Viết về nông dân, nông thôn

Tâm huyết, sẽ có tác phẩm hay

- Thứ Hai, 05/02/2018, 09:09 - Chia sẻ
Tuy đề tài nông dân, nông thôn khó viết, nhưng nhà văn VÂN THẢO - tác giả của các tác phẩm văn học và kịch bản phim truyền hình như Bí thư Tỉnh ủy, Vui buồn sau lũy tre làng, Hương đất... khẳng định: Tâm huyết sẽ có tác phẩm hay! Ông vừa đoạt giải Ba cuộc thi viết truyện ngắn, ký về đề tài nông nghiệp, nông thôn do Quỹ nhà văn Lê Lựu tổ chức.

- Cảm hứng nào khiến ông sáng tác nhiều tác phẩm về nông dân, nông thôn?

“Hiện nay, đề tài về nông dân, nông nghiệp, nông thôn có lẽ không hấp dẫn bằng các đề tài khác, như đời sống đô thị. Bên cạnh đó, hiện thực cuộc sống ở nông thôn sinh động, nhưng rất ngốn tài liệu, nhà văn muốn viết phải đi thực tế nhiều. Tuy đề tài này ít người viết, nhưng đã viết thì rất hay, quan hệ giữa nông dân hôm nay, đổi mới trong tư duy của họ được viết rất sinh động, chi tiết. Những cuộc thi viết về nông dân, nông thôn rất cần thiết để khuyến khích các tác giả quan tâm tới đề tài này”.

Nhà văn Lê Minh Khuê

- Cả cuộc đời tôi phần lớn là ở trong quân đội, tuy vậy, tôi đóng quân ở nhà dân, gắn bó với nông dân nhiều. Bên cạnh đó, nông dân cống hiến sức người, sức của trong các cuộc chiến tranh, nhưng trong xã hội nói chung, họ được hưởng còn ít. Từ tấm lòng với nông dân và nhận thức như thế, tôi cố gắng viết về đề tài này.

- Nhiều tác giả nói rằng viết về nông dân, nông thôn rất khó, với ông thì sao?

- Không hẳn là khó nếu như nhà văn tâm huyết. Tôi thấy đề tài này còn dễ viết hơn những đề tài thành phố, doanh nhân, công nghiệp, thương nghiệp, bởi tôi không hiểu nhiều về nó. Trong khi đó, với nông dân, nông thôn, hiện nay, có những vùng quê phát triển, nhưng phần lớn vẫn là con trâu đi trước cái cày đi sau, khom lưng cấy ngoài đồng rét mướt. Chuyện cày, cuốc, ước vọng... là những câu chuyện gắn bó với nông dân.

Tuy vậy, đề tài nông thôn cũng có cái khó là ít sóng gió mâu thuẫn, không dễ để thể hiện tư duy lao động, kế hoạch làm ăn của nông dân trong thời khoa học - kỹ thuật phát triển. Bên cạnh đó, nông dân khác với các tầng lớp còn lại trong xã hội. Họ không nổi bật, sinh hoạt thường ngày dung dị, nhưng khi viết phải tìm và thể hiện được cái “gốc”, cái “chất” của họ, khó nhất là chỗ ấy.

- Ông thường trăn trở điều gì khi viết về đề tài này?

- Trăn trở nhất là làm sao phản ánh được tâm hồn của nông dân với đất nước, với xã hội. Tôi không chú ý nhiều đến nông thôn đổi mới, mà cái chính là làm thế nào đưa nông dân đi vào con đường no ấm thực sự. Hiện nay ở nông thôn, cổng làng rất to, đường làng rất sạch, nhưng bữa cơm của nông dân, dù so với ngày xưa hơn nhiều rồi, vẫn thấp hơn so với thành thị. Những máy gặt đập, máy cày thấy ở Nam Bộ nhiều hơn, ở ngoài này ruộng vẫn còn từng mảnh nhỏ, bao giờ xóa được đường ruộng thì nông thôn mới phát triển. Đi về nông thôn, nhìn tổng thể nói chung có thay đổi, nhưng thay đổi bộ mặt nhiều hơn.

- Vài thập kỷ trước có nhiều tác phẩm viết về nông dân, nông thôn gây tiếng vang, nhưng những năm gần đây dường như vắng bóng. Ông nghĩ sao về điều này?

- Ngày xưa, từ Cái sân gạch của Đào Vũ nói về thời kỳ hợp tác, đến sau này nhiều đề tài viết về nông thôn rất sâu sắc. Bây giờ ít đọng lại tác phẩm về nông dân, nông thôn, có vẻ lớp trẻ không muốn đi vào lĩnh vực này, họ ưu tiên khai thác các xung đột trong đời sống xã hội hiện nay.

Không những trong văn học, trên truyền hình ngày xưa có Gió làng Kình, Vui buồn sau lũy tre... được nhiều người yêu thích; nay cũng hiếm phim về đề tài này. Có thể nguồn kịch bản không có, thứ hai là trên truyền hình các hãng phim muốn làm đề tài thu hút quảng cáo nhiều hơn. Trong khi đó, nhu cầu ở nông thôn vẫn có, giờ chiếu lại phim cũ về đề tài này, khán giả vẫn xem.

Tôi thấy rằng, đại bộ phận nông dân dường như bị bỏ rơi, không được thừa hưởng văn hóa nói về mình, mà là những thứ có lẽ rất xa lạ với họ, do xã hội đô thị đẻ ra, trong khi phong tục của nông dân rất khác.


Cảnh trong phim “Bí thư Tỉnh ủy”, chuyển thể từ kịch bản cùng tên của nhà văn Vân Thảo

- Theo ông, làm sao để có nhiều hơn nữa các tác phẩm hay viết về đời sống, văn hóa làng quê?

- Khuynh hướng chung trong văn học bây giờ, người có tay nghề cũng muốn viết, nhưng đáng ngại ở khâu in ấn, sách bán chạy hay không, cũng giống như phim ảnh, đề tài ấy có hấp dẫn người xem, có quảng cáo được hay không. Xưa tôi viết Những người báo bão, NXB Quân đội in hơn 30.000 bản, bây giờ thì có cuốn không in được 1.000 bản, dù đoạt các giải thưởng.

Vì thế, để có nhiều tác phẩm hay, nhà văn cần có tâm huyết với đề tài này. Viết về nông dân, nhưng không chỉ viết cho nông dân đọc, mà mọi tầng lớp có thể đọc được. Tất nhiên, Nhà nước cần có phần nào hỗ trợ về in ấn, để tác phẩm có thể đến với độc giả.

  - Xin cảm ơn ông!

Ngọc Phương thực hiện