Kỷ niệm 60 năm mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23.10.1961 - 23.10.2021)

Tầm nhìn chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

- Thứ Bảy, 16/10/2021, 05:59 - Chia sẻ
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam (1954 - 1975), sự ra đời và hoạt động hiệu quả của “Đường Hồ Chí Minh trên biển” (1961 - 1975) là nhân tố góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày mở “Đường Hồ Chí Minh trên biển” (23.10.1961 - 23.10.2021), chúng ta thêm một lần ôn lại chiến tích anh hùng mà thế hệ cha anh đã lập được, đồng thời qua đó khẳng định tầm nhìn chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trước thử thách ngặt nghèo của lịch sử.
Tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển
Ảnh tư liệu

Yêu cầu bức thiết của phong trào cách mạng miền Nam

Sau thất bại tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Giơnevơ (21.7.1954) công nhận độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, cam kết rút hết quân về nước. Thực hiện âm mưu, kế hoạch đã vạch ra từ trước, đế quốc Mỹ liền nhảy vào thay chân thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam nước ta, âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự, tạo bàn đạp tiến công miền Bắc, ngăn chặn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa tại khu vực Đông Nam Á.

Mỹ đưa Ngô Đình Diệm - kẻ được Mỹ dung dưỡng và có tinh thần “chống cộng” điên cuồng, quyết liệt lên đứng đầu chính quyền, quân đội tay sai ở miền Nam Việt Nam. Từ đây, Mỹ - Diệm ra sức phá hoại Hiệp định Giơnevơ, loại bỏ các lực lượng tàn dư thân Pháp; đồng thời tập trung quân đội, cảnh sát, mật vụ an ninh mở các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” hết sức tàn bạo, giết hại những người cộng sản cùng đồng bào yêu nước; tiến hành cưỡng bức dồn dân về sinh sống tại các “khu dinh điền”, “khu trù mật” (thực chất là các trại tập trung trá hình) hòng tách dân khỏi cách mạng. Trước sự đàn áp, khủng bố của kẻ địch, cách mạng miền Nam chịu những tổn thất nặng nề chưa từng có. Chỉ trong vòng 4 năm (1954 - 1958), cả miền Nam tổn thất 9/10 tổng số cán bộ, đảng viên. Ở Nam Bộ: Khoảng 7 vạn cán bộ đảng viên ta bị địch giết hại; gần 90 vạn cán bộ, nhân dân bị bắt, bị tù đày; gần 20 vạn bị tra tấn thành tàn tật. Ở Khu 5 (lúc đó gồm cả Trị - Thiên và cực Nam Trung Bộ) khoảng 40% tỉnh ủy viên, 60% huyện ủy viên, 70% chi ủy viên xã bị bắt, bị giết, có tỉnh chỉ còn 2 - 3 chi bộ, 12 huyện đồng bằng không còn cơ sở đảng....

Bên ngoài, bối cảnh quốc tế lúc này cũng rất phức tạp, không thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Chủ nghĩa thực dân (đế quốc) do Mỹ đứng đầu phát động cuộc “chiến tranh lạnh”, ra sức chạy đua vũ trang chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa làm cho tình hình thế giới luôn ở trạng thái căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh. Một số đảng cộng sản trong các nước xã hội chủ nghĩa có quan điểm khác với Đảng ta về con đường cách mạng Việt Nam, đa số muốn giữ nguyên hiện trạng chia cắt hai miền Nam - Bắc, không tán thành Việt Nam đẩy mạnh đấu tranh quân sự ở miền Nam...

Giữa bối cảnh lịch sử ấy, yêu cầu bức thiết của phong trào cách mạng miền Nam là cần phải chuyển hướng đấu tranh theo con đường bạo lực cách mạng, bằng lực lượng tại chỗ của nhân dân miền Nam; đồng thời có sự chi viện tích cực từ hậu phương lớn miền Bắc. Chỉ có như thế, cách mạng mới tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi.

Quyết tâm mở tuyến chi viện chiến lược bằng đường biển

Đầu năm 1959, trên cơ sở phân tích, nhận định đúng đắn về bối cảnh quốc tế, khu vực có liên quan; về tình hình xã hội miền Nam dưới chế độ Mỹ - Diệm, Hội nghị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) lần thứ 15 đã xác định: “con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân (...), dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ chính quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”. Trung ương Đảng đề ra chủ trương nhanh chóng tổ chức chi viện sức người, sức của từ miền Bắc cho cách mạng miền Nam. Bộ Chính trị giao cho Bộ Quốc phòng phối hợp cùng Ủy ban Thống nhất Trung ương tổ chức công tác chi viện.

Chấp hành chủ trương lãnh đạo do Đảng đề ra, tháng 5.1959, Tổng Quân ủy (năm 1961 đổi thành Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng quyết định mở tuyến vận tải chi viện chiến lược trên bộ vượt dãy Trường Sơn (Đoàn 559) và đến tháng 7.1959, quyết định mở tuyến vận tải chi viện chiến lược bằng đường biển (thành lập Tiểu đoàn vận tải thủy 603, hoạt động dưới hình thức tên gọi “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”).

Việc tổ chức xây dựng tuyến vận tải đường biển ngay từ đầu gặp rất nhiều khó khăn do thiếu phương tiện (tàu thuyền), nguồn nhân lực, bến bãi. Theo quyết định thành lập, biên chế của Tiểu đoàn vận tải thủy 603 có 2 đại đội với 4 thuyền buồm trọng tải từ 15 - 20 tấn. Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, ngày 27.1.1960, Tiểu đoàn 603 tổ chức một chuyến vận chuyển hàng từ cửa sông Gianh (tỉnh Quảng Bình) chi viện cho chiến trường Khu 5. Trên đường đi do gặp gió mùa, sóng lớn, thuyền bị trôi dạt vào Lý Sơn (Quảng Ngãi), không đến được đích, phải hủy bỏ hàng. Cán bộ, chiến sĩ trên thuyền bị địch bắt giữ. Sau khi phân tích, cân nhắc xét thấy phương án vận chuyển bằng thuyền buồm không hiệu quả, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Tiểu đoàn 603 tạm ngừng hoạt động, chờ phương án chi viện mới.

Cùng thời gian này, phong trào “Đồng khởi” của nhân dân miền Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, giáng đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mỹ, làm lung lay tận gốc chính quyền Ngô Đình Diệm. Để đối phó với phong trào, đế quốc Mỹ tăng cường viện trợ quân sự cho miền Nam Việt Nam, đồng thời đưa nhiều “cố vấn” sang trực tiếp điều khiển quân đội tay sai, chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965). Quân đội Sài Gòn được trang bị hiện đại, sử dụng nhiều hình thức chiến thuật mới như “trực thăng vận”, “thiết xa vận”... mở hàng chục nghìn cuộc hành quân càn quét dài ngày, đẩy mạnh dồn dân lập ấp chiến lược. Đặc biệt, từ năm 1961, Mỹ đã bắt đầu sử dụng chất độc hóa học (trong đó có những chất đặc biệt nguy hại) vào các vùng chúng không kiểm soát được nhằm hủy diệt sự sống trên mặt đất, phá hủy môi trường, tiêu diệt lực lượng kháng chiến.

Trước hành động leo thang chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, Đảng Lao động Việt Nam đã kịp thời từng bước chuyển đấu tranh của nhân dân ở miền Nam từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng. Việc đẩy mạnh sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng và trở nên cấp bách, nhất là đối với các chiến trường xa Trung ương như Nam Bộ, Nam Trung Bộ (là những nơi vận chuyển đường bộ của Đoàn 559 trên dãy Trường Sơn chưa vươn tới). Với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ngày 23.10.1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định (số 97/QP) thành lập Đoàn 759 - đoàn vận tải quân sự đường biển đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng với nhiệm vụ: “mua sắm phương tiện, điều hành vận chuyển các loại hàng tiếp tế cho chiến trường miền Nam bằng đường biển”. Quân số ban đầu của Đoàn 759 có 38 cán bộ, chiến sĩ, trong đó phần lớn là các đồng chí mới từ miền Nam vượt biển ra Bắc. Đồng chí Trung tá Đoàn Hồng Phước, nguyên Tham mưu trưởng Sư đoàn 330 được bổ nhiệm làm Đoàn trưởng.

Ngay sau khi thành lập, Đoàn 759 (sau là Đoàn 125 và Lữ đoàn 125 Hải quân) tích cực chuẩn bị, tổ chức thực hiện vận chuyển chi viện miền Nam. Dù đối diện với muôn vàn khó khăn do điều kiện tự nhiên của biển cả; sự ngăn chặn, đánh phá ác liệt của kẻ thù, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên tuyến vẫn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng, mưu trí sáng tạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Suốt 14 năm hoạt động (1961 - 1975), Đường Hồ Chí Minh trên biển đã vận chuyển hơn 100.000 tấn hàng quân sự (chủ yếu là vũ khí), cùng hàng chục nghìn lượt người đến các chiến trường, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ, giành thắng lợi cuối cùng cho sự nghiệp cách mạng.

Đường Hồ Chí Minh trên biển (1961 - 1975) đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một huyền thoại, một kỳ tích thế kỷ XX. Quyết định mở tuyến chi viện chiến lược quan trọng đặc biệt này cũng góp phần khẳng định đường lối kháng chiến độc lập tự chủ, đúng đắn sáng tạo của Đảng ta; là một thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược, vượt lên trên mọi toan tính của các nhà hoạch định chính sách phía Mỹ trong “cuộc đụng đầu lịch sử”.

Thiếu tá, TS. Trần Hữu Huy Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam