Lao động có kỹ năng

Sức mạnh nội sinh vực dậy nền kinh tế

- Thứ Bảy, 09/10/2021, 19:08 - Chia sẻ
Tác động từ dịch Covid-19, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang được xem là chất xúc tác để Việt Nam nâng cao kỹ năng cho người lao động. Việc có nguồn lao động chất lượng cao được xem là yếu tố tiên quyết để đón sóng đầu tư từ nước ngoài, từng bước khôi phục, tạo sự bền vững cho nền kinh tế. Các chuyên gia quốc tế cho rằng, việc kết nối giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp là rất cần thiết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Việt Nam đang xây dựng thành lập các trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao

Kỹ năng tốt để đón sóng đầu tư

Mới đây, tại Hội thảo quốc tế về Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trong tình hình mới, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Chí Trường cho biết, tính đến quý II.2021, lực lượng lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 51,1 triệu người, trong đó, lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 26,1%. Như vậy, số lao động chưa qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chưa được công nhận trình độ kỹ năng (kỹ năng, đào tạo) là 73,9%. Đồng thời, có sự thiếu kết nối giữa giáo dục đào tạo với doanh nghiệp, xã hội, thị trường lao động trước, trong và sau đào tạo, tham gia thị trường lao động.

Ông Nguyễn Chí Trường cho rằng, để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, phải đặt tầm nhìn nâng cao nội lực, sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước bằng sức mạnh của kỹ năng và năng lực hành nghề của người lao động; đặt mục tiêu về trình độ kỹ năng nghề theo cơ cấu về bậc trình độ, ngành nghề, số lượng, chất lượng, bảo đảm nhu cầu đa dạng của thị trường lao động…

Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Hoàng Quang Phòng, trước đại dịch Covid-19, làn sóng chuyển dịch đầu tư, Cách mạng công nghiệp 4.0, lao động Việt Nam đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều thách thức cũng như tận dụng cơ hội mới. Kỹ năng nghề là nhân tố quan trọng, quyết định tăng trưởng nền kinh tế. Lực lượng lao động có kỹ năng nghề tạo nên sức cạnh tranh của nền kinh tế, tận dụng tốt làn sóng đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, cần tập trung phân tích, đánh giá kịp thời, chính xác và đầy đủ những tác động của đại dịch Covid-19 đối với lao động, việc làm và thị trường lao động Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời, rút ra bài học từ kinh nghiệm quốc tế trong ứng phó với dịch bệnh nhằm duy trì sản xuất, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và chuẩn bị nhân lực có kỹ năng cho khôi phục kinh tế sau đại dịch.

Cần nhiều “cái bắt tay”

Chia sẻ về sự cần thiết của kỹ năng nghề, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã mượn lời của người xưa “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” để minh chứng rằng, khi thông thạo nghề nghiệp thì ở thời đại nào con người cũng có cơ hội thăng tiến, thành công và điều này lại càng mang tính thời sự, khi quốc gia bước vào thời kỳ hội nhập và chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, lao động nước ta có những hạn chế về chuyên môn kỹ thuật, năng suất lao động còn thấp. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần có giải pháp chiến lược, nâng tầm kỹ năng lao động trong tình hình mới, đổi mới, nâng cao năng lực nguồn nhân lực nước nhà; tạo điều kiện cho cùng doanh nghiệp tham gia vào đào tạo người lao động…

Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) Abla Sair đặt vấn đề, làm thế nào để cho người sử dụng lao động tham gia vào việc nâng cao kỹ năng cho người lao động. Hay nói cách khác, doanh nghiệp cần chủ động tham gia trong các hoạt động đào tạo kỹ năng vì lợi ích của chính họ. Tuy vậy, sự tham gia của doanh nghiệp trong phát triển kỹ năng còn hạn chế so với những gì họ thực hiện.

Khảo sát của WB cho thấy, 46% doanh nghiệp không có hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng mong muốn phối hợp doanh nghiệp nhưng gặp phải rào cản trong việc kết nối như nhân sự, tài chính, thiếu chính sách hỗ trợ…

Nhấn mạnh tới sự kết nối với nhà tuyển dụng, chuyên gia cao cấp về kỹ năng và việc làm của Tổ chức Lao động Thế giới  (ILO) Paul Comyn đánh giá, còn nhiều dư địa để nhà tuyển dụng phối hợp với đơn vị đào tạo. Nếu nhìn ở quốc gia trên thế giới, xu hướng hợp tác với nhà tuyển dụng đang diễn ra mạnh mẽ ở cấp độ từng ngành, vì vậy, ở cấp độ Trung ương, Chính phủ cần đưa ra chính sách để doanh nghiệp dẫn dắt, đóng góp vào quá trình đào tạo từng ngành cụ thể ở Việt Nam.

Ngoài việc hợp tác đào tạo với người sử dụng lao động, chuyên gia của ILO cũng cho rằng, Việt Nam cần xây dựng chính sách, chương trình đào tạo, đầu tư vào lĩnh vực đào tạo việc làm. Đồng thời, thúc đẩy cơ hội cho người lao động dựa trên lợi thế kinh tế địa phương, nhằm phát triển kỹ năng "học tập một lần là đủ" sang "học tập suốt đời", nâng cao năng lực cho người lao động, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tùng Dương