Tái tạo vẻ đẹp di sản phim

- Thứ Tư, 23/06/2021, 05:49 - Chia sẻ
Những thước phim luôn phản ánh sống động một thời kỳ lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cũng như sự phát triển của tất cả khía cạnh cuộc sống. Ở Việt Nam, di sản phim khổng lồ ngày càng được làm dày dặn thêm, trong đó những thước phim nhựa 35mm là “định dạng rực rỡ nhất nhưng cũng mong manh nhất”. Việc bảo tồn di sản quý giá này đang được đặt ra cấp thiết trong bối cảnh công nghệ số.
Làm sống lại di sản phim
Nguồn: ITN

Thách thức số hóa phim nhựa

Trong khuôn khổ Hội nghị các Viện Lưu trữ nghe nhìn Đông Nam Á - Thái Bình Dương (SEAPAVAA) lần thứ 25 do Viện Phim Việt Nam đăng cai tổ chức với chủ đề "Lưu trữ nghe nhìn trong thời đại thay đổi", sáng 22.6, Viện Phim Việt Nam tổ chức hội thảo “Lưu trữ, bảo quản, số hóa phục chế phim trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Trong thời kỳ công nghệ thay đổi nhanh như hiện nay, công tác lưu trữ, bảo quản phim phức tạp và khó khăn hơn trước rất nhiều, vì vừa phải tiếp thu công nghệ mới phù hợp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, vừa phải tiếp tục duy trì việc bảo quản phim nhựa truyền thống. Đến nay, hầu hết các cường quốc về điện ảnh trên thế giới đã hoàn thành công đoạn số hóa kho phim của mình; có nước đã đi khá xa trên con đường tu sửa, phục hồi các bản phim được số hóa. Trong khi đó, tại Việt Nam, với số lượng lưu trữ đến hàng trăm nghìn cuốn phim nhựa trong các kho phim, và đang xuống cấp, hư hại theo thời gian thì khối lượng công việc chuyển đổi phim nhựa truyền thống sang định dạng kỹ thuật số, sau đó tu sửa, phục hồi theo yêu cầu thực tế, lưu trữ trên hệ thống phù hợp quả thực là khổng lồ và vô cùng tốn kém.

Phó Trưởng phòng Bảo quản, Viện Phim Việt Nam Đinh Thị Thúy Chinh chia sẻ: Viện đang lưu trữ gần 80.000 cuốn phim nhựa các loại và một số lượng lớn băng, đĩa ở nhiều định dạng khác nhau, ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Phông hình ảnh động bao gồm các tác phẩm điện ảnh như phim truyện, phim tài liệu khoa học, thời sự, hoạt hình, tư liệu các nguyên thủ, các sự kiện nổi bật của đất nước.

Từ nhiều năm nay, Viện Phim Việt Nam đã đầu tư nguồn lực và nhân lực làm công tác kiểm tra, tu sửa và bảo quản phim, nhằm bảo tồn, lưu giữ, bảo quản di sản hình ảnh động của quốc gia, đã được quay qua các thời kỳ. Việc số hóa phim nhựa cũng đã được thực hiện, ưu tiên những bản phim xuống cấp, phim có nội dung, giá trị lịch sử, văn hóa, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của công tác lưu trữ, bảo quản và phổ biến phim. Tuy nhiên, với tốc độ như hiện nay, cần vài chục năm mới có thể số hóa hết lượng phim nhựa đang được lưu giữ.

Cùng với Viện Phim Việt Nam, các kho lưu trữ phim khác trên cả nước của Điện ảnh Quân đội, Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ Điện ảnh, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương... cũng đang tiến hành các công việc nhằm bảo tồn di sản phim. Tuy nhiên, hầu hết đơn vị gặp khó khăn bởi số lượng cần lưu trữ, bảo quản phim quá nhiều, trong khi kinh phí có hạn, thiếu nhân lực và trang thiết bị; việc số hóa diễn ra chậm...

Bài bản và chuyên nghiệp

Với bối cảnh phát triển công nghệ 4.0, công nghệ số hóa và phục hồi hình ảnh tư liệu là một trong những biện pháp sống còn của công tác lưu trữ phim. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp và Dịch vụ Số Viettel IDC Đào Việt Hùng, công nghệ số với nhiều ưu điểm giúp cho công tác số hóa phim lưu trữ trở thành một xu hướng tất yếu: Mở rộng quy mô lưu trữ, chỉ với một đĩa cứng có thể lưu trữ hàng trăm bộ phim, tiết kiệm không gian và chi phí, dễ nhân bản, phổ biến khai thác, chất lượng hình ảnh bền theo thời gian; dễ phục chế tư liệu hình ảnh bị phai mờ, bị xước... Tuy nhiên, phải bảo đảm tư liệu được lưu trữ và quản lý tập trung một cách khoa học, bảo mật chặt chẽ...

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, Ơ Kìa Hà Nội Film Production, cho rằng, di sản điện ảnh là câu chuyện rộng lớn mà các quốc gia đều đã, đang và sẽ tiếp tục viết theo nhiều cách khác nhau. Điểm chung của nó là đặt điện ảnh vào vị trí xứng đáng trong dòng chảy lịch sử và coi điện ảnh là di sản văn hóa - là tài sản quý giá không thể thay thế của quốc gia - cần được bảo vệ, phát triển... Công việc bảo tồn di sản điện ảnh là "hành trình của những người chạy bền đáng ngưỡng mộ trong một hành trình không giới hạn và luôn luôn cần sự tiếp sức từ xung quanh. Đã đến lúc cần nghĩ đến, thử nghiệm các mô hình xã hội hóa - phi lợi nhuận - để đồng hành với họ trên chặng đường chạy tiếp sức lâu dài này”. Nhằm bảo vệ di sản điện ảnh khổng lồ của Việt Nam, Ơ Kìa Hà Nội Film Production đang xây dựng dự án Bảo tồn di sản điện ảnh, phối hợp với Viện Phim Việt Nam phục chế và số hóa 4k từ phim 35mm chọn lọc...

Chuyên gia Nguyễn Thy Nga, Tổng Giám đốc V-startup, kiến nghị Nhà nước tạo điều kiện về chính sách để doanh nghiệp tham gia hoạt động số hóa phim ảnh và phát triển các công nghệ nền tảng để khai thác, phổ biến và phát triển phim, tạo động lực cho kinh tế số trong lĩnh vực điện ảnh. Ngoài số hóa tác phẩm điện ảnh và tư liệu hình ảnh động, cần nghĩ tới khai thác, phổ biến dữ liệu điện ảnh trên các nền tảng trực tuyến. Đây cũng là trọng tâm của kinh tế số trong lĩnh vực điện ảnh.

Bảo tồn di sản điện ảnh khi được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp, chất lượng theo đúng chuẩn quốc tế hiện hành, đi cùng kế hoạch truyền thông sáng tạo, dài hạn, sẽ tạo ra sức hút, sức hấp dẫn khiến dư luận quan tâm và thuyết phục. Từ đó, bảo tồn di sản điện ảnh sẽ được nhìn nhận, đánh giá và đầu tư đúng mức, “cứu sống” kịp thời những thước phim giá trị, tái tạo vẻ đẹp và lưu giữ chúng cho các thế hệ tương lai.

Thảo Nguyên