Báo chí quốc tế đưa tin về cuộc bầu cử tại Việt Nam

Sự kiện chính trị quan trọng, thể hiện tính dân chủ

- Thứ Ba, 25/05/2021, 06:14 - Chia sẻ
Ngày 23 - 24.5, một loạt hãng thông tấn và tờ báo trên thế giới đã đưa tin về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp ở Việt Nam, trong đó đều có chung nhận định, cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ với tỷ lệ bỏ phiếu cao cho thấy đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng và thể hiện tính dân chủ của Việt Nam; đồng thời đánh giá cao công tác tổ chức an toàn, cẩn trọng của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 quay trở lại.
Nikkei Asia đưa tin về bầu cử Việt Nam

Tinh thần, trách nhiệm công dân

Hãng thông tấn của Lào trích dẫn Báo cáo của Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Việt Nam ngày 24.5 đánh giá, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp ở Việt Nam nhìn chung diễn ra suôn sẻ, an toàn, với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao, thể hiện tinh thần, trách nhiệm công dân. Bất chấp những thách thức từ dịch bệnh, cử tri phấn khởi đến các khu vực bỏ phiếu để thực hiện quyền công dân từ rất sớm, một số còn mặc trang phục truyền thống là áo dài, tạo nên màu sắc của “Ngày hội non sông”.

Thông tấn Lào đánh giá, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử, quyền và nghĩa vụ của công dân, cuộc bầu cử thể hiện được sự dân chủ, đổi mới, đã thực sự phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Hãng thông tấn trích dẫn lời của Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang đánh giá: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp thể hiện rõ tính dân chủ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đó là tính dân chủ của một Nhà nước của dân, do dân và vì dân thông qua mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhân dân và Nhà nước. Việc cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân cả nước tích cực chuẩn bị và tiến hành bầu cử, thực hiện quyền công dân sẽ bảo đảm cho cuộc bầu cử diễn ra một cách dân chủ, công bằng, đúng quy định pháp luật, trật tự, an ninh, tiết kiệm, thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân.

Gọi ngày bầu cử 23.5 là ngày dân chủ 5 năm một lần của Việt Nam, hãng thông tấn Anh Reuters miêu tả các đường phố tràn ngập băng rôn, áp phích, biểu ngữ chào mừng sự kiện này cùng hình ảnh búa liềm, nông dân và bộ đội, những hình ảnh biểu tượng của xã hội chủ nghĩa. Loa phát thanh ở mọi tuyến phố cũng rộn ràng cổ động người dân đi bỏ phiếu.

Cuộc bầu cử diễn ra an toàn, suôn sẻ

Báo Halonoviny.cz của Cộng hòa Séc số ra ngày 24.5 đã có bài viết khen ngợi Việt Nam tổ chức một cuộc bầu cử an toàn nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời nhận định Quốc hội khóa mới được kỳ vọng cùng Đảng và Chính phủ hoạch định và triển khai chính sách đối nội và đối ngoại nhằm thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng XIII đã đề ra.

Tờ Nikkei Asia có bài viết cho rằng, Việt Nam đã cảnh giác cao độ trên toàn quốc trước làn sóng bùng phát dịch Covid-19 ở miền Bắc. Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu bảo đảm một cuộc bầu cử an toàn: “Tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát và cuộc bầu cử ở Việt Nam sẽ được tổ chức tốt”. Bài báo khẳng định, cuộc bầu cử đã được Việt Nam tiến hành suôn sẻ nhờ kinh nghiệm và một số thành tựu trong phòng chống các đợt bùng phát dịch Covid-19 trước đó cùng hàng chục năm kinh nghiệm tiến hành bầu cử.

Reuters thông tin: Cuộc bầu cử diễn ra khi Việt Nam phải đối mặt với một đợt bùng phát Covid-19 mới đang lây lan nhanh chóng từ cuối tháng 4. Chính vì vậy, bảo đảm an toàn cho cử tri và nhân viên tổ bầu cử được Việt Nam đặc biệt chú trọng. Trong sáng ngày 23.5, tất cả cử tri đến bỏ phiếu đều phải tuân thủ khoảng cách an toàn và đeo khẩu trang. Trước khi xếp hàng, cử tri được đo nhiệt độ tại một bàn gần đó, nơi cung cấp khẩu trang và nước sát khuẩn miễn phí. Nhân viên trong phòng bầu cử thường xuyên sử dụng loa phát thanh để yêu cầu cử tri bảo đảm khoảng cách an toàn cũng như đưa ra những hướng dẫn y tế khác.

Tờ ASEAN Today của Hàn Quốc, quốc gia đã tổ chức rất thành công cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 4 năm ngoái khi dịch bệnh mới bùng phát, cũng đánh giá cao công tác tổ chức bầu cử của Việt Nam ngày 23.5. Tờ báo viết: “Trong bối cảnh số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng tiếp tục tăng, Hội đồng Bầu cử quốc gia chú trọng đến công tác phòng chống dịch. Tại các điểm bỏ phiếu được bố trí ở nhiều vị trí khác nhau, các biện pháp phòng chống dịch như sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn, kiểm tra thân nhiệt… được thực hiện nghiêm ngặt. Các cấp chính quyền cũng bố trí để công dân có thể bỏ phiếu trong cả các cơ sở cách ly và bệnh viện”.

Tạp chí Eurasia Review cũng có bài viết cho rằng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày 23.5 là một sự kiện chính trị quan trọng ở Việt Nam. Bài báo viết: “Để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thành công và giảm thiểu tác động của đại dịch, Hội đồng Bầu cử quốc gia (NEC) đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động bầu cử trong bối cảnh đại dịch, trong đó có hướng dẫn lập danh sách cử tri và phương thức bỏ phiếu riêng cho cử tri tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ngoài ra, để giảm áp lực cho ngày bỏ phiếu chính thức, Việt Nam cũng cho phép một số vùng sâu, vùng xa bỏ phiếu sớm trước đó".

Sự ổn định của cường quốc kinh tế mới nổi ở châu Á

The Economic Times của Ấn Độ có bài viết nhấn mạnh rằng cuộc bỏ phiếu ngày 23.5 tại Việt Nam diễn ra không lâu sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thể hiện sự ổn định của “cường quốc kinh tế mới nổi ở châu Á”.

“Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, mức độ mở cửa kinh tế cao và hoàn toàn gắn bó với hệ thống thương mại thế giới. Việt Nam đã ký 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”, bài báo viết.

Tờ Asean Today của Hàn Quốc nhấn mạnh: Cuộc bầu cử lựa chọn ra đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tờ Junge Welt (Thế giới trẻ) của Đức có bài viết đánh giá cao đóng góp quan trọng của Quốc hội vào sự phát triển kinh tế Việt Nam trong những thập niên gần đây. Bài báo nhấn mạnh, từ một quốc gia lạc hậu do “di sản” thuộc địa và hậu quả của cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam kéo dài đến năm 1975, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới.

Bài báo dẫn số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Statista, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2002 mới chỉ đạt khoảng 550 USD, nhưng tới năm 2019 đã đạt mức trên 3.400 USD. Một thành tựu khác của Việt Nam là kết quả tích cực trong ứng phó với đại dịch Covid-19. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước kiểm soát dịch Covid-19 thành công trên thế giới khi tính đến nay ghi nhận dưới 5.000 ca nhiễm.

Trang tin The Economic Times của Ấn Độ đánh giá, Quốc hội khóa mới của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong quá trình hoạch định chính sách, thúc đẩy các mục tiêu trong đường lối đối ngoại cũng như các mục tiêu kinh tế. Điều này sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong bối cảnh Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt bài báo đặt nhiều kỳ vọng, Quốc hội mới của Việt Nam sẽ thúc đẩy quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong các vấn đề quan trọng của khu vực, bao gồm an ninh hàng hải.

Đạt Quốc