Chăn nuôi lợn sau dịch tả lợn châu Phi

Tái đàn có kiểm soát, bảo đảm an toàn sinh học

- Thứ Ba, 17/09/2019, 07:53 - Chia sẻ
Tại nhiều địa phương, sau mưa lũ, dịch tả lợn châu Phi lại diễn biến phức tạp, lây lan với tốc độ chóng mặt. Tại Hội nghị “Phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học” mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ ra thực tế: Những trang trại bảo đảm quy trình an toàn sinh học đến nay cơ bản “bình yên” trước dịch tả lợn châu Phi.

Nguy cơ thiếu thịt lợn

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng trên hầu hết tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng số lợn tiêu hủy là gần 5 triệu con, tổng trọng lượng hơn 280 nghìn tấn. Nhiều cơ sở chăn nuôi phải đóng cửa, do đó số lượng đàn lợn giảm. Còn theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong 7 tháng năm 2019, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành, nhập khẩu thịt lợn cũng tăng vọt với 11,7 nghìn tấn, kim ngạch 22,1 triệu USD, gấp 3,7 lần về lượng và 4,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Khó khăn lớn nhất của ngành chăn nuôi hiện nay là hệ thống chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán chiếm tỷ lệ cao; năng suất chăn nuôi thấp, giá thành sản phẩm cao; kiểm soát dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh nguy hiểm còn tồn tại nhiều bất cập. Đặc biệt, dịch tả lợn châu Phi chưa có vaccine, chưa có thuốc chữa, tỷ lệ chết cao đã khiến tổng đàn lợn của nước ta giảm khoảng 7%. Đến thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi lợn không còn vốn và khả năng đầu tư chăn nuôi trở lại dù thịt lợn vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu thịt và bữa ăn của người Việt. Nếu không có giải pháp kịp thời, nguy cơ thiếu thịt lợn rất lớn, nhất là trong dịp cuối năm 2019 và năm 2020.

Tái đàn có kiểm soát

Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, cần đẩy mạnh tái đàn có kiểm soát, không ồ ạt để bảo đảm nhu cầu thịt lợn cuối năm. Ông Dương cho rằng, 20% đàn lợn “sạch bệnh” phải mở rộng quy mô; còn tại vùng dịch, nếu qua 30 ngày mà không phát sinh dịch bệnh, đủ điều kiện an toàn vệ sinh thì các địa phương nghiên cứu, xem xét, cân nhắc việc tái đàn lợn 10% trong tổng số đó. “100 con thì cho nuôi thử 10 con, sau một tháng 10 con vẫn khỏe mạnh mới tính đến việc nuôi 90 con còn lại”.

Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, lúc này việc vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc là đặc biệt quan trọng, cắt đường lây truyền bởi virus này ở bên ngoài rất yếu nhưng khi xâm nhập vào cơ thể lợn thì sức tàn phá rất lớn. Cùng với đó, thúc đẩy hình thức liên kết chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ các nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra và tiêu thụ. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, việc tái đàn lợn là có thể nếu các địa phương giám sát chặt chẽ và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn sinh học. Trong quá trình tái đàn, Bộ đã có hướng dẫn vận chuyển giống. Bộ cũng đã có những hỗ trợ cho các đơn vị nuôi giữ giống cụ kỵ, ông bà để bảo đảm an toàn sinh học.

Cần mô hình chăn nuôi thích ứng

Theo Cục Chăn nuôi, chăn nuôi lợn an toàn sinh học đóng vai trò rất quan trọng, mang tính bền vững, đặc biệt trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến rất phức tạp trong phạm vi cả nước. Trải qua 8 tháng dịch tả lợn châu Phi xảy ra, từ thực tiễn đã xuất hiện rất nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng, thích nghi được với dịch này như mô hình chăn nuôi lợn của Tập đoàn Quế Lâm, Amavet, Phân viện Chăn nuôi phía Nam…

Phó Cục trưởng Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết, số liệu thống kê mới nhất năm 2018, số trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học tăng lên trên 2.500 trang trại, tăng 0,8% so với năm 2017, chiếm 25,6% số trang trại chăn nuôi lợn của cả nước với tổng đầu con trên 2,82 triệu con, chiếm 9,9%. Xu hướng số lượng trang trại chăn nuôi lợn và tổng đầu con lợn cũng như tỷ lệ so với tổng đàn lợn cả nước được áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng gia tăng so với các năm trước. Thực tế cũng chỉ ra rằng, đối với những cơ sở trang trại chăn nuôi làm tốt công tác an toàn sinh học đến nay cơ bản giữ được an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ông Nguyễn Văn Năm, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ hóa sinh Việt Nam cho rằng, sử dụng đồng bộ các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi là yêu cầu cấp thiết, là xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, cần áp dụng đúng quy trình và đồng bộ các sản phẩm để bảo đảm quá trình từ phòng bệnh đến trị bệnh, sử dụng đúng yêu cầu kỹ thuật của nhà sản xuất mới có thể phát huy tác dụng. 

Duy Anh