Sức bật nơi cánh sóng Bạch Đằng giang

- Thứ Tư, 21/04/2021, 08:18 - Chia sẻ
Quảng Yên - mảnh đất nên thơ nằm bên dòng Bạch Đằng giang lịch sử vốn là vùng đất tốt tươi, địa hình phong phú, khí hậu ôn hòa. Nơi đây không chỉ ghi dấu ấn vào lịch sử chói lọi của dân tộc bằng 3 trận thủy chiến chống quân xâm lược phương Bắc vào các năm 938, 981, 1288 mà còn là nơi bảo lưu hầu như nguyên vẹn hàng trăm đình chùa, miếu, quần thể các làng Việt cổ hàng trăm năm. Giữa những ngày con Lạc, cháu Hồng cả nước đang hướng về nguồn cội, chúng tôi tìm về với Quảng Yên, như để sống lại mạch nguồn truyền thống của ông cha và chứng kiến bao đổi thay nơi mảnh đất ven dòng sông huyền thoại.
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đi qua TX Quảng Yên  

Ảnh: Đỗ Phương 

Vượng khí non sông tụ Bạch Đằng

Hơn hai thế kỷ trước, cái tên Quảng Yên yên bình, trù phú vốn là trấn lỵ của trấn Yên Quảng thời Nguyễn, sau thành thủ phủ của tỉnh Quảng Yên từng được chọn là nơi nghỉ dưỡng của người Pháp, sau lại hạ cấp thành thị trấn và mới được tái lập thành thị xã. Quảng Yên vừa có nét cổ kính của một đô thị cổ với những công trình kiến trúc được người Pháp mang đến, vừa có nét hiện đại, tươi mới của một đô thị mới đang chuyển mình. Xung quanh được tưới mát bằng dòng nước sông Chanh (một phân lưu của sông Bạch Đằng), nên vùng đất hiền hòa này cũng là vùng nông nghiệp trù phú.

Được bồi đắp trầm tích suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc, trên địa bàn thị xã Quảng Yên có hàng trăm di tích, trong đó có nhiều di tích cấp Quốc gia. Có thể kể đến như Miếu Tiên Công, Đình Trung Bản, Đền thờ Trần Hưng đạo, Miếu Vua Bà, Đình Cốc, Đình Yên Đông... Các di tích này được hình thành khá sớm. Mỗi di tích lại đều tồn tại những câu chuyện, truyền thuyết ai nghe cũng đều “đắm chìm” nhớ mãi.

Qua cầu sông Chanh là vào vùng Hà Nam. Khu vực đảo cũng là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo, nhiều di tích lịch sử văn hóa nhất tỉnh Quảng Ninh. Đi trên vùng đảo, chốc chốc lại gặp một mái đình hay một ngôi miếu cổ. Những mái đình cổ, những hàng cột bằng gỗ lim một người ôm không xuể đã bóng nước thời gian, sân đình lát đá xanh tạo không gian vừa cổ kính, vừa dân dã của một vùng đất cổ. Đặc biệt, vùng đảo ngày nay vẫn còn lưu truyền những câu chuyện huyền sử về lịch sử mở mang bờ cõi của ông cha. Đã ở tuổi 90, cụ Nguyễn Thị An vẫn nhớ như in những câu chuyện được thế hệ này tiếp nói thế hệ khác kể về 17 vị tiên công, tương truyền đều là giám sinh và hiệu sinh trường Quốc Tử Giám từ năm 1434 đã tới vùng đảo Hà Nam quai đê, lấn biển, mở đất làm nhà, từ đó hình thành nên vùng đảo trù phú. Nhân dân vùng đảo đã lập miếu thờ và tổ chức Lễ hội Tiên Công nhằm tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân. Vào ngày chính hội (mùng 7 tháng Giêng) sẽ diễn ra nghi lễ “Rước người” độc đáo nhất trong cả nước. Từ năm 2017, Lễ hội Tiên Công được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thể hiện sự ngưỡng vọng, tôn vinh các bậc tiền nhân, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng cửa biển Bạch Đằng.

Quảng Yên hôm nay vẫn bảo tồn vẹn nguyên cụm di tích đền thờ Trần Hưng Đạo và bãi cọc Bạch Đằng là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách gần xa. Sử sách còn lưu, nơi dòng sông thiêng, quân và dân ta đã ba lần chiến thắng oanh liệt quân xâm lược phương Bắc vào các năm 938, 981 và mùa xuân năm Mậu Tý 1288. Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 đã đánh dấu kết thúc oanh liệt cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần thứ ba, chấm dứt âm mưu xâm lược của đại đế quốc Mông - Nguyên vô cùng lớn mạnh và hung hãn đang hoành hành cả thế giới.

Bạch Đằng nay đã trở thành Di tích quốc gia đặc biệt, Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên Trần Đức Thắng chia sẻ: Bên cạnh phát huy nội lực và nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, thị xã cũng đã và đang mời gọi các nhà đầu tư có tâm, có tầm chung sức đầu tư, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của Khu di tích gắn với phát triển du lịch.

Trong chuyến kiểm tra các dự án trọng điểm tại Quảng Yên cuối năm 2020 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: 5 năm tới, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực phát triển nhanh và bền vững các KKT, KCN tạo động lực thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Đứng trước vận hội mới, muốn phát triển nhanh bền vững thời gian tới, Quảng Yên cần ưu tiên quỹ đất phục vụ sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, phát triển công nghiệp dịch vụ. Trên cơ sở rà soát hiện trạng hạ tầng tại các KKT, KCN, tỉnh sẽ tiếp tục ban hành, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp nhằm tạo nguồn lực đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng các công trình hạ tầng kỹ thuật tại các KCN. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn nhằm tạo ra các dự án động lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong các KKT, KCN.

Hạt nhân tăng trưởng mới của Quảng Ninh

Quảng Yên hôm nay đang chuyển mình cùng nhịp sống đô thị. Từ một địa phương có xuất phát điểm sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, sau một thập niên đổi mới, thị xã đã chủ động khai thác các tiềm năng, thế mạnh, huy động nguồn lực và đạt những kết quả nổi bật, toàn diện. Thị xã được định hướng là khu kinh tế (KKT) ven biển chủ lực, đóng góp tích cực trong tiến trình phát triển kinh tế biển nói riêng và phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, thúc đẩy phát triển liên vùng. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tài chính, kinh nghiệm, tầm nhìn dài hạn đã đến thị xã triển khai các dự án đầu tư.

Nhờ lợi thế về vị trí chiến lược, sở hữu mặt bằng rộng, dư địa phát triển tốt, hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, vừa có đường biển, đường bộ, đường hàng không… Quảng Yên được tỉnh Quảng Ninh coi là động lực tăng trưởng mới trên tuyến hành lang kinh tế phía Tây của tỉnh. Nhiều công trình mới với vai trò là động lực đã được triển khai tại địa bàn như: Cầu Bạch Đằng, tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, hình thành 5 KCN với hàng chục nhà đầu tư thứ cấp chất lượng cao… Đặc biệt, ngày 24.12.2020, thị xã đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển; Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập KKT ven biển, công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đồng thời, được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh.

Việc được Thủ tướng Chính phủ chính thức quyết định thành lập KKT ven biển chính là động lực mới để tỉnh Quảng Ninh phát triển trong giai đoạn 2020 - 2030. Trong tương lai, Quảng Yên sẽ trở thành một KKT mới năng động và hiện đại; phát triển toàn diện, bền vững trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh; đón đầu, thu hút dòng vốn đầu tư mới từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Chủ tịch UBND thị xã Trần Đức Thắng cho biết: Lộ trình phát triển KKT ven biển Quảng Yên giai đoạn 2020 - 2025 sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản các khu chức năng của KKT. Trước mắt năm 2021, thị xã đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, như nút giao Đầm Nhà Mạc, nút giao Hạ Long xanh và đường ven sông… nhằm kết nối đồng bộ các KCN. Đồng thời, tiếp tục giải phóng mặt bằng trong các KCN để tạo quỹ đất sạch triển khai các dự án. Phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu KKT ven biển Quảng Yên. Với những giải pháp quyết liệt, phù hợp, tin rằng KKT ven biển sẽ sớm khẳng định là động lực tăng trưởng mới tuyến hành lang kinh tế phía Tây của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Hồng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn, việc hình thành KKT ven biển Quảng Yên giúp địa phương khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các KKT ven biển như: Vân Đồn, Đình Vũ - Cát Hải, Thái Bình nhằm phát triển nhóm các KKT ven biển để phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng KKT và xây dựng mối liên kết về phát triển kinh tế - xã hội giữa các KKT với khu vực lân cận. Kết hợp chặt chẽ giữa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa trong khu vực.

MẠNH TUÂN