Sử dụng hiệu quả, minh bạch nguồn thu từ đấu giá đất

- Thứ Sáu, 14/01/2022, 06:38 - Chia sẻ
Giám sát việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu đô thị (KĐT), khu dân cư tập trung (KDCTT) trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020, bên cạnh ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, Thường trực HĐND tỉnh Nam Định đã nhấn mạnh nhiều giải pháp thiết thực nhằm sử dụng hiệu quả, minh bạch nguồn thu từ đấu giá quỹ đất.
	Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh tổ chức khảo sát thực tế các dự án sử dụng nguồn thu từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất  Ảnh: Tường Vy
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh tổ chức khảo sát thực tế các dự án sử dụng nguồn thu từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất
Ảnh: Tường Vy

Còn nhiều bất cập

Giai đoạn 2016 - 2020, HĐND tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các dự án đầu tư KĐT, KDCTT văn minh, hiện đại, hạ tầng đồng bộ. Từ tiền đề này, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai xây dựng các KĐT, KDCTT  đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở của người dân, góp phần chỉnh trang đô thị và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, khuyến khích các địa phương chủ động khai thác hiệu quả nguồn lực tại chỗ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Qua giám sát cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo, triển khai xây dựng 10 dự án KĐT tại thị trấn các huyện và 30 dự án KDCTT, điểm dân cư nông thôn. Tất cả các dự án sau khi hoàn thành đầu tư hạ tầng và đấu giá quyền sử dụng đất đều đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, đến nay, có 1 dự án KĐT và 3 dự án KDCTT không có khả năng thực hiện do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Tại một số huyện, việc triển khai xây dựng còn lúng túng, chậm tiến độ, phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần do thiếu đồng bộ giữa các quy hoạch liên quan hoặc phải gia hạn thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, một số huyện còn chủ trương xây dựng các KDCTT, điểm dân cư trên địa bàn các xã với quy mô nhỏ, chưa bảo đảm mục tiêu “tạo ra khu dân cư văn minh, hiện đại, hạ tầng đồng bộ”. Cá biệt, một số dự án đầu tư xây dựng khu dân cư quy mô nhỏ trong phạm vi quy hoạch lớn gây ra nguy cơ phá vỡ quy hoạch.

Tính đến ngày 31.12.2020, tổng diện tích đất của các KĐT, KDCTT, điểm dân cư trên địa bàn các huyện đã được đấu giá là 290.620m2, nộp ngân sách tỉnh trên 2.551 tỷ đồng. Theo đánh giá, việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất tại các KĐT, KDCTT trên địa bàn được thực hiện theo đúng trình tự. Tuy nhiên, tại một số huyện, việc dự báo nguồn thu, dự kiến sử dụng nguồn vốn thu được từ tiền đấu giá đất tại các KĐT, KDCTT chưa sát thực tế, ảnh hưởng tới tiến độ và khả năng cân đối nguồn vốn cho các dự án hạ tầng khác của địa phương có sử dụng nguồn vốn này. Bên cạnh đó, khi xây dựng phương án trình UBND tỉnh cấp vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ tiền đấu giá đất các KĐT, KDCTT cho các công trình, dự án chưa tuân thủ các nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công đã được HĐND tỉnh thông qua, dẫn đến phải xây dựng lại phương án trình phân bổ vốn nhiều lần, gây chậm chễ trong quá trình phân bổ vốn.

Cần xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ

Nguồn lực tài chính thu được từ đấu giá đất tại các KĐT, KDCTT đã đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách của tỉnh Nam Định; là tiền đề, nguồn lực để tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng quan trọng giai đoạn 2021 - 2025. Để nguồn thu từ đấu giá quỹ đất tiếp tục được sử dụng minh bạch, hiệu quả, Thường trực HĐND tỉnh đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất thiết thực, làm cơ sở để UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn nhằm thực hiện đúng, hiệu quả nhiệm vụ quản lý và sử dụng nguồn thu từ tiền đấu giá đất tại các KĐT, KDCTT.

Cụ thể, UBND tỉnh cần đánh giá toàn diện việc thực hiện cơ chế, chính sách phát triển các KĐT, KDCTT trên địa bàn các huyện thời gian qua. Trên cơ sở đó, nghiên cứu trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển các KĐT, KDCTT trên địa bàn để tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất cho thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022 - 2025. Chỉ đạo lập kế hoạch đầu tư các dự án xây dựng KĐT, KDCTT giai đoạn 2022 - 2025 theo đúng quy định, chỉ khi nào KĐT, KDCTT được khởi công xây dựng hạ tầng thì mới xác định và thông qua danh mục các dự án có sử dụng nguồn vốn đầu tư từ nguồn đấu giá đất để bảo đảm kế hoạch thực hiện và cân đối nguồn vốn cho các dự án. Thiết kế KĐT, KDCTT cần bảo đảm hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình công cộng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị...

Đối với UBND các huyện, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị tập trung rà soát và tiếp tục tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án KĐT, KDCTT đã được chỉ đạo triển khai. Giai đoạn 2022 - 2025, các huyện cần chú trọng công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa các phương án quy hoạch ngành, lĩnh vực trong quy hoạch vùng huyện để tích hợp vào quy hoạch tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các KĐT, KDCTT. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch và sử dụng nguồn vốn đầu tư từ nguồn đấu giá đất tại các KĐT, KDCTT theo đúng cơ chế, chính sách của tỉnh đã ban hành. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư công.

Đào Cảnh