Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022:

Sớm xác định cụ thể các địa phương được giám sát của từng chuyên đề

- Thứ Năm, 04/11/2021, 10:54 - Chia sẻ
Trong điều kiện diễn biến dịch bệnh Covid - 19 hiện nay còn phức tạp, không loại trừ trường hợp phải điều chỉnh thời gian làm việc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo, điều phối chặt chẽ hoạt động của các Đoàn giám sát; sớm xác định các địa phương được giám sát theo từng chuyên đề cụ thể để Đoàn ĐBQH địa phương có điều kiện tham gia đầy đủ và đóng góp tốt nhất vào các hoạt động giám sát chung.

Khẳng định, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Hồ Chí Minh luôn xác định công tác giám sát là một trong những nội dung rất quan trọng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng nhấn mạnh, 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai tại Hội nghị hôm nay là các nội dung rất quan trọng, thiết thực để hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật có liên quan không chỉ ở tầm quốc gia, mà còn rất có ý nghĩa đối với quá trình thực thi, quản lý, điều hành của các cấp chính quyền TP. Hồ Chí Minh

Ngay sau khi tiếp nhận kế hoạch, đề cương giám sát của các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi về, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đã triển khai xây dựng Kế hoạch giám sát cụ thể theo các nội dung đã được phân công tại 4 chuyên đề nêu trên để sớm gửi kế hoạch đến các cơ quan, tổ chức hữu quan tại địa phương. Trong đó, đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị báo cáo bằng văn bản về các nội dung theo Đề cương giám sát, gửi về Đoàn ĐBQH trước khi tổ chức các buổi làm việc trực tiếp. Đây vừa là phương thức giám sát qua văn bản, vừa là bước chuẩn bị, thu thập thông tin để Đoàn ĐBQH thành phố nghiên cứu, nắm bắt tình hình trước khi tổ chức tiến hành giám sát, làm việc trực tiếp.

Ảnh: Lâm Hiển

Đặc biệt, đối với nội dung giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021, Đoàn ĐBQH Thành phố sẽ kết hợp hoạt động giám sát với việc rà soát, ban hành văn bản đôn đốc, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương hữu quan xem xét, trả lời các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân do Đoàn ĐBQH Thành phố, các ĐBQH Thành phố chuyển đến trong kỳ còn tồn đọng, chưa được giải quyết, trả lời.

Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ tổ chức các buổi làm việc trực tuyến, trực tiếp với các cơ quan, đơn vị, quận huyện cụ thể, qua đó, trực tiếp nắm bắt tình hình tại địa phương, cơ sở; xem xét, đánh giá, làm rõ các nội dung cụ thể liên quan đến chuyên đề giám sát và ghi nhận các kiến nghị của các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Sau mỗi chuyên đề giám sát, trên cơ sở tham khảo báo cáo của Hội đồng Nhân dân Thành phố, ý kiến của cơ quan tham gia phối hợp giám sát; xem xét báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố, báo cáo của các cơ quan, đơn vị, quận huyện được giám sát và nội dung các cuộc làm việc, giám sát trực tuyến, trực tiếp, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố sẽ xây dựng báo cáo kết quả giám sát, đồng thời có các kiến nghị cụ thể đối với các cơ quan hữu quan của Trung ương và Thành phố, đảm bảo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng tiến độ được phân công nêu trong Kế hoạch giám sát của các Đoàn Giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Trong trường hợp các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, Đoàn ĐBQH Thành phố sẽ cử đại diện tham gia đầy đủ hoạt động của các Đoàn giám sát tại Thành phố. 

Hiện nay, kế hoạch của các Đoàn Giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xác định tiến độ, dự kiến thời gian triển khai các hoạt động giám sát tại địa phương. Tuy nhiên, trong điều kiện diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn đang phức tạp, không loại trừ trường hợp phải điều chỉnh thời gian làm việc. Do đó, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo, điều phối chặt chẽ hoạt động của các Đoàn giám sát; kiến nghị các Đoàn giám sát sớm xác định các địa phương được giám sát theo từng chuyên đề cụ thể, để tránh trường hợp các Đoàn giám sát có thể về làm việc với một địa phương trong cùng một thời gian cận kề nhau, để Đoàn ĐBQH địa phương có điều kiện tham gia đầy đủ và đóng góp tốt nhất vào các hoạt động giám sát chung. Đoàn ĐBQH Thành phố cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc tổng hợp các kiến nghị sau giám sát của các Đoàn ĐBQH địa phương để chuyển đến các Bộ, ngành hữu quan xem xét giải quyết và sớm có ý kiến trả lời cho các địa phương.

Hoàng Ngọc