh hơn, đạt dần các kỹ năng nhận thức, không ngừng học hỏi và cùng con người đồng sáng tạo ra những giá trị mới. Ví dụ trong lĩnh vực ngân hàng, một thị trường siêu cạnh tranh, nơi các ngân hàng và công ty fintech đang phát triển các mô hình kinh doanh mới với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo trên mô hình đối tác giữa con người và máy móc, đảm nhận các nhiệm vụ ra quyết định trong một ngân hàng thông minh.

Sự xuất hiện của ngân hàng số chỉ hoạt động trên nền tảng mạng di động không có các chi nhánh, thường do các công ty fintech phát triển (hay còn được gọi là neobank, online bank, internet-only bank, virtual bank, digital bank), không phủ nhận quá trình số hóa các ngân hàng truyền thống. Chuyển đổi số trong ngân hàng truyền thống là tất yếu để nâng cao chất lượng hoạt động, phục vụ các khách hàng trong phân khúc sản phẩm truyền thống quen thuộc với chất lượng tốt hơn, còn fintech thì theo định nghĩa phổ quát tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2017 “là sự đột phá, là cuộc cách mạng với những vũ khí kỹ thuật số và sẽ phá bỏ những rào cản và thậm chí là cả những định chế tài chính truyền thống”, có khả năng tác động đến gần như tất cả các dịch vụ thường được cung cấp bởi các tổ chức tín dụng trên nền tảng công nghệ số.

Quốc hội chủ động ra “đề bài”

Tuy có nhiều cơ hội như vậy, nhưng chúng ta cũng đứng trước nguy cơ bỏ lỡ “chuyến tàu” chuyển đổi số, kinh tế số nếu khung khổ pháp lý, các quy định, chính sách chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật, giáo dục và đào tạo liên quan tới chuyển đổi số, kinh tế số chậm được sửa đổi bổ sung, cập nhật cho phù hợp với tình hình mới.

Trong bài viết “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh một trong sáu yêu cầu đối với hoạt động lập pháp hiện nay là phải bảo đảm thích ứng với những tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư. Trong đó, phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ và những thành tựu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư.

Ngay trong bài viết nêu trên, Chủ tịch Quốc hội cũng đã đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu xây dựng pháp luật để phát huy đổi mới sáng tạo, tận dụng tối đa lợi ích và giảm thiểu tối đa rủi ro, hướng đến việc giải quyết hiệu quả hàng loạt vấn đề đặt ra trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư; xây dựng các “sandbox” về mô hình đầu tư kinh doanh mới, trong đó, có mô hình như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, du lịch thông minh, fintech…

Như vậy để thấy rằng, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho chuyển đổi số, kinh tế số nói riêng và khung khổ pháp lý để chủ động thích ứng với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư chính là lĩnh vực cần dành ưu tiên hàng đầu trong hoạt động lập pháp của Quốc hội.

Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV vừa qua, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Có nhiều lý do khách quan khiến các dự luật liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số, trong đó có những lĩnh vực nhạy cảm như tài chính, ngân hàng, kể cả các quy định liên quan đến cơ chế đặc thù, thử nghiệm chính sách (sandbox)… chưa hiện diện trong chương trình này.

Tuy vậy, ngay từ bây giờ, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần chủ động yêu cầu, ra đề bài với Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ, thậm chí sẵn sàng bổ sung vào chương trình năm 2022 các dự luật liên quan đến lĩnh vực hết sức quan trọng này để tận dụng tối đa cơ hội của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, từ đó, tạo ra bước ngoặt cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.

TS Trần Văn - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách