Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030

Sự chậm trễ đáng tiếc!

- Thứ Ba, 14/09/2021, 06:29 - Chia sẻ
Khi Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được Quốc hội phê duyệt trong năm 2019 và 2020, cử tri cả nước, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đặt nhiều kỳ vọng vào quá trình triển khai. Tuy nhiên, xem xét Báo cáo của Chính phủ, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ, sau 14 tháng triển khai, việc quyết định đầu tư chưa được ban hành, cùng nhiều chính sách khác chưa được xây dựng, đã khiến đồng bào dân tộc thiểu số chậm được tiếp cận nguồn lực phát triển.

Chậm ban hành cơ chế, chính sách tổ chức thực hiện

Theo Báo cáo của Chính phủ về Kết quả sau một năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức thực hiện và hoàn thành 3/5 nhiệm vụ, 2 nhiệm vụ đang tiếp tục triển khai thực hiện. Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ, dù Ban Chỉ đạo Trung ương của chương trình được thành lập rất kịp thời, nhưng do chậm ban hành Quy chế hoạt động và Kế hoạch công tác năm 2021, nên đã ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo. Với tồn tại này, Chính phủ khẳng định, đang tích cực triển khai các giải pháp cụ thể để tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo theo nghị quyết của Quốc hội.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, một số văn bản về cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng, đặc biệt là tiến độ xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương rất chậm, ảnh hưởng đến việc hoàn thành các thủ tục phê duyệt đầu tư Chương trình, tác động tới kế hoạch triển khai và chuẩn bị đầu tư của các địa phương. Tuy nhiên, lý do này chưa đủ thuyết phục, vì các cơ chế đặc thù trong tổ chức quản lý, thực hiện chương trình phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo yêu cầu tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội (phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030) vẫn chưa được ban hành. Và hầu hết đều dự kiến sẽ ban hành trong quý III, quý IV năm nay, gây ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện.

Sự chậm trễ trong xây dựng cơ chế, chính sách cho triển khai chương trình mục tiêu quốc gia này, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, "không thể lấy lý do do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, vì có thể ngồi ở phòng làm việc, chỉ cần tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế". Từ kinh nghiệm triển khai thực hiện một số chương trình mục tiêu quốc gia trong nhiệm kỳ trước, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, để triển khai mỗi chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn này trung bình cần ban hành 40 - 60 văn bản hướng dẫn... Trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo có điểm khó, khi chuyển cách tiếp cận mới từ theo thu nhập sang giảm nghèo đa chiều; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai mở rộng ở thôn, bản - rất vất vả. Tuy nhiên, các ban chỉ đạo quốc gia không những hoàn thiện khuôn khổ thể chế cho chương trình mà khi cuối nhiệm kỳ đã tiến hành rà soát, tổng kết việc thực hiện.

Cùng với hoàn thiện cơ chế, chính sách, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương. Thuận lợi ở đây là Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chủ trì triển khai thực hiện các công tác này trong thời gian trước. Và, sau khi kiện toàn Ban chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, cơ quan được giao chủ trì thực hiện cần hệ thống hóa các văn bản luật, quy định chi tiết cần xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung, và giao nhiệm vụ thực hiện cho từng bộ, ngành. “Chúng ta triển khai như thế này sao Quốc hội yên tâm cho tiếp tục triển khai chương trình”, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn.

Làm rõ trách nhiệm

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là chương trình rất cấp bách, mang ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội tổng hợp. Tuy nhiên, sau 14 tháng triển khai thực hiện, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Chương trình hầu như "không có chuyển động, chỉ thực hiện một vài việc, tất cả gần như vẫn nằm trên giấy". Thậm chí, như nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường và đại diện Bộ Tài chính tại phiên họp, kế hoạch phân bổ kinh phí đã được Quốc hội phê duyệt cho Chương trình thực hiện năm 2021 gần như không thể giải ngân được trong năm nay. Nếu được Quốc hội chấp nhận điều chuyển nguồn kinh phí của năm 2021 sang năm 2022, và vẫn bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện năm 2022 được giao như Chính phủ đề xuất, sẽ tạo áp lực giải ngân vốn đầu tư công rất lớn trong thời gian tới.

Bên cạnh việc chưa giải ngân một đồng vốn nào trong tổng kinh phí cấp cho chương trình trong năm 2021 (16 nghìn tỷ đồng), Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Báo cáo nghiên cứu khả thi và Quyết định đầu tư chưa được phê duyệt, một số nghị định về tổ chức bộ máy thực hiện "chưa đâu vào đâu", khuôn khổ chính sách chưa có. Ngoài ra, bên cạnh chương trình thực hiện chung, Chương trình mục tiêu quốc gia này có 10 dự án thành phần, trong đó có những dự án thành phần đặc thù (bố trí sắp xếp dân cư, sinh kế, giải quyết việc làm, chính sách cho dân tộc rất ít người…), đặt ra nhiều thách thức với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai. 

Với những lý do nêu trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tổ chức sơ kết, đánh giá sau một năm thực hiện chương trình để làm rõ trách nhiệm của 19 bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan liên quan, các tỉnh, thành phố trong việc tổ chức phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ còn chậm.

Khi Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết 120/2020/QH14 đã có nhiều kỳ vọng được đặt ra. Đồng bào dân tộc thiểu số rất mong đợi Chương trình này. Vì thế, để sự chậm trễ trong 14 tháng triển khai thực hiện Chương trình vừa qua là rất đáng tiếc, đòi hỏi phải được nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm, đồng thời khẩn trương triển khai các công việc liên quan.

Tất nhiên, đẩy nhanh tốc độ không có nghĩa làm nóng vội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ phải tuân thủ nghiêm quy định pháp luật và bám sát mục tiêu: Người dân thực sự được hưởng các quyền lợi từ Chương trình, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào các dân tộc để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thanh Hải