Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021

Suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống là "gốc" của tham nhũng

- Thứ Bảy, 18/09/2021, 06:47 - Chia sẻ
Đầu tuần tới, các báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Tại Phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Tư pháp thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ vừa qua, các đại biểu đề nghị, cần bổ sung đánh giá về đấu tranh, phòng, chống tiêu cực, nhất là tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, người giữ chức vụ, quyền hạn bởi đây mới là cái gốc, cái cơ bản dẫn đến tham nhũng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường phát biểu ý kiến tại phiên họp ngày 7.9

Phát sinh tham nhũng trong phòng, chống dịch 

Nhận định về công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2021, nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Tư pháp cho biết, tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là ở cơ sở. Điển hình là các vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh và tại Sở Y tế các tỉnh Sơn La, Đắk Lắk, TP. Cần Thơ. 

Đặc biệt, đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 với các hành vi phổ biến như: mua bán, đấu thầu trang thiết bị phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi… Trong đó, một chính sách rất nhân văn của Nhà nước ta là tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 miễn phí cho người dân cũng đã phát sinh các hành vi tham nhũng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ, qua phản ánh trên phương tiện truyền thông cho thấy, còn có hiện tượng thu tiền để được tiêm chủng vaccine tại một số cơ sở tiêm chủng; một số đối tượng yêu cầu người dân “trả phí” để được ưu tiên tiêm trước…

Cũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch, nhiều ý kiến tại phiên họp nêu tình trạng làm giả giấy chứng nhận, QRcode để vào “luồng xanh vận tải”; lợi dụng “luồng xanh” để vận chuyển người, hàng hóa trái phép đã xảy ra ở một số địa phương. Các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ những biểu hiện này trong thực tế để dự báo đúng tình hình tham nhũng, từ đó, có giải pháp phòng, chống hiệu quả. 

Cùng với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong năm nay, Bộ Chính trị đã quyết định sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong đó bao gồm cả chức năng phòng, chống tiêu cực. Do đó, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Vũ Trọng Kim đề nghị, Chính phủ cần bổ sung đánh giá về đấu tranh, phòng, chống tiêu cực để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà chúng ta còn phải chống được cả tiêu cực trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, người giữ chức vụ, quyền hạn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lợi ích kinh tế thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống. Chính sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mới dẫn đến tham nhũng. Đây mới là cái gốc, cái cơ bản phải chống.

Kêu gọi doanh nghiệp chung tay chống tham nhũng

Trích kết quả điều tra, khảo sát khoảng 20.000 doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu nêu rõ, tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả các chi phí không chính thức đã giảm từ 66% vào năm 2016 xuống còn 45% trong năm 2020 cho thấy tình trạng tham nhũng đã thuyên giảm. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức ở từng lĩnh vực rất khác nhau. Đơn cử, trong giải quyết thủ tục hành chính, năm 2020 có 54% tổng số doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức; trong lĩnh vực đất đai, tỷ lệ này là 32%; trong đấu thầu là 45%...

Theo ông Phan Đức Hiếu, các kết quả điều tra trên đây tuy chỉ mang tính chất tham khảo, nhưng cũng là cơ sở để Chính phủ phân tích, làm rõ sự thay đổi của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong năm 2021 có gì tiến bộ hơn so với những năm trước, hoặc thậm chí không có tiến triển gì, từ đó, xác định mức độ ưu tiên trong phòng, chống tham nhũng ở từng lĩnh vực trong thời gian tới như thế nào.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm, vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong công tác phòng, chống tham nhũng là rất quan trọng, nhất là ở khía cạnh nói không với tham nhũng, thông báo hành vi tham nhũng, tham gia phản biện và xây dựng pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Tiếc rằng, Báo cáo của Chính phủ mới chỉ đề cập đến vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận mà chưa có đánh giá từ cộng đồng doanh nghiệp. Ông Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị, cần bổ sung đánh giá kết quả phòng, chống tham nhũng từ góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với đó, Chính phủ cần kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp chung tay phòng, chống tham nhũng.

Một thiếu sót nữa trong Báo cáo của Chính phủ được ông Nguyễn Ngọc Sơn chỉ ra là, chưa có thống kê về tình trạng không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm đáng kể của người có chức vụ, quyền hạn. Ông đề nghị, cần nghiên cứu để tiếp tục thể chế hóa Điều 20 của Công ước Liên Hợp Quốc về phòng, chống tham nhũng theo hướng xác định tội danh làm giàu bất hợp pháp để xử lý trường hợp người có chức vụ, quyền hạn không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm. 

Với quyết tâm phòng, chống tham nhũng “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, Nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, chú trọng thể chế hóa các chủ trương, nhiệm vụ giải pháp về phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng...

Đối với việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Do đó, các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu Chính phủ cần khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Đề án về vấn đề này để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ các quy định của luật, đồng thời bảo đảm hiệu quả công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Anh Thảo