Nhìn lại UEFA Euro 2020

“Tái sinh những điều đã mất”

- Thứ Ba, 13/07/2021, 05:22 - Chia sẻ
UEFA Euro 2020 đã kết thúc. Đội tuyển Italy lên chuyên cơ về nước cùng chiếc cúp vô địch châu Âu đầu tiên kể từ năm 1968. Thế giới thể thao lục địa già, với sự bận rộn vốn có, sẽ tiếp tục hướng tới những sự kiện lớn khác trong năm. Tuy nhiên, guồng quay không ngơi nghỉ ấy nên chậm lại đôi chút, để người hâm mộ được nhìn lại một trong những kỳ Euro ý nghĩa nhất, hấp dẫn nhất và thỏa mãn nhất, xứng đáng có vị trí tâm điểm trong lịch sử 6 thập kỷ của bóng đá châu Âu.
Italy vô địch Euro 2020
Nguồn: GETTY IMAGES

Kỳ du đấu nghẹt thở

Sự hoành tráng của UEFA Euro 2020 đã được khẳng định ngay từ kế hoạch tổ chức giải đấu tại 12 nước trên khắp châu Âu, biến Euro thành kỳ du đấu nghẹt thở theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Đại dịch Covid-19 không chỉ đẩy lùi thời gian diễn ra giải đấu, mà còn biến trải nghiệm của các đội tuyển trở nên không mấy dễ chịu. Chiếc khẩu trang bất ly thân, các quy định phòng dịch thay đổi khi bước chân qua những biên giới khác nhau, thực sự khiến bất cứ ai muốn tham gia vào cuộc vui phải “khó thở”.

Thụy Sỹ là những người hiểu rõ nhất điều này. Đội tuyển bên dãy Alpes đã phải trải qua tổng cộng 14.784 cây số đường bay xuyên suốt hành trình của mình, xa nhất trong số các đội tham dự giải. Nếu như không may mắn có được lợi thế sân nhà, đội bóng nào cũng phải trải qua một cuộc tra tấn thể lực thực sự ngay từ việc di chuyển giữa các địa điểm thi đấu cách nhau vài nghìn kilomet.

“Khó thở” cũng là cụm từ phù hợp nhất để nói về diễn biến trên sân cỏ. Người hâm mộ đã được chứng kiến sức mạnh và khả năng thi đấu đáng nể của những đội tuyển tầm trung khi được trao cơ hội đọ sức bên cạnh những người khổng lồ. Thụy Sỹ, những người hiểu rõ nhất cảm giác “khó thở” trên đường bay, cũng chính là cái tên tiêu biểu đóng góp vào sự nghẹt thở của diễn biến trên sân cỏ. Cuộc lội ngược dòng không tưởng trước đương kim vô địch thế giới Pháp, cùng trận đấu sòng phẳng ở thế thiếu người trước Tây Ban Nha đã để lại cho người hâm mộ cảm tình rất lớn.

Đan Mạch, với chiến tích lọt vào bán kết, Séc với lối chơi lì lợm đi tới vòng 8 đội mạnh nhất, hay Hungary chỉ để bị thua trước Bồ Đào Nha ở bảng tử thần… tất cả đã làm nên sắc màu đa dạng, không để Euro chỉ là sân chơi của những đội bóng lớn nhất.

Những con số kỳ lạ

11 bàn phản lưới nhà, 8 cú sút phạt đền hỏng ăn, sự xui xẻo kỳ lạ nối tiếp biến Euro 2020 thành một trải nghiệm ngỡ ngàng thú vị. Nếu như 15 kỳ Euro trước đó chứng kiến tất cả 9 pha đá phản, thì Euro năm nay, dường như sự đen đủi luôn thường trực, gây áp lực cho bất kỳ đường triển khai bóng, pha phòng ngự, hay đường chuyền ngang ở sân nhà.

Sai lầm của thủ môn Unai Simon ở trận đấu vòng 1/8 giữa Tây Ban Nha và Croatia chính là tiêu biểu nhất cho sức ép cùng sự xui xẻo đeo bám chốt chặn đáng tin cậy của các đội tuyển châu Âu. Rất may cho Unai Simon khi anh có cơ hội sửa sai để giúp đội nhà giành chiến thắng cuối cùng, còn những đồng nghiệp khác như Hradecky của Phần Lan, Dubravka của Slovakia thì không.

Đẳng cấp là mãi mãi

Italy đã trở thành “nhà vua” xứng đáng nhất của bóng đá châu Âu mùa giải này. Đội bóng áo Thiên thanh đã trình diễn thứ bóng đá tấn công mới lạ, khác với bản sắc thường thấy. Bộ khung kết hợp sức trẻ và kinh nghiệm đã tạo điều kiện để thuyền trưởng Roberto Mancini thực hiện một cuộc cách mạng về xu hướng chơi bóng và tư duy chiến thuật.

Người Italy đã có một hành trình hoàn hảo. Tiếp nối chuỗi trận bất bại từ cuối tháng 10.2018, họ tận dụng rất tốt lợi thế sân nhà ở vòng bảng, thể hiện uy thế của đội hạt giống, giành những chiến thắng thuyết phục ở vòng ngoài. Bước vào giai đoạn quyết định, trước các đối thủ sừng sỏ nhất, Italy thể hiện đẳng cấp và sức chiến đấu kiên cường đáng kinh ngạc. Những chiến thắng trước đội tuyển Bỉ nhiều ngôi sao, Tây Ban Nha giàu sức trẻ, và đặc biệt là trước đội tuyển Anh thực dụng ngay tại London, là lời khẳng định cuộc cách mạng của nền bóng đá đất nước hình chiếc ủng đã thành công.

“Bóng đá đã trở lại”

Sau cùng, bóng đá vẫn là môn thể thao vua, liên kết chúng ta trong những phút giây hạnh phúc nhất, hàn gắn chúng ta trong những thời khắc bi quan nhất. UEFA Euro 2020 lùi thời gian tổ chức một năm, bước lùi cần thiết để giải đấu trở lại mạnh mẽ. Liên đoàn Bóng đá châu Âu đã thành công khi gần như giữ nguyên và hoàn thành kế hoạch đề ra cho kỳ Euro kỷ niệm 6 thập niên thành lập giải, vượt qua những nghịch cảnh của dịch bệnh, thiên tai và chia rẽ. Những hình ảnh của sân Puskas Arena chật kín, Wembley sôi động ở cuối giải, là minh chứng cho sự quả quyết của Chủ tịch Aleksander Ceferin: “Bóng đá đã trở lại”.

Sự bình phục của cầu thủ Christian Eriksen trên giường bệnh, cùng màn trình diễn thuyết phục của đội tuyển Đan Mạch, trở thành biểu tượng cho tinh thần bất khuất của con người. Đó chính là tinh thần của Euro nói riêng, của bóng đá và thể thao nói chung, như câu hát trong “We are the people” - ca khúc chủ đề của UEFA Euro 2020: “Tái sinh những điều đã mất trở nên tốt đẹp hơn xưa”.

Trần Anh