Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản

- Thứ Ba, 12/10/2021, 08:08 - Chia sẻ
Trước nhu cầu đất đá san lấp phục vụ các công trình lớn như cao tốc Bắc Nam, các khu công nghiệp lớn V.Ship Hưng Nguyên và Khu công nghiệp Hamerjai N.01… bên cạnh việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, thì các cơ quan chức năng ở Nghệ An cần có giải pháp giám sát, quản lý các hoạt động khai thác cát sỏi cũng như mỏ đất san lấp.
Đầu tư hạ tầng mương thoát tại Khu công nghiêp V. Ship Hưng Nguyên
Đầu tư hạ tầng mương thoát tại Khu công nghiêp V. Ship Hưng Nguyên

Cầu ít, cung nhiều

Theo Quyết định số 51/2015/QĐ-UBND ngày 31.8.2015 về việc ban hành Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, Nghệ An có 547 điểm mỏ với trữ lượng tài nguyên thăm dò khai thác là 402,885 triệu mét khối (gồm 471 điểm mỏ thuộc Quy hoạch số 42 và 76 điểm mỏ bổ sung mới). Trong số các điểm mỏ trên, có 200 điểm mỏ cát sỏi xây dựng; đá xây dựng 202 điểm mỏ đá xây dựng, 50 điểm mỏ sét làm gạch, ngói, 95 điểm mỏ đất san lấp. Sau năm 2020, Nghệ An quy hoạch gồm 307 điểm mỏ với tài nguyên dự trữ trên 3.000 triệu mét khối, trong đó 59 điểm mỏ cát, sỏi xây dựng, 184 điểm mỏ đá xây dựng, 38 mỏ sét làm gạch, ngói và 26 điểm mỏ đất san lấp mặt bằng.

Đại diện Phòng Kinh tế Vật liệu, Sở Xây dựng cho biết, do nhu cầu thi công san lấp mặt bằng ngày càng lớn nhưng số lượng cấp phép điểm mỏ đất đá lại không nhiều. Hiện, toàn tỉnh chỉ có 13 điểm mỏ đất nguyên liệu được cấp phép nên ngay từ khi san lấp Khu công nghiệp V.Ship Hưng Nguyên và Khu công nghiệp Hamerjai N.01 tại Nghi Lộc thì tình trạng thiếu nguyên liệu san lấp đã xảy ra và nay thi công cao tốc Bắc - Nam còn thiếu hơn.

Trên thực tế, để bảo đảm tiến độ công trình, một số nhà thầu xây dựng phải mua nguyên liệu tại các mỏ được cấp phép và các nguồn vật liệu khai thác bên ngoài. Thực trạng này vô tình tiếp tay cho nạn khai thác đất đá, cát sỏi trái phép. Đại diện Công ty Cổ phần Tân An nêu vướng mắc: Quy trình xin cấp một điểm mỏ hiện nay, dù là vật liệu thông thường cũng khá phức tạp không kém gì các mỏ khoáng sản khác, thời gian nhanh nhất là 12 tháng. Đấu giá mỏ mới chỉ là bước đầu tiên nên sau khi đấu giá thành công, doanh nghiệp phải khảo sát trữ lượng, thuê tư vấn thiết kế khai thác mỏ… Để có 1 héc ta mỏ, chi phí bỏ ra từ 1,5 - 2 tỷ đồng nên không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được.

Quyết định số 169/QĐ-UBND tỉnh đã phê duyệt tiền đặt cọc trước cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt 3 năm 2021 có 7 khu vực mỏ được đưa ra bán đấu giá gồm 1 mỏ đất, 3 mỏ cát sỏi và 3 mỏ đá tại Nam Đàn, Thanh Chương và Quỳ Hợp. Trước đó, ngày 5.1.2021, UBND tỉnh Nghệ An cũng có Quyết định phê duyệt đấu giá đợt 2 gồm 2 mỏ đất 3B tại xã Nghi Hưng và Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc (diện tích 28ha) và mỏ đất 3C tại Lèn Dơi, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc (gần 20ha).

Tiết kiệm nguyên liệu san lấp

Theo tính toán sơ bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện toàn tỉnh cần khoảng 300 triệu mét khối đất đá và cát sỏi nhưng quy hoạch các mỏ đất, đá nguyên liệu của tỉnh được thông qua đến năm 2020 và sau năm 2020 chỉ đáp ứng được 2/3 nên tỉnh buộc phải bổ sung, điều chỉnh quy hoạch sớm hơn dự định.

Sau nhiều lần lấy ý kiến, ngày 6.4.2021, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 1036/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản. Theo đó, tỉnh phê duyệt bổ sung 37 điểm mỏ khoáng sản là đất đá, cát sỏi và đá là nguyên liệu xây dựng thông thường, trong đó 11 điểm mỏ cát sỏi tại 4 huyện Tân Kỳ, Thanh Chương, Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp; 5 điểm mỏ đất làm vật liệu san lấp tại Yên Thành, Nghĩa Đàn và Thanh Chương; 19 điểm mỏ đất phục vụ đường cao tốc Bắc Nam gồm Quỳnh Lưu 3, Diễn Châu 5, Hưng Nguyên 3, Đô Lương 5, Nghi Lộc 3 và 2 điểm mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại Quỳ Hợp.

Theo Sở Xây dựng, với số lượng điểm mỏ vật liệu thông thường vừa được điểu chỉnh, bổ sung trên, cơ bản đã đáp ứng đủ cho nhu cầu cho san lấp thi công các dự án lớn. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là phải làm sao để vừa khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư bỏ vốn đấu giá các mỏ khoáng sản để khai thác, phát triển kinh tế hợp pháp, phục vụ nhu cầu san lấp nhưng cũng phải sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản.

Để làm được điều này, các ngành chức năng và địa phương cần tăng cường giám sát, quản lý các hoạt động khai thác cát sỏi cũng như mỏ đất san lấp (trường hợp được chỉ định mỏ, không qua đấu giá) để các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh nguyên liệu san lấp theo đúng giấy phép; đồng thời hạn chế tình trạng khai thác lạm dụng hoặc mua gom cát sỏi, đất đá bên ngoài để hợp thức hóa sẽ làm thất thu thuế tài nguyên, gây lãng phí tài nguyên.

Bài và ảnh: Nguyễn Hải