Sổ tay:

Sớm rà soát cơ sở cai nghiện

- Thứ Bảy, 24/04/2021, 05:46 - Chia sẻ
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nước ta có khoảng 235.000 người nghiện có hồ sơ quản lý. Trong đó, gần 39.000 người nghiện ma túy đang trong các cơ sở do ngành công an quản lý; khoảng 52.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện đang điều trị thay thế bằng thuốc Methadone và khoảng 38.000 người nghiện trong các cơ sở cai nghiện, còn lại là hơn 100.000 người nghiện ma túy đang sinh sống ngoài cộng đồng.

Toàn quốc có 113 cơ sở cai nghiện, trong đó: 97 cơ sở cai nghiện công lập và 16 cơ sở cai nghiện tự nguyện do tư nhân thành lập đang hoạt động (giảm 26 cơ sở cai nghiện công lập do sắp sếp và chuyển đổi chức năng; 6 cơ sở cai nghiện tự nguyện do tư nhân thành lập). Trong số 97 cơ sở cai nghiện công lập có 6 cơ sở chỉ có chức năng cai nghiện ma túy bắt buộc (TP. Hà Nội: 3 cơ sở; TP. Hồ Chí Minh: 3 cơ sở); có 71 cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng: bắt buộc, tự nguyện, điều trị thay thế, quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định; 18 cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện và Methadone; 2 cơ sở tiếp nhận người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định.

Khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, các cơ sở cai nghiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt các cơ sở khu vực phía Nam có tình trạng quá tải. Thực tế, tại một số thời điểm, do số lượng học viên cai nghiện bắt buộc lớn, diện tích nhà ở bình quân là 1m2/học viên, trong khi thiết kế là 7m2/học viên; thậm chí một số tỉnh, thành phố thực hiện ghép các đối tượng tâm thần vào cơ sở cai nghiện như: Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Trong khi đó, kinh phí địa phương cấp cho công tác sửa chữa, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở cai nghiện ma túy còn khiêm tốn, giai đoạn 2016 - 2020 là 428 tỷ đồng; nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí cho công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng, gia đình và cơ sở cai nghiện.

Thực tế trên là những áp lực không nhỏ đối với công tác phòng, chống ma tuý, nhất là khi Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) có hiệu lực (ngày 1.1.2022). Theo quy định tại Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, tức ngày 1.1.2024, cơ sở cai nghiện ma túy công lập phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Cụ thể, Khoản 2, Điều 35 Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) quy định: Cơ sở cai nghiện ma túy công lập phải bố trí các khu: Khu lưu trú tạm thời; Khu cai nghiện ma túy bắt buộc; Khu cai nghiện ma túy tự nguyện; Khu cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; Khu cai nghiện cho người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, nhóm B theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Khu cai nghiện cho người có hành vi gây rối trật tự, vi phạm nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy. Ngoài ra, Luật này cũng quy định, trong các khu này phải bố trí khu riêng cho nam giới và khu riêng cho nữ giới. Người có sự khác nhau giữa thực thể và giới tính ghi trong hồ sơ, lý lịch được quản lý tại phòng riêng trong khu vực theo giới tính biểu hiện trên thực thể học viên.

Từ thực tế này, để bảo đảm các điều kiện triển khai những quy định nêu trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần sớm phối hợp với các tỉnh, thành phố, nhất là các địa bàn trọng điểm (Hà Nội, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh…) rà soát, đánh giá thực trạng các cơ sở cai nghiện ma túy, dự báo tình hình tăng giảm số người nghiện ma túy, nhu cầu cai nghiện ma túy để thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách, đặc biệt là đào tạo, tập huấn cho đội ngũ viên chức, người lao động trong các cơ sở cai nghiện ma túy và người làm công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, nhất là ở cấp xã. 

Phạm Hải