Suy ngẫm về quyết định hành chính trong thời Covid-19

- Thứ Năm, 14/10/2021, 06:47 - Chia sẻ
Một quyết định có thể hợp pháp nhưng không hợp lý cũng không khả thi, hiệu quả và sẽ không có sức sống vì không được sự đồng thuận của mọi tầng lớp Nhân dân. Vấn đề đặt ra là chính quyền và cả người dân cần tìm cách điều chỉnh các quyết định của mình cho hợp lý hơn, điều chỉnh cách ứng xử sao cho chuẩn mực. Nhất là khi cả nước đang thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, vừa khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.
Theo kế hoạch của tỉnh Lâm Đồng, đoàn xe Phương Trang đã đón hơn 3.100 người dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông, Tây nam bộ về quê tránh dịch Covid-19 - (Xe qua đèo Bảo Lộc)
Theo kế hoạch của tỉnh Lâm Đồng, đoàn xe Phương Trang đã đón hơn 3.100 người dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông, Tây nam bộ về quê tránh dịch Covid-19 

Trước những diễn biến hết sức phức tạp của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương đã có những quyết định quản lý nhà nước đúng đắn, phù hợp. Ngân sách nhà nước đã bảo đảm thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19, trợ cấp, hỗ trợ người dân khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch trở về từ vùng dịch... Đồng thời, quyết định các giải pháp hiệu quả, ngăn chặn, đẩy lùi, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng, được Nhân dân đồng thuận, ủng hộ, chấp hành nghiêm.

Quyết định quản lý hành chính vừa là phương tiện, vừa là sản phẩm của hoạt động quản lý hành chính nhà nước nói chung và của bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương nói riêng, được thể hiện dưới những hình thức nhất định để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Tuy vậy, vừa qua có một số quyết định quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước ban hành dưới nhiều hình thức khác nhau bị dư luận xã hội phản ứng. Nhất là những quyết định chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của bộ chuyên ngành trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Phần lớn đều đã được các cơ quan ban hành khắc phục kịp thời bằng cách thu hồi hoặc sửa đổi sau khi bị báo chí, dư luận lên tiếng. Tuy chưa để lại hậu quả pháp lý nghiêm trọng, nhưng việc các cơ quan chức năng đưa ra các quyết định quản lý hành chính chưa hội đủ các yêu cầu, nhất là tính hợp lý như vừa qua quả là đáng tiếc.

Tính hợp pháp phải bảo đảm 5 tiêu chí, là biểu hiện của nguyên tắc pháp chế - một nguyên tắc hiến định, bất biến, bao gồm, phải: (1) phù hợp với nội dung và mục đích của luật (không vi luật); (2) đúng thẩm quyền (không vi quyền); (3) xuất phát từ những lý do xác thực của nhu cầu quản lý nhà nước và đời sống xã hội; (4) đúng hình thức và trình tự thủ tục do luật quy định; (5) đúng tên gọi, thể thức văn bản do pháp luật quy định.

Tính hợp pháp là điều kiện tiên quyết, là tính thượng tôn pháp luật. Các quyết định quản lý hành chính nhà nước không đáp ứng một trong 5 tiêu chí trên thì rất dễ phạm phải những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 14, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Chính vì vậy, dù trong thời khắc “nước sôi lửa bỏng” chống đại dịch Covid-19, Chính phủ đã đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp khẩn chiều ngày 6.8.2021 để xem xét, ban hành Nghị quyết đồng ý với 4 nội dung đề xuất của Chính phủ khác với quy định của pháp luật hiện hành, hoặc thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Đáng tiếc, tinh thần đó ở vài địa phương chưa được tuân thủ khi áp dụng các biện pháp chống dịch chưa đúng pháp luật.

Tính hợp lý là sự thể hiện tính khả thi và hiệu quả cao nhất về kinh tế, chính trị, xã hội sau khi quyết định ban hành, triển khai thực hiện, nó phải đáp ứng 4 tiêu chí: (1) bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, tập thể và cá nhân; (2) có tính cụ thể và phù hợp với từng vấn đề, với các đối tượng thực hiện; (3) bảo đảm tính hệ thống toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, mục tiêu trước mắt và lâu dài, giữa hậu quả trực tiếp và gián tiếp, kết quả trước mắt và kết quả cuối cùng; (4) bảo đảm kỹ thuật lập quy, tức là ngôn ngữ, văn phong, cách trình bày phải rõ ràng, dễ hiểu, ngắn gọn, chính xác, không đa nghĩa.

Quản lý nói chung vừa là một khoa học, vừa là một nghệ thuật, nếu coi tính hợp pháp của quyết định là bất biến thì tính hợp lý của quyết định quản lý là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tức là lựa chọn phương án tốt nhất trong nhiều phương án. Yêu cầu này đòi hỏi sự cân đối hợp lý lợi ích giữa Nhà nước và xã hội, công dân phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Một quyết định có thể hợp pháp nhưng không hợp lý cũng không khả thi, hiệu quả và sẽ không có sức sống vì không được sự đồng thuận của Nhân dân. Thực tế một vài quyết định hành chính của chính quyền các địa phương vừa qua chỉ có giá trị chưa đến 2 ngày đã cho thấy điều đó.

Khoan hãy bàn đến những đúng sai trong các giải pháp chống dịch, bởi vì, cả thế giới vẫn đang phải vật vã đến hai năm mới định hình được cách hành xử mà vẫn chưa yên với “con Covid”. Nhưng dù sao thì chính quyền và cả người dân cũng cần tìm cách điều chỉnh các quyết định của mình cho hợp lý hơn, điều chỉnh cách ứng xử sao cho chuẩn mực. Nhất là khi cả nước đang thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, vừa khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.

Thạc sĩ NGUYỄN VÂN HẬU