Sự lựa chọn mang dấu ấn lịch sử

- Thứ Bảy, 05/06/2021, 06:49 - Chia sẻ
Cách đây hơn một thế kỷ, ngày 5.6.1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Trên hành trình ấy, với ý chí, khát vọng cứu dân tộc khỏi ách thực dân nô lệ, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho Cách mạng Việt Nam. Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 là thành quả vĩ đại mang tính bước ngoặt. Dân tộc Việt Nam bước sang một trang sử với địa vị mới từ thân phận nô lệ thành người làm chủ đất nước.
	Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp tháng 12.1920
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp tháng 12.1920

Khảo nghiệm thực tiễn để lựa chọn đúng đắn

Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với hành trang là nhiệt huyết tuổi trẻ, đã tìm và lựa chọn con đường sang phương Tây với điểm đến đầu tiên là nước Pháp và một số quốc gia, vùng lãnh thổ, để nghiên cứu, trải nghiệm, quyết định hướng đi cho riêng mình. Từ bến cảng Nhà Rồng với tên gọi mới Văn Ba, Người làm phụ bếp trên con tàu Đô đốc Latouche Tréville của hãng Năm sao. Hành trình của con tàu đã đưa Nguyễn Tất Thành đến nhiều châu lục và nhiều quốc gia, dù ở đâu Người cũng tận mắt thấy được áp bức và bất công, đói rách và nghèo khổ, thậm chí ngay trong lòng nước Pháp vốn được xem là đỉnh cao tự do, dân chủ.

Trực tiếp hòa mình với cuộc sống của những người lao động nghèo khổ, Người đã rút ra kết luận mang tính tổng quát về thực tiễn xã hội tư bản trên thế giới, đó là: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người, giống người bóc lột và giống người bị bóc lột và cũng có một tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”[1]. Đồng thời, Người đã đưa ra lựa chọn con đường cứu nước của Cách mạng Việt Nam: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[2].

Tháng 6.1919, khi các nước đế quốc thắng trận họp Hội nghị Versailles (Pháp) để phân chia lại phạm vi ảnh hưởng, được sự đồng thuận và ủng hộ của một số nhà yêu nước tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt các đồng chí của mình gửi đến Hội nghị “Bản Yêu sách của nhân dân An Nam” gồm 8 điểm, tố cáo tội ác của thực dân Pháp và đòi Chính phủ Pháp phải thực hiện các quyền dân tộc cơ bản cho nhân dân Việt Nam như tự do, dân chủ, bình đẳng và tự quyết dân tộc. Bản yêu sách của nhân dân An Nam được xem là văn bản chính trị đầu tiên thể hiện sự chuyển biến về nhận thức của Nguyễn Ái Quốc trong tiến trình tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và quốc tế vô sản.

Cũng trong giai đoạn này, Nguyễn Ái Quốc tranh thủ học tập lý luận chính trị, giúp Người từng bước củng cố vững chắc lý luận và thực tiễn của con đường giải phóng dân tộc. Từ nhận thức đó, Nguyễn Ái Quốc đã cùng các đồng chí của mình tích cực nghiên cứu, xây dựng các tổ chức cách mạng, thu hút, vận động Quốc tế Cộng sản, các tổ chức quốc tế ủng hộ giúp đỡ cách mạng thuộc địa nói chung và Cách mạng Việt Nam nói riêng, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam.

Bước ngoặt khi tiếp xúc Luận cương của Lênin

Trước khi khai mạc Đại hội II của Quốc tế Cộng sản, Tạp chí Quốc tế Cộng sản ngày 14.7.1920 đã đăng tải văn kiện của V.I.Lênin “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”; sau đó được đăng toàn văn trên báo L’Humannite (Nhân đạo) số ra ngày 16 và 17.7.1920. Luận cương là văn kiện tổng kết quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về đế quốc chủ nghĩa và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Luận cương đã đề ra chương trình hành động cho các đảng cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi. Với cương vị là đảng viên Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã được tiếp xúc, nghiên cứu Luận cương trên báo L’Humannite. Người đọc nhiều lần và thấy văn kiện đã vạch rõ hướng đi của cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, đó là con đường cách mạng vô sản giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng con người.

Về khoảnh khắc đặc biệt khi tiếp xúc Luận cương và tìm ra chân lý, Nguyễn Ái Quốc viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ III”[3] .

Năm 1920, tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc - người Đông Dương, người dân một nước thuộc địa duy nhất, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và bỏ phiếu tán thành Quốc tế III - sự kiện lịch sử đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người. Những luận điểm sáng tạo về mối quan hệ giữa cách mạng vô sản ở chính quốc với cách mạng thuộc địa luôn được thể hiện trong các bài báo Người viết giai đoạn này. Đặc biệt trong bản tham luận Nguyễn Ái Quốc trình bày tại phiên họp thứ 25, Đại hội V của Quốc tế Cộng sản năm 1924, Người đã chỉ rõ cuộc sống cơ cực và tình trạng thiếu tổ chức, thiếu lãnh đạo của nông dân Đông Dương cũng như nông dân ở các thuộc địa Pháp và vai trò dẫn dắt của Quốc tế Cộng sản đối với cách mạng thuộc địa. Đó là: “Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng giải phóng”[4].

Tiếp thu và quán triệt thực hiện một cách sáng tạo những tư tưởng tiến bộ của V.I.Lênin về cách mạng thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã xác định hướng đi cho cách mạng Việt Nam. Người luôn khẳng định phải dựa vào sức mình để giải phóng cho mình. Trong Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc dự thảo đã chỉ rõ: “Anh em phải làm thế nào để được giải phóng? Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”[5].

Chuẩn bị về tổ chức, đào tạo lực lượng

Cùng với việc nghiên cứu Luận cương, Nguyễn Ái Quốc còn tích cực nghiên cứu một số văn kiện có tính lý luận mở đường của Quốc tế Cộng sản. Thông qua các tổ chức chính trị, Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí của mình tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam. Dấu ấn, vai trò và tầm ảnh hưởng của Nguyễn Ái Quốc trong những hoạt động của các tổ chức thời kỳ này mang tính quyết định, từ đó dẫn đến những hành động thực tiễn của các chiến sĩ cộng sản đang hoạt động trong nước, họ tìm mọi cách xuất dương sang Pháp tập hợp, quy tụ xung quanh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, với mục đích duy nhất là cùng Người tìm được con đường đúng đắn cho cách mạng dân tộc. Điều này đã được các đồng chí hoạt động cùng Người chia sẻ. Luật sư Phan Văn Trường khẳng định: “Tương lai của nước ta có được cái gì chỉ là nhờ Nguyễn Ái Quốc”. Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh cho biết: “Chính anh Nguyễn Ái Quốc đã làm tôi hăng hái cách mạng. Tôi hoàn toàn tán thành đường lối của Quốc tế đệ tam và tôi luôn luôn coi anh Nguyễn Ái Quốc là một người dẫn đường cho tôi”[6].

Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu làm phiên dịch trong phái bộ Bôrôđin, nhưng trên thực tế Người liên lạc trực tiếp với Quốc tế Cộng sản. Tháng 6.1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, và xuất bản tờ báo Thanh niên, với nhiệm vụ tuyên truyền và giới thiệu về chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng tháng Mười Nga. Với sự truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, phong trào cách mạng ở trong nước đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ đưa đến sự ra đời của ba tổ chức cộng sản vào cuối năm 1929. Đầu tháng 2.1930, Nguyễn Ái Quốc với tư cách là Ủy viên Phương Đông được Quốc tế Cộng sản ủy nhiệm trực tiếp triệu tập Hội nghị hợp nhất tại Hương Cảng để thống nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vượt qua bao gian truân và thử thách, mùa Xuân năm 1941, sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tiếp sau đó, Người triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8, tháng 5.1941, thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ. Tháng 8.1945, Người triệu tập Quốc dân Đại hội Tân Trào, ra lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi Cách mạng tháng Tám. Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 là minh chứng rõ nét và sinh động nhất khẳng định việc lựa chọn con đường cứu nước giải phóng dân tộc khỏi áp bức nô lệ là con đường duy nhất đúng - đó là sự lựa chọn của lịch sử.

--------

1, 2, 3. Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2012, Hà Nội, tr.21, 36, 32, 33.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, Hà Nội, tập 1, tr.311.

5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, Hà Nội, tập 2, tr.138.

6. Phạm Xanh, Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam (1921-1930), Nxb Thông tin lý luận, 1990, Hà Nội, tr.72, 73.

ThS. Hoa Đình Nghĩa