Suy giảm niềm tin

- Thứ Tư, 30/01/2019, 08:17 - Chia sẻ
Đầu năm 2019, chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phải đối mặt với sóng gió khi bị phanh phui vụ bê bối dữ liệu của Chính phủ, với 40% thống kê sai lệch nhằm “tô hồng” báo cáo kinh tế nước này. Vụ bê bối không chỉ làm suy giảm lòng tin của công chúng đối với Chính phủ, mà còn làm dấy lên nghi ngờ về một trong các trụ cột chính sách nhằm chấn hưng nền kinh tế - Abenomics - của Thủ tướng Abe.

40% dữ liệu kinh tế sai lệch

Báo Nikkei Asian Review đưa tin, điều tra nội bộ Chính phủ Nhật Bản cho thấy gần một nửa Dữ liệu Khảo sát lao động hàng tháng của Bộ Sức khỏe, lao động và phúc lợi Nhật Bản (gọi tắt là Bộ Lao động) sai lệch. Cụ thể, Bộ Lao động Nhật Bản được yêu cầu thu thập dữ liệu từ tất cả công ty có từ 500 nhân viên trở lên, nhằm phục vụ cho khảo sát lao động hàng tháng. Dữ liệu từ khảo sát lao động hàng tháng của Chính phủ nhằm cung cấp số liệu thống kê cốt lõi, được thu thập theo các quy tắc của Chính phủ. Bất kỳ sự bất thường trong phương pháp khảo sát có thể ảnh hưởng đến đánh giá kinh tế của Chính phủ.

Tuy nhiên, từ năm 2004 - 2017, cơ quan khảo sát chỉ tiến hành khảo sát khoảng một phần ba doanh nghiệp lớn ở Tokyo. Việc thiếu dữ liệu dẫn đến số liệu tiền lương trên toàn quốc được tính toán ở mức thấp hơn thực tế. Điều này dẫn đến việc Chính phủ không chi trả hàng chục tỷ yen cho khoảng 20 triệu người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp và các lợi ích tương tự, vì những số liệu trên được sử dụng làm cơ sở để quyết định mức phúc lợi, bao gồm cả bảo hiểm thất nghiệp và bồi thường cho người lao động...

Mặc dù Bộ Lao động Nhật Bản cho biết đang làm rõ nguyên nhân cơ quan này không khảo sát tất cả doanh nghiệp có từ 500 nhân viên trở lại ở Tokyo như quy định, nhưng các nhà phân tích cho rằng, phương pháp khảo sát được điều chỉnh nhằm tạo ra số liệu về tăng trưởng thu nhập giả tạo. Bởi lẽ, các công ty lớn thường trả lương cho người lao động cao hơn công ty nhỏ, nên việc khảo sát cả các công ty nhỏ có thể làm giảm con số ước tính mức thu nhập trên cả nước.

Sai phạm này khiến Nhật Bản mở rộng điều tra về 56 thống kê kinh tế quan trọng khác. Kết quả cho thấy, 40% dữ liệu kinh tế của nước này có sai phạm. Tokyo cho biết, Chính phủ sẽ phải điều chỉnh kế hoạch ngân sách cho năm tài khóa 2019, nhằm chi trả các khoản bồi thường cho người lao động bị ảnh hưởng bởi bê bối trên. Bộ Lao động thừa nhận, dữ liệu khảo sát không chính xác khiến 19,7 triệu người lao động mất khoảng 53,7 tỷ yen (tương đương 490 triệu USD). Thêm vào đó là khoản chi cho hệ thống máy tính của Bộ nhằm khắc phục sai phạm hiện nay, sẽ khiến khoản thiệt hại lên tới 79,5 tỷ yen.

Tổn thương niềm tin

Vụ bê bối khiến dư luận Nhật Bản không khỏi thất vọng và làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ các đối thủ của chính quyền ông Abe trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện ở nước này, dự kiến diễn ra giữa năm nay. Ý kiến chỉ trích cho rằng, các đánh giá kinh tế của Chính phủ thiếu chính xác, đồng thời đặt ra nghi ngờ đối với chính sách tiền lương của ông Abe. Kể từ năm 2013, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã nhiều lần tìm cách duy trì chỉ tiêu lạm phát lên 2% và kéo đất nước mặt trời mọc thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài. Kể từ khi lên làm Thủ tướng, ông Abe cũng đưa ra các chính sách nhằm chấn hưng nên kinh tế thứ ba thế giới, được biết đến với tên gọi Abenomics. Trong đó, tăng trưởng lương được coi là một trong các trụ cột của chính sách này. Theo các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản, tăng trưởng thu nhập sẽ kích thích khả năng tiêu dùng của người dân và đẩy giá cả tăng cao.

Sau 5 năm triển khai chính sách Abenomics, tiền tệ của Nhật Bản đã mất giá khoảng 30% so với tháng 11.2012 và chỉ số Nikkei 225 đã tăng hơn 150%. Điều này tạo ra một số kích thích kinh tế nhất định và GDP của Nhật Bản đã tăng trưởng trong 7 quý liên tiếp, đợt tăng trưởng liên tục dài nhất trong vòng 16 năm qua. Tuy nhiên, tình hình lạm phát chưa được cải thiện. Giá tiêu dùng (trừ thực phẩm tươi sống) chỉ tăng 0,7%/năm tính đến tháng 9.2017. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là tiền lương đã không tăng nhanh như mong đợi, một phần do trong thực tế, phần lớn lao động Nhật Bản làm việc cố định và tiền lương của họ chủ yếu thay đổi theo chi phí sinh hoạt.

Theo Masamichi Adachi, nhà kinh tế học cấp cao của công ty tư vấn đầu tư JPMorgan Securities, sau vụ bê bối về dữ liệu khảo sát lao động hàng tháng, độ tin cậy đối với thống kê của Nhật Bản, đặc biệt là GDP và các dữ liệu quan trọng khác, khá thấp. Yoshiki Shinke, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Dai-Ichi Life cho rằng, niềm tin về các dữ liệu kinh tế của Nhật Bản bị suy giảm nghiêm trọng và điều này có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài không còn tin cậy vào số liệu do Chính phủ cung cấp và có thể dẫn tới những hệ lụy rộng hơn. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng thừa nhận, sai phạm trong số liệu thống kê của Chính phủ là điều vô cùng đáng tiếc và sau vụ việc trên, niềm tin đối với chính quyền Abe bị tổn thương nghiêm trọng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng, vụ bê bối có thể giúp Chính phủ Nhật Bản rút ra bài học lớn và nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện thu thập dữ liệu tốt hơn. Điều quan trọng đối với người dân Nhật là sự thấu hiểu và niềm tin đối với các chính sách của Chính phủ, ông Adachi cho biết.

Nhật An