Xem-Nghe-Đọc

Sức mạnh của thiền định

- Chủ Nhật, 17/01/2021, 09:05 - Chia sẻ
Để tiễn biệt một năm kinh hoàng vừa đi qua và đón chờ một năm… chưa biết điều kinh hoàng kia bao giờ mới có thể kết thúc, có lẽ một series mà tất cả chúng ta đều nên xem trong thời điểm này là: "Headspace: Guide to Meditation".

Tất nhiên, meditation (Thiền định) đã có từ hàng ngàn năm trước, nhưng trong những thời khắc khó khăn mang tính lịch sử của toàn nhân loại này, nó lại có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Bởi khi đối mặt với đau khổ hoặc mất mát xảy ra mà con người không lường trước được, hầu hết chúng ta đều tìm cách nương nhờ hoặc được cứu rỗi về phương diện tôn giáo hoặc tâm linh. Nhưng thực ra, đó chỉ là một cách giải thoát hay cứu rỗi mang tính thụ động. Trong khi đó, thiền định mang tính chủ động hơn, nó giúp ta ứng phó với tất cả các biến cố xảy ra và tìm cách tự chữa lành, vượt qua sự khủng hoảng bằng chính sức mạnh từ bên trong chúng ta.

Trong năm qua, hơn 93 triệu ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu và gần 2 triệu người đã tử vong. Hãy thử tưởng tượng đến 93 triệu nỗi lo lắng sợ hãi khi cầm trên tay tờ giấy xét nghiệm dương tính. Hãy thử tưởng tượng đến nỗi đau sinh ly tử biệt của gần 2 triệu con người vừa từ giã cõi đời trong năm qua, đôi khi còn không được nói lời từ biệt với những người thân yêu nhất.

Nguồn: ITN

Chưa hết, các trận cháy rừng hoành hành dữ dội ở Úc và California (Mỹ); sự hỗn loạn của đời sống chính trị tại Mỹ; bão lũ ở miền Trung Việt Nam; đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục là một án tử với nhiều người và trực tiếp gây ra suy thoái kinh tế, khủng hoảng xã hội và tình trạng căng thẳng, lo lắng, trầm cảm cho hàng trăm triệu người khác trên trái đất này…

Không phải ngẫu nhiên mà trong một năm biến động vừa rồi, con số người tìm đến với thiền định lại tăng một cách đột biến như vậy. Vào tháng 2.2020, Headspace - một trung tâm về thiền định tại Mỹ kỷ niệm cột mốc 2 triệu người đăng ký Headspace Plus có trả phí. Và trong 10 tháng sau đó, số lượng đăng ký và tải ứng dụng này đã tăng gấp đôi so với trước khi có dịch Covid-19.

Mini-series thiền định được thực hiện dưới dạng phim hoạt hình ngắn này (mỗi tập dài khoảng 20 phút) do Andy Puddicombe chủ biên và sáng tạo nội dung. Ông kể về xuất phát điểm của mình, từ một doanh nhân thành đạt, sau một chấn thương tâm lý, ông trở thành nhà sư sau nhiều năm tu dưỡng tại các thiền viện trên dãy Himalaya. Trong suốt thời gian đó, ông may mắn được học hỏi từ các bậc thầy vĩ đại nhất từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Và ước muốn của ông là được chia sẻ sự thông thái và thấu tỏ của họ, để bạn không đến Himalaya, không cần trở thành nhà sư hay ni cô, và cũng không phạm đủ mọi lỗi lầm như ông đã làm trên hành trình mới có thể học được thiền.

Lâu nay, tôi cứ nghĩ với những người mới bắt đầu, đôi khi phải bỏ một số tiền lớn và dành một khoảng thời gian ít nhất 10 ngày cho một khóa thiền nào đó. Nhưng với series này, chúng ta không cần mất tiền (chỉ cần thuê bao Netflix) là đã có thể được hướng dẫn một cách chi tiết cách để thực hành thiền và có thể tự mình thực hành trong một không gian của riêng mình.

Tất cả 8 tập phim của mùa một series phim thiền dưới hình thức hoạt hình này là sự kết hợp giữa diễn giải, phân tích và đặc biệt là các bài thực hành thiền với những kỹ thuật khác nhau. Trong nửa sau của mỗi tập phim, Puddicombe dẫn dắt người xem qua một bài thiền với những hình ảnh hoạt hình phù hợp nhất trong quá trình thiền định. Các tập phim lần lượt với sự bắt đầu thiền định cho những người mới bắt đầu. Các tập tiếp theo bàn về sự buông bỏ, cách đối phó với căng thẳng, cách để yêu cuộc sống trở lại, làm thế nào để trở thành một người tử tế, cách để đối mặt với nỗi đau, sự tức giận và cuối cùng là đạt được tiềm năng vô hạn bên trong mình.

Các bạn có thể chọn audio tiếng Anh với giọng đọc của Puddicombe hoặc audio tiếng Việt với một giọng đọc khoan thai, từ tốn và cũng truyền cảm không kém. Đôi khi, chúng ta cũng không cần nhìn vào màn hình mà để cho giọng đọc dẫn ta đi và ta nhập tâm vào không gian thiền định lúc nào không biết.

Tất nhiên, không phải ai cũng bắt đầu được với thiền ngay được, nhất là với những người có tâm trí quá xáo trộn hoặc hỗn loạn. Nhưng Puddicombe khuyên rằng đừng nên sốt ruột, vì cố gắng quá sức là phản tác dụng đối với bản chất của thiền, hoặc có thể, chúng ta chưa biết cách nắm bắt kỹ thuật để thiền.

*

Thiền cơ bản là một kỹ năng, một phương pháp rèn luyện tâm trí để tâm trí của ta sáng suốt và bình tĩnh hơn, cảm thấy thanh thản hơn trong suy nghĩ, trong cơ thể và trong cuộc sống. Cơ bản là chúng ta có thời gian cho riêng mình và lặp lại thường xuyên, không bỏ cuộc.

Các kỹ thuật khác nhau và các ứng dụng, thực hành kỹ thuật dưới sự hướng dẫn trong bài thiền giúp ta chú tâm và ít phân tâm, tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn và kết nối với những điều mà mình quan tâm nhất.

Chúng ta dễ bị choáng ngợp trước cảm xúc, tâm trí luôn bận rộn. Việc chạy lòng vòng làm tâm trí của chúng ta không yên ổn. Vậy rèn luyện tâm trí, có nghĩa là thay đổi quan hệ của ta với suy nghĩ và cảm xúc thoáng qua đó.

Một trong những kỹ thuật căn bản để tu dưỡng khoảng an bình đó, được gọi là tập trung sự chú ý.

Thứ thông dụng nhất để có thể tập trung suy nghĩ của ta vào là hơi thở. Cần có một nơi để tập trung sự chú ý vào đó, giống như một mỏ neo, đó là thứ để ta quay lại, mỗi khi ta nhận ra tâm trí của ta đang vẩn vơ đi lạc đâu đó, điều mà dĩ nhiên không thể tránh khỏi. Khi ta tập trung vào hơi thở, không có nghĩa là ta chạy trốn hoặc tách biệt với thế giới. Chúng ta chỉ cần biết khi nào thì tâm trí của chúng ta đang bị mắc kẹt trong sự phân tâm và tìm cách để quay trở lại.

Tập trung sự chú ý không có gì mới, nó là một phần của truyền thống Phật giáo có từ hàng ngàn năm. Và chúng được truyền dạy từ thầy sang trò, cứ thế tiếp nối. Đó là điều mà Puddicombe may mắn được trải nghiệm.

Ông cho rằng, thiền là một thứ đã tồn tại và đã được kiểm chứng qua nhiều thế kỷ. Và thiền định giúp cho não bộ của ta được hạnh phúc và khỏe mạnh, như cách ta luyện tập thể lực trong phòng gym. Phần não sẽ nhận được nhiều máu lưu thông hơn, nó trở nên dày hơn và mạnh hơn. Có nghĩa là ta đã dành thời gian tập luyện cho phần não đó.

Thiền định được chứng minh là có thể giảm căng thẳng, bức xúc, chán nản và đau đớn, kể cả cảm giác thất vọng và trầm cảm. Thiền cũng tăng cảm giác hạnh phúc, nâng cao kiên nhẫn, mức tiếp thu và lòng trắc ẩn. Nên có khi bạn chỉ ngồi đó, và có khi chẳng có gì xảy ra cả, bạn vẫn có thể tự tin rằng thiền định và chánh niệm có thể thay đổi cuộc sống của ta.

Cách tốt nhất để trải nghiệm thiền định là thực hành nó, chứ không chỉ bàn về nó.

Điều quan trọng để thiền là tìm được một không gian thoải mái và yên tĩnh nhất, nơi bạn có thể tập trung tuyệt đối cho việc thiền mà không bị phân tâm.

Trong tập 2, Puddicombe hướng dẫn chúng ta cách buông bỏ những chấp niệm mà ta luôn mang theo trong tâm trí. Ông dẫn giải rằng, tâm trí như một chú khỉ luôn nhảy nhót, không bao giờ dừng lại để nghỉ ngơi. Và vì thế mà ta thường mệt mỏi. 

Chúng ta thường không biết cách trải nghiệm cảm giác nghỉ ngơi và thư giãn. Về cơ bản, ta phải tìm cách buông bỏ, chủ yếu là sự thư thái từ trong tâm trí, trong nội tại của ta hơn là các tác động bên ngoài. Điều ta cần làm là tạo ra một môi trường, nơi ta có thể tự nhiên mà rũ bỏ.

Khi ta thiền định, một số thay đổi đã diễn ra bên trong não bộ. Trong một nghiên cứu xuất sắc, tiến sĩ Sara Lazar ở ĐH Harvard đã cho thấy, chỉ sau 8 tuần tập thiền, ta có thể đem lại những thay đổi bên trong não bộ, liên quan đến vùng học tập và trí nhớ. Những vùng não đó thực sự gia tăng kích thước, còn vùng não liên quan đến lo âu và căng thẳng, thì lại nhỏ đi. Sara đã chỉ ra rằng chỉ sau 8 tuần luyện tập, đã có những thay đổi đáng kể. Nếu ta không tiếp tục luyện tập, ta sẽ không được hưởng những ích lợi đáng kể đó. Có những thay đổi đang diễn ra cả thể chất lẫn tâm lý khi ta thiền định.

Và ở tập tiếp theo, Làm sao để yêu cuộc sống một lần nữa, ông hướng dẫn chúng ta cách biết ơn và học yêu đời trở lại thông qua sự trân trọng. Hãy tập cách biết cám ơn đời sống, cám ơn sự tồn tại. Cám ơn mỗi sớm mai được thức dậy, cám ơn những món ăn và cám ơn những người đồng hành cùng ta, trân trọng những khoảnh khắc sống bên người đó…

Trong phần thực hành, ông vận dụng kỹ thuật chiêm nghiệm (quán tưởng) để chạm tới cảm xúc trân trọng trong cuộc sống. Kỹ thuật này rất ít dùng nhưng rất hiệu quả. Bài tập quán tưởng trong thiền là tạo ra một không gian trong tâm trí, nơi ta chọn một suy nghĩ hoặc một câu hỏi hoặc chủ đề để suy ngẫm. Không cần phải cố trả lời là đúng hay sai mà đôi khi quan trọng là học cách lắng nghe tâm trí, để thấy tò mò và hứng khởi. Để thấy hành trình là quan trọng chứ không phải điểm đến. Nguồn gốc của kỹ thuật quán tưởng này là của người Tây Tạng có từ 1.000 năm trước, mục đích là để những người mới tu hành học cách trả lời câu hỏi xoay quanh sự trân trọng cuộc sống và những người ở bên ta; tạo ra một môi trường nơi ta có thể chạm vào cảm xúc thay vì chỉ chạm vào suy nghĩ, để đảm bảo rằng ta biết ơn cuộc sống đến mức nó trở nên tích cực và quý giá khi ta đang sống. Khoa học đã cho thấy nó đã đóng góp cảm thức của ta về hạnh phúc, cảm thức của ta về sự an ổn vẹn toàn.

Và ông nhắc lại một lần nữa: Thiền chỉ tốt hơn khi đi đôi với tập luyện.

*

Các chủ đề khác thuộc loạt phim này cũng hầu hết là những điều mà chúng ta đều quan tâm trong đời sống hiện đại: Giải tỏa cảm giác căng thẳng và lo âu; Làm sao để đối mặt và vượt qua nỗi đau (cả thể chất lẫn tinh thần); Làm sao để chế ngự sự giận dữ; Trở thành người tử tế và cuối cùng là đạt được tiềm năng vô hạn bên trong ta bằng một kỹ thuật thiền gọi là “tỉnh thức ngơi nghỉ”.

Nếu các bạn muốn làm bạn với tâm trí và không để ngoại cảnh tác động, làm xáo trộn dẫn đến những cảm xúc tiêu cực, hãy bắt đầu xem loạt phim đặc sắc này và hãy thực hành thiền định - ngay từ bây giờ.

Tôi đã có 8 ngày bình yên và đạt tới những cảm xúc tích cực sau nhiều xáo trộn những ngày đầu năm - sau khi xem và thực hành thiền định nhờ loạt phim này. Và bài viết này là lời cám ơn mà tôi dành cho nó.

Bảo Khánh