Sớm sửa đổi Luật Đất đai

- Chủ Nhật, 31/10/2021, 06:03 - Chia sẻ
Cơ bản thống nhất với dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất một số nguyên tắc, giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả cao hơn với nguồn lực đất đai, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để giải quyết căn cơ những vướng mắc hiện nay, đại biểu đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Đất đai hiện hành và các quy định pháp luật có liên quan theo hướng thực sự khả thi.

ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang): Phân cấp cho HĐND tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất

Tôi đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, khoa học, toàn diện của Chính phủ đối với hồ sơ trình Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025.

Về phần thực hiện, ngoài các giải pháp đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, tôi đề nghị Quốc hội phân cấp cho HĐND tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của các dự án có sử dụng đất mà trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt. Đây cũng là mong muốn của các địa phương hiện nay. Việc này vừa phù hợp về logic vì quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, các vị trí đất này đã được Chính phủ phê duyệt nên khi chuyển mục đích sử dụng đất lại xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ nữa thì không thực sự hợp lý, làm phát sinh thủ tục hành chính và tăng chi phí.

Ngoài ra, Nghị quyết số 99 năm 2020 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực cũng như Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 273 ngày 22.10.2021 về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế cũng đã nêu cần đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương với nguyên tắc việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và công dân thì giao cho cấp đó thực hiện. Thực tế thời gian qua, do quy định phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ nên nhiều địa phương muốn làm nhanh đã chia nhỏ dự án dưới 10ha đất lúa, dẫn tới tình trạng quy hoạch xây dựng khu dân cư, khu đô thị, các dự án sản xuất phi nông nghiệp bị manh mún vừa lãng phí hạ tầng vừa thiếu kết nối đồng bộ.

Tôi tin chắc nếu Quốc hội thông qua nội dung phân cấp này, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian tới sẽ được tốc độ hơn, hiệu quả cao hơn. Kéo theo giải ngân đầu tư công, huy động nguồn lực đầu tư xã hội được tốt hơn và chắc chắn sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của cả nền kinh tế. Đây cũng là bước tiến quan trọng về cải cách hành chính, ghi dấu ấn của Quốc hội và Chính phủ trong nhiệm kỳ này. Cùng với việc phân cấp, tôi đề nghị Chính phủ, cá thể hóa trách nhiệm đối với người đứng đầu các địa phương trong quản lý đất đai, kết hợp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm hiệu quả của việc phân cấp.

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre): Sửa đổi nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Thực tiễn cho thấy, quá trình thực hiện Luật Đất đai cũng còn những vướng mắc, khó khăn. 

Một, cùng liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, nhưng nhiều ngành luật điều chỉnh và sử dụng những khái niệm còn khác nhau, không thống nhất dẫn đến khi thực hiện gặp nhiều khó khăn... Hai, căn cứ để quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Việc quy định quy hoạch sử dụng đất phải đi trước là căn cứ để thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là hợp lý. Tuy nhiên, quy hoạch ngành và dự báo thời điểm đầu tư chính xác cũng như nguồn lực của vốn để bố trí thực hiện dự án không kịp thời đã dẫn đến quy hoạch sử dụng đất không có tính khả thi cao. Người dân bị hạn chế các quyền do dự án treo và thậm chí ảnh hưởng rất lớn đến công tác triển khai dự án. 

Ba, quy định chấp thuận chủ trương cho nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thực hiện dự án phi nông nghiệp. Sau khi có kế hoạch sử dụng đất, tức là phải đăng ký kế hoạch sử dụng đất khi đất đó còn thuộc quyền quản lý, sử dụng của người khác, khi chưa có chủ trương đầu tư dự án là không hợp lý, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện của người dân đang sử dụng đất vào tiến độ thực hiện dự án kéo dài.

Bốn, trong những năm gần đây, thiên tai, dịch bệnh xảy ra với mật độ ngày càng nghiêm trọng và cường độ ngày càng cao nên quy hoạch sử dụng đất phải gắn chặt với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu.

Từ những vướng mắc nêu trên, đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Đất đai hiện hành và các quy định pháp luật có liên quan hiện có mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm các quy định được khả thi đi vào cuộc sống.

Cụ thể, thứ nhất, bổ sung quy định về vị trí, vai trò của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch sử dụng đất là cơ sở quan trọng để phân bổ nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, khai thác hiệu quả và bền vững về tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, làm căn cứ để xác định quỹ đất cho các ngành, lĩnh vực có sử dụng đất.

Thứ hai, cần sửa đổi nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ngoài các nguyên tắc như quy định hiện hành cần bổ sung 5 nguyên tắc nhỏ. Đó là bảo đảm đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo vệ thật nghiêm ngặt đất chuyển trồng lúa nước để bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ nghiêm đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; bổ sung việc bảo vệ đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên để bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Bảo đảm tính thống nhất, liên kết đầy đủ của hệ thống từ quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến cấp tỉnh, cấp huyện. Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất đai phù hợp với kinh tế thị trường. Các quy hoạch khác có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phê duyệt.

ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long): Tiếp tục cơ chế phân cấp mạnh mẽ việc thực hiện quy hoạch

Đối với đất trồng lúa theo đề xuất của Chính phủ, đến năm 2030 quy hoạch đất trồng lúa giảm 348.770ha. Diện tích đất trồng lúa còn lại có thể cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt với diện tích khoảng 300.000ha, nhưng được bảo vệ, không làm thay đổi tính chất các điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn có thể trồng lúa trở lại.

Thực tế hiện nay tại các địa phương việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, sử dụng đất lúa để nuôi trồng thủy sản vẫn đang diễn ra theo hướng sử dụng đất linh hoạt, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại, quy mô lớn đang từng bước được mở rộng phát triển, góp phần trực tiếp vào việc tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, kinh tế vùng.

Do đó, tôi đề nghị Chính phủ, ngành tài nguyên, môi trường và các bộ, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá nghiêm túc mặt được và chưa được của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa trong giai đoạn 2011 - 2020, xác định rõ các nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi để có định hướng về phân bổ không gian đất chuyên trồng lúa, tiến tới phê duyệt quy hoạch sử dụng đất lúa bảo đảm tỷ lệ phù hợp, hài hòa với mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện cơ chế phân cấp mạnh mẽ việc thực hiện quy hoạch, tập trung cơ chế, ưu tiên nguồn lực đầu tư để các khu vực đồng bằng có nhiều tiềm năng, lợi thế về trồng lúa có điều kiện xây dựng các công trình chống sạt lở, xâm nhập mặn, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, phát triển hạ tầng nông nghiệp hiện đại làm tiền đề quan trọng để vùng đồng bằng, trong đó có khu vực đồng bằng sông Cửu Long có cơ sở lý luận và thực tiễn trong xác định vùng trọng điểm về trồng lúa, trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản. Từ đó, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chủ động phối hợp, liên kết vùng, cộng đồng trách nhiệm với nhau trong huy động tiềm lực phát triển nguồn giống chất lượng cao, hiệu quả kinh tế lớn, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng phát triển.

Anh Phương lược ghi