Tài chính xanh - tiền đề phát triển bền vững

- Thứ Sáu, 10/12/2021, 09:24 - Chia sẻ
Đại dịch Covid – 19 có sức tàn phá ghê gớm đối với thương mại toàn cầu, ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong nguy có cơ. Giai đoạn bình thường mới được xem là cơ hội vàng để Việt Nam định hình lại cách vận hành phục hồi theo hướng bền vững hơn và xanh hơn. Tài chính xanh đóng vai trò là kênh dẫn vốn và điều tiết nguồn lực cho phát triển nền kinh tế xanh, hướng tới sự phát triển bền vững.

Tài chính xanh tăng trưởng nhanh

Cách đây vài năm, khái niệm tài chính xanh còn khá mới mẻ với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, với bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, là một trong những quốc gia có mức độ ô nhiễm hàng đầu hiện nay, Việt Nam ngày càng quan tâm đến vấn đề này. Đây được xem là giải pháp quan trọng, góp phần vào quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế.

Tài chính xanh là tiền đề phát triển bền vững.
Tài chính xanh là tiền đề phát triển bền vững

Tại Việt Nam, chiến lược tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 tập trung vào 3 nhiệm vụ gồm: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Xanh hóa sản xuất; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid nhưng nhờ các chính sách thuận lợi, tài chính xanh tại Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng nhanh chóng. Năm 2019 tổng giá trị trái phiếu xanh đạt 27 triệu USD. Doanh nghiệp ngày càng hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Doanh nghiệp sử dụng tài chính xanh và tài chính xã hội để phòng ngừa các rủi ro đe dọa tính bền vững, thu hút các nhà đầu tư và xây dựng năng lực chống chịu kiên cường hơn trước các cú sốc khủng hoảng.

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng đóng vai trò to lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Theo Ngân hàng Nhà nước, quý I.2021 có 67 tổ chức tín dụng triển khai tín dụng xanh, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh chiếm 3,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 0,46% so với năm 2020.

Tuy nhiên, theo chuyên gia năng lượng bền vững, Giám đốc Enerteam Mã Khai Hiền, triển khai tài chính xanh trong thực tiễn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhìn nhận tài chính xanh chưa đúng, mới chỉ hiểu ở góc độ cắt giảm chi phí điện năng, nhiên liệu; chưa nhận thức ý nghĩa đầu tư năng lượng bền vững, tài chính xanh sẽ giúp hình ảnh, uy tín doanh nghiệp nâng, năng lực quản lý cải thiện, chất lượng sản phẩm tăng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn hạn chế trong tiếp cận các nguồn thông tin, chưa có năng lực nhận định hiệu quả tài chính xanh để có thể đưa ra quyết định đầu tư.

Ở góc độ nội tại ngân hàng, theo ông Hiền, chi phí cho vay các khoản tín dụng xanh còn lớn, các ngân hàng chưa có chiến lược tiếp cận phù hợp với đầu tư tài chính xanh, sản phẩm chưa đa dạng.

Nâng cao nhận thức người dân, doanh nghiệp

Để phát triển tín dụng xanh hiệu quả, chuyên gia năng lượng Công ty ResponsAbility investment AG và quỹ GCPF Hoàng Anh Dũng nêu rõ, ngoài sự phối hợp từ phía Chính phủ còn cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban ngành và các thành phần kinh tế để tạo mối quan hệ chặt chẽ và có liên kết với nhau.

Theo đó, Nhà nước cần xây dựng khung chính sách, khuôn khổ pháp lý đồng bộ, cụ thể, rõ ràng, thống nhất về ngân hàng xanh cho các tổ chức tín dụng; có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ các tổ chức tín dụng phát triển ngân hàng xanh; đẩy mạnh đào tạo và truyền thông; có chính sách thuế ưu đãi đối với các khoản cho vay tín dụng xanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.  

Về phía các tổ chức tín dụng, ông Dũng cho rằng, cần xây dựng khung chiến lược về phát triển ngân hàng xanh theo các cấp độ từ thấp đến cao; thiết lập hệ thống quản lý rủi ro môi trường, xã hội một cách toàn diện; xây dựng các chính sách cho vay cụ thể đối với các lĩnh vực môi trường nhạy cảm; tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức về tín dụng xanh và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần tạo ra một mạng lưới đưa đến người tiêu dùng, khách hàng lợi ích các dự án tín dụng xanh.

Đồng tình với quan điểm này, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng VGES Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh, cần nâng cao nhận thức người dân về sản phẩm xanh sẽ đem lại những lợi ích gì. Đồng thời, ngân hàng có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển đổi sang phát triển kinh tế xanh thông qua cung cấp tín dụng xanh. Do vậy, cần có tác động cả về chính sách của Nhà nước và sự chủ động của các ngân hàng thương mại trong việc cung cấp tín dụng xanh tới các doanh nghiệp, hộ gia đình. Khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư chủ động chuyển sang đầu tư xanh.

Q.Khánh