Sự hài lòng của người dân...

- Chủ Nhật, 09/05/2021, 07:40 - Chia sẻ
Một trong những thông tin đang nhận được nhiều sự chú ý những ngày qua là Thông tấn xã Việt Nam dẫn kết quả thăm dò dư luận do Viện nghiên cứu thị trường Latana thực hiện cho biết, phần lớn người dân trên thế giới ngày càng ít hài lòng với cách phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ nước mình. Thế nhưng riêng tại Việt Nam, có tới 96% số ý kiến bày tỏ hài lòng với công tác phòng chống đại dịch của Chính phủ.

Khảo sát được thực hiện từ ngày 24.2 đến 14.4 với hơn 50.000 người ở 53 quốc gia và khu vực, chiếm trên 3/4 dân số thế giới cho thấy, về cách thức phản ứng của các Chính phủ với đại dịch Covid-19, người dân trên thế giới chia rẽ mạnh khi trung bình 58% số người được hỏi đánh giá Chính phủ nước họ phản ứng tốt với đại dịch. Các nước khu vực châu Á có tỷ lệ hài lòng trung bình cao nhất với 75%. Tiếp đến là châu Âu với 45% và châu Mỹ Latinh là 42%. Tỷ lệ hài lòng của người dân với cách xử lý dịch bệnh của chính quyền Brazil ở mức thấp nhất với 19%...

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm 2020 đến nay, dù đã có những thời điểm, những giai đoạn hết sức căng thẳng, những tình huống, diễn biến phức tạp khó lường nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dịch cũng luôn trong tầm kiểm soát. Có được kết quả này trước tiên phải kể đến yếu tố quan trọng hàng đầu đó là khâu tổ chức, chỉ đạo, điều hành đúng đắn, kịp thời của các cơ quan chức năng. Là sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực, cố gắng của người dân; là việc mỗi người dân đều là "chiến sỹ" trên mặt trận “chống dịch như chống giặc”.

Vậy nhưng đáng tiếc trong quá trình phòng chống dịch vẫn có những "hạt sạn", những lỗ hổng không đáng có. Như việc một số người vì lợi ích trước mắt hoặc vì ý thức kém đã tiếp tay cho các đối tượng nhập cảnh trái phép, dẫn đến hệ quả khó lường. Bởi vậy, việc truy tố các đối tượng này là cần thiết nhằm bảo đảm kỷ cương pháp luật, đồng thời răn đe, làm gương cho những ai đang có ý định thực hiện những hành vi tương tự. Là việc một số người cố tình trốn khỏi khu cách ly, khai báo không trung thực...

Đến thời điểm này, những giải pháp ứng phó của các cơ quan chức năng là kịp thời và hiệu quả. Nhận định của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 về nguồn lây cũng phù hợp với thực tế. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra trước đây cũng như bây giờ là phải luôn luôn chủ động, tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Phải coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ thường trực của toàn xã hội.

Cần nhắc lại rằng, yêu cầu không để "thủng" hệ thống phòng chống dịch luôn được đề cập tới. Mới đây nhất, tại Công điện gửi các bộ, ngành; bí thư, chủ tịch UBND, chủ tịch MTTQ các tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã lưu ý tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt. Mọi sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác sẽ phải trả giá về tính mạng con người, sức khỏe cộng đồng, tiền của, cơ hội, phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội và niềm tin, uy tín với nhân dân.

Đặc biệt, Công điện nhấn mạnh phải xác định được trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phải tăng cường kiểm tra, giám sát và cá thể hóa trách nhiệm cho các cấp, các ngành, các địa phương chủ động, sáng tạo, linh hoạt phòng, chống dịch hiệu quả nhất, đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay.

Cho dù đợt dịch này được đánh giá là phức tạp vì có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn so với các đợt dịch trước. Thời gian tới, việc đánh giá tình hình dịch, kiểm soát cũng khó khăn hơn, có thể xuất hiện thêm ổ dịch, nguồn lây chưa biết, chưa kiểm soát được. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, sự hài lòng, sẵn sàng hợp tác và chấp hành nghiêm các quy định của người dân, việc phòng chống dịch chắc chắn sẽ thành công.

Ninh Hà