Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ Ban Thư ký Quốc hội

Tách bạch chức năng, phân rõ nhiệm vụ

- Thứ Năm, 07/10/2021, 06:45 - Chia sẻ
Ban Thư ký Quốc hội được thành lập với chức năng chủ yếu là tham mưu, giúp việc cho Tổng Thư ký Quốc hội về mảng công việc liên quan đến quy trình, thủ tục, xây dựng dự thảo văn bản và các công việc khác phục vụ trực tiếp hoạt động ra quyết định của Quốc hội. Tuy nhiên, tại Hội thảo khoa học “Một số vấn đề về tổ chức và hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc của Quốc hội trong tình hình hiện nay”, một số ý kiến cho rằng, quy định về cơ cấu, tổ chức của Ban Thư ký hiện nay đã bộc lộ những bất cập cần sớm được sửa đổi để nâng cao hơn nữa hiệu quả tham mưu cho Tổng Thư ký Quốc hội và Quốc hội.

Hai mảng công việc khác nhau

Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định, Tổng Thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; giúp việc cho Tổng Thư ký Quốc hội có Ban Thư ký. Như vậy, Ban Thư ký và Văn phòng Quốc hội đều do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo. Trong đó, Ban Thư ký có chức năng chủ yếu là tham mưu cho Tổng Thư ký Quốc hội về mảng công việc liên quan đến quy trình, thủ tục, xây dựng dự thảo văn bản và các công việc khác phục vụ trực tiếp hoạt động ra quyết định của Quốc hội; còn Văn phòng Quốc hội có chức năng chủ yếu là tổ chức công tác bảo đảm các điều kiện phục vụ các hoạt động của Quốc hội. Theo các đại biểu tham dự Hội thảo, với cách phân định Ban Thư ký và Văn phòng Quốc hội thành hai mảng công việc có tính chất khác nhau như vậy thì phải có cơ cấu, tổ chức tương ứng.

Tuy nhiên, theo Ths. Nguyễn Hạnh Thu, Vụ Tổng hợp, Văn phòng Quốc hội, quy định về cơ cấu, tổ chức của Ban Thư ký hiện nay có một số bất cập lớn. Trước hết, số lượng Phó Tổng thư ký Quốc hội chỉ có hai người dẫn đến tình trạng có những thời điểm mỗi Phó Tổng thư ký phải thực hiện quá nhiều nhiệm vụ, vai trò cùng lúc. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật là một chính khách, xét về nguyên lý thì đây là đối tượng được phục vụ, nhưng do kiêm nhiệm chức danh Phó Tổng thư ký Quốc hội nên lại là người “phục vụ” các đại biểu Quốc hội khác thông qua các hoạt động tập hợp, tổng hợp ý kiến, tổ chức công tác cung cấp thông tin, báo chí, xuất bản, thư viện, bảo tàng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội... Như vậy là chưa bảo đảm tính công bằng giữa các chính khách. Đồng thời, thời gian dành cho Ủy ban chuyên môn sẽ bị hạn hẹp hơn, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Bên cạnh đó, việc chỉ có một Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm nhiệm Phó Tổng thư ký, các Phó Chủ nhiệm khác không phải thành viên Ban Thư ký cũng dẫn đến trường hợp trưởng một số vụ, đơn vị phải chịu trách nhiệm trong việc thực hiện cùng một nhiệm vụ trước cả Phó Tổng thư ký Quốc hội - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và một Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khác, gây khó khăn, chồng chéo trong việc phối hợp lãnh đạo, giải quyết các công việc liên quan đến nhiệm vụ của Ban Thư ký.

Về số lượng Ủy viên Ban Thư ký, việc “chốt” cứng con số 15 người đứng đầu các vụ, đơn vị chưa bao quát hết nhiệm vụ của Tổng Thư ký Quốc hội như việc theo dõi tham gia kỳ họp của đại biểu Quốc hội, quản lý tiến độ chuẩn bị tài liệu, thu, phát các tài liệu chính thức của kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tập hợp, tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội về nhân sự… Đây đều là những nhiệm vụ đang được giao cho một số vụ, đơn vị mà người đứng đầu không phải là thành viên Ban Thư ký (Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Vụ trưởng Vụ Hành chính…). Quy định này cũng chưa lường hết trường hợp khuyết vị trí Vụ trưởng các Vụ có trong danh sách Ủy viên Ban Thư ký hoặc trường hợp người đứng đầu vụ, đơn vị đó mới chỉ được giao phụ trách hoặc giữ quyền Vụ trưởng, quyền Giám đốc. Thực tế đã cho thấy, ngoại trừ lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn được đầy đủ 17 thành viên Ban Thư ký, các lần còn lại đều khuyết một số chức danh bởi quy định này.

Bảo đảm tính liền mạch của bộ máy tham mưu, giúp việc

Từ thực tế nêu trên, các đại biểu cho rằng cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1093/2015/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký Quốc hội theo hướng không quy định cứng số lượng Phó Tổng Thư ký, thực hiện nhất thể hóa chức danh Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội với Phó Tổng Thư ký, đồng thời xem xét bỏ quy định Phó Tổng Thư ký là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật để Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật làm tròn nhiệm vụ của một đại biểu chuyên trách với Ủy ban chuyên môn. Đối với Ủy viên Ban Thư ký, nên quy định là người phụ trách đơn vị thay vì phải là người đứng đầu như hiện nay. Cùng với đó, xem xét bổ sung các Ủy viên là người phụ trách các vụ, đơn vị: Hành chính, Dân nguyện, Công tác đại biểu, Lễ tân, Quản trị… để bảo đảm tham mưu, giúp mọi công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Thư ký Quốc hội.

Hiện nay, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Quốc hội đã có nhiều thay đổi so với quy định tại Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội và Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 417. Khá nhiều chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội với tư cách là cơ quan tham mưu, giúp Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã được chuyển sang Ban Thư ký với tư cách là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Tổng Thư ký Quốc hội theo Nghị quyết 1093. Vì vậy, các đại biểu đề nghị sớm sửa đổi, thay thế Nghị quyết 417 và Nghị quyết 618 để bảo đảm tách bạch, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức giữa Văn phòng Quốc hội và Ban Thư ký.

Trong hoạt động của Quốc hội, bộ máy tham mưu, giúp việc đóng vai trò quan trọng, là cầu nối giúp cho công việc của Quốc hội được vận hành ổn định, liên tục và có sự kế thừa. Mặc dù Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội có sự thay đổi theo nhiệm kỳ với hơn 60% đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm nhưng bộ máy tham mưu, giúp việc phải luôn bảo đảm tính liền mạch, xuyên suốt qua các nhiệm kỳ. Hiện nay, tổ chức và hoạt động của Văn phòng Quốc hội và Ban Thư ký Quốc hội cũng đang được đánh giá, tổng kết để đưa ra phương hướng đổi mới, hoàn thiện. Đây là cơ sở để tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế này nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội. 

Anh Dũng