Tái thiết sau thiên tai

- Thứ Ba, 01/12/2020, 06:30 - Chia sẻ

Mưa lũ vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 đã cuốn trôi 6 cầu treo bắc qua sông Pô Cô trên địa bàn các xã của huyện Ngọc Hồi (Kon Tum). Những ngày qua, khi vụ thu hoạch tới, nhiều người dân bất chấp nguy hiểm đu dây cáp từ bên này sông qua bên kia như làm xiếc để đi thu cà phê, cao su. Cùng với việc khuyến cáo người dân “chịu khó” đi đường vòng - tuy xa chút nhưng an toàn, chính quyền huyện Ngọc Hồi đang tiến hành khảo sát các vị trí có thể dựng được cầu treo, cân đối nguồn kinh phí và xin hỗ trợ từ cấp trên để sớm có cây cầu mới.

Sau mưa bão “có những nơi gần như trở về thời kỳ đồ đá" (lời lãnh đạo tỉnh Quảng Nam), một chu kỳ đầu tư công lại bắt đầu! Không chỉ ở Ngọc Hồi, hay rộng ra là khu vực Tây Nguyên mà 6 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi cũng đang cần hàng nghìn tỷ đồng để tái thiết.

Trong báo cáo Quốc hội về tình hình phòng, chống thiên tai, bão lũ ở các tỉnh miền Trung, Chính phủ cho biết bão lũ ở miền Trung đã gây thiệt hại về kinh tế khoảng 17 nghìn tỷ đồng, hơn 200 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng, chưa kể nhiều cơ sở hạ tầng và hàng trăm km đê điều, kênh mương, bờ sông, bờ biển bị hư hỏng, sạt lở…

Tại hội nghị thúc đẩy phục hồi sản xuất nông nghiệp khu vực miền Trung sau thiên tai mới đây, Quảng Ngãi đề xuất Chính phủ hỗ trợ 1.625 tỷ đồng để ổn định sản xuất cho người dân; Thừa Thiên Huế đề nghị được hỗ trợ 456 tỷ đồng khôi phục sản xuất trước mắt, về lâu dài là 1.400 tỷ đồng; Quảng Trị đề nghị hỗ trợ ngay 72 tỷ đồng và hỗ trợ tổng thể 3.200 tỷ đồng…

Phản hồi các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, sẽ đề nghị Chính phủ hỗ trợ gần 8.000 tỷ đồng cho các tỉnh miền Trung để khắc phục hậu quả thiên tai, giải quyết các vấn đề dân sinh cấp bách và sửa chữa những cơ sở hạ tầng thiết yếu nhất.

Dù ngân khố quốc gia không khi nào dư dả và hiện rất khó khăn do hụt thu vì đại dịch Covid-19 nhưng ưu tiên hỗ trợ miền Trung nhanh chóng tái thiết cuộc sống rõ ràng hết sức cần thiết, nếu không muốn nói là “đương nhiên”.

Vậy nhưng thiên tai rồi sẽ còn xảy ra, thậm chí với tần suất và cường độ ngày càng nhiều và khốc liệt hơn, nhất là với quốc gia được xếp vào nhóm chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu như nước ta. Không lẽ cả đất nước và người dân cứ mải miết bước từ công cuộc tái thiết này sang công cuộc tái thiết khác? Muốn tránh điệp khúc ấy thì cùng với việc ưu tiên ngân sách sửa sang xây mới hạ tầng và trợ giúp người dân hồi phục sau bão lũ, Chính phủ đừng “quên” hay “bỏ qua” việc tìm ra nguyên nhân khiến cho lũ quét, sạt lở đất và ngập úng ngày một nghiêm trọng hơn. Truy nguyên nhân không phải để sòng phẳng chuyện trách nhiệm (dù việc này cũng cần), mà quan trọng hơn là để có những biện pháp phòng ngừa thiên tai hiệu quả để hạn chế thiệt hại.

Nếu như người dân nước ta lâu nay phải “sống chung với lũ” thì người dân Nhật Bản cũng phải “sống chung với động đất” vì lãnh thổ nằm trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương. Nhờ phòng ngừa tốt bằng biện pháp giáo dục kỹ năng ứng phó, kỹ thuật xây dựng chống động đất…, quốc gia này đã giảm được thiệt hại do động đất rất nhiều và đây là kinh nghiệm quý chúng ta có thể học hỏi.

Hà Lan