Sớm tạo tính pháp lý cho phần mềm điều xe trực tuyến EMDDI

- Thứ Ba, 12/06/2018, 18:53 - Chia sẻ
Đây là nội dung được nhiều ý kiến nêu ra tại Hội thảo giới thiệu nền tảng và mô hình mới về điều vận xe trực tuyến EMDDI, do trường Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức chiều 12.6.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Đào Kiến Quốc, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, EMDDI là hệ thống đầu tiên ở Việt Nam và thế giới được thiết kế để dùng đồng thời cho nhiều (có thể hàng ngàn) đơn vị vận tải trên cùng hệ thống mà không làm mất tính chủ động của các đơn vị vận tải. Theo đó, các đơn vị sử dụng EMDDI có thể tự cấu hình hệ thống của mình một cách độc lập với các đơn vị khác như tự thiết lập các loại dịch vụ (xe máy, xe 4 chỗ, xe 7 chỗ, xe đường dài, taxi, giao hàng), chế độ tính cước, phương thức chọn đường đi, chính sách khuyến mại… Việc thiết lập cấu hình này chỉ mất dưới 10 phút cho một công ty. Mặc dù được sử dụng cho nhiều công ty nhưng người dân đi xe chỉ cần cài đặt một app duy nhất. Trong trường hợp ở tại một địa phương có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải, EMDDI cho phép khách được tự chọn hoặc để EMDDI tự động chọn xe phù hợp nhất cho khách. Ngoài ra, EMDDI sử dụng công nghệ lõi tiên tiến, có sức chịu tải cao, khả năng kháng lỗi tốt, có thể hoạt động ngay cả khi mất kết nối 3G tạm thời, hoặc ứng dụng bị ngắt đột ngột…

Thời gian qua, EMDDI đã được Bộ Giao thông – Vận tải chính thức cấp phép tham gia thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. HIện, EMDDI đã được triển khai ở nhiều tỉnh như Quảng Ninh, Phú Thọ, Lâm Đồng…

Tuy nhiên, theo đại diện các doanh nghiệp vận tải đang sử dụng EMDDI, hiện, tính pháp lý cho phần mềm này chưa có. Do đó, cơ quan quản lý cần sớm tạo tính pháp lý cho phần mềm này để doanh nghiệp được quảng bá rộng rãi tới khách hàng.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ GT – VT Trần Quang Hà đánh giá cao sản phẩm sáng tạo này của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Quốc gia Hà Nội. “Với phần mềm ứng dụng này, các doanh nghiệp taxi thực sự mong chờ bởi trước đây, doanh nghiệp phải thuê viết phần mềm riêng mà hiệu quả không cao do tản mát. Do vậy, với phần mềm dùng chung cho các doanh nghiệp như EMDDI cần được ủng hộ”, ông nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông cho rằng, để phần mềm được triển khai đại trà, nhóm nghiên cứu cần chỉnh sửa, bổ sung thêm. Trong đó, cần định hướng để đưa EMDDI thực sự là một sàn giao dịch điện tử về vận tải.

Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hữu Đức cam kết, sau Hội thảo này, lãnh đạo nhà trường sẽ có báo cáo gửi Bộ Giao thông – Vận tải, góp phần thúc đẩy việc sớm tạo tính pháp lý cho phần mềm EDMMI – cơ sở tiến tới sử dụng đại trà phần mềm này trong cả nước.

Tin và ảnh Vũ Thủy