Phiên họp thứ Ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ là yêu cầu cấp thiết

- Thứ Ba, 14/09/2021, 18:25 - Chia sẻ
Chiều 14.9, tiếp tục Phiên họp thứ Ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Phiên họp
Ảnh: Hồ Long

Chưa tạo động lực mạnh mẽ cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, sở hữu trí tuệ là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội vì tài sản trí tuệ có giá trị lớn trong nền kinh tế tri thức, là nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh, là công cụ cạnh tranh hiệu quả của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trình bày Tờ trình dự án Luật
Ảnh: Hồ Long

Sau 16 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt này. Tuy nhiên, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang tạo ra tài sản này. Trong khi đó, các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2009 và 2019 không đáng kể, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ. "Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 93 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 81 điều) và bãi bỏ 1 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 233 điều, thuộc 7 nhóm chính sách đã được thông qua. Do số lượng điều khoản sửa đổi, bổ sung chiếm 41% tổng số điều khoản tại Luật hiện hành, cũng như bổ sung nhiều nội dung, số lượng các điều dẫn chiếu lớn dẫn đến không thuận lợi cho việc phổ biến, tuyên truyền và áp dụng pháp luật trong thực tiễn. Do vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định đổi tên dự án Luật từ "sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ" thành “Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi)”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật
Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành với các lý do đã nêu trong Tờ trình. Các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật đã bảo đảm theo yêu cầu quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thêm một số tài liệu nhằm bảo đảm chất lượng dự án Luật khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai tới. Trong đó, quan tâm đến các sửa đổi, bổ sung quy định về biện pháp công nghệ bảo vệ quyền (khoản 10b, Điều 4 Luật hiện hành); giới hạn và ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (các Điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật hiện hành); có cơ chế đầy đủ và hiệu quả để đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì việc giảm thời hạn bảo hộ hữu hiệu của bằng sáng chế do sự chậm trễ bất hợp lý trong việc cấp phép lưu hành (Điều 131a của Luật hiện hành)...

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng không nhất trí với đề xuất đổi tên gọi dự án Luật của Chính phủ. Bởi 7 chính sách tại dự thảo Luật lần này đã được thể hiện trong hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ khi đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Lý do đề nghị đổi tên là “việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung lần thứ ba với nhiều nội dung và số lượng điều lớn sẽ dẫn đến những bất cập nhất định trong tuyên truyền, phổ biến, thi hành và áp dụng pháp luật” là không thuyết phục vì chất lượng thi hành, áp dụng pháp luật phụ thuộc vào công tác tổ chức thi hành. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều sẽ được hợp nhất theo quy định do đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, sẽ không có vướng mắc.

Nếu đổi tên gọi như đề xuất của Chính phủ thì phải nghiên cứu toàn bộ 222 điều của Luật hiện hành để có phương án sửa đổi, bổ sung toàn diện, đáp ứng tối đa yêu cầu thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về sở hữu trí tuệ ngoài 7 chính sách nêu trong Tờ trình. Nhấn mạnh yêu cầu này, song với quỹ thời gian còn lại của quá trình xây dựng Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật lo ngại, sẽ là thách thức không nhỏ cho việc hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ vì khi sửa đổi toàn diện thì phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, thay thế 44 văn bản hướng dẫn thi hành Luật hiện hành, 39 văn bản pháp luật khác có quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ cũng phải rà soát, sửa đổi để bảo đảm đồng bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu
Ảnh: Hồ Long
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu
Ảnh: Hồ Long

Đồng tình với ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhất trí cần giữ nguyên tên gọi của dự án Luật như chương trình. 

Giới hạn, ngoại lệ về quyền tác giả, quyền liên quan cần cụ thể hơn

Đánh giá dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này đã tốt hơn rất nhiều so với các bản trước đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, với sự chuẩn bị sớm của cơ quan chức năng, chất lượng dự án Luật được bảo đảm và hoàn thiện hơn nữa sau khi được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai tới.

Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận, các quy định cụ thể của dự thảo Luật hiện đã cơ bản thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước liên quan đến sở hữu trí tuệ, phù hợp với Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đồng thời khắc phục được nhiều hạn chế về quyền tác giả và các quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, bảo hộ giống cây trồng...  của luật hiện hành để tương thích với điều ước quốc tế.

Quang cảnh Phiên họp
Ảnh: Hồ Long

Về giới hạn và ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, dự thảo Luật quy định quyền sao chép tại các Điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật hiện hành theo hướng quy định một số trường hợp đặc biệt không được thực hiện. Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, các quy định này chưa thể hiện đầy đủ quy định về giới hạn và ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan của Công ước Berne, Hiệp định TRIPs, Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA. Theo đó, luật pháp của quốc gia thành viên có thể quy định giới hạn và ngoại lệ về quyền tác giả, quyền liên quan chỉ trong những trường hợp đặc biệt nhất định (1) mà không mâu thuẫn với việc khai thác bình thường của các đối tượng bảo hộ (2) và không gây phương hại bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền (3). Tuy nhiên, dự thảo Luật mới chỉ quy định điều kiện (1), chưa quy định điều kiện (2) và (3) là chưa bảo đảm phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ý kiến các chuyên gia về nội dung này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, các chuyên gia lo ngại nếu không thực hiện đầy đủ ba bước trong quy định tại các các khoản 8, 9, 10, 15 và 16, Điều 1 của dự thảo Luật sẽ gây xâm hại quyền tác giả.  

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nói chung, quy định về giới hạn và ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng đều có tính chất phức tạp, liên quan đến các công ước quốc tế Việt Nam đã tham gia. Do đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học với từng điều khoản cụ thể, để hoàn thiện các quy định về nội dung này, cũng như với toàn bộ dự thảo Luật.

Hồ Long