Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Tầm nhìn toàn diện về phát triển

- Thứ Năm, 18/11/2021, 05:23 - Chia sẻ
“Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Quốc hội xác định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh là “tuy hai mà một”. Bởi lẽ, nếu không kiểm soát được dịch thì không thể sản xuất, lưu thông, nhưng muốn sản xuất được thì doanh nghiệp phải khỏe, tức cần hỗ trợ. Điều này thể hiện tầm nhìn toàn diện về phát triển trong bối cảnh dịch bệnh”. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Tô Hoài Nam nhìn nhận.

Doanh nghiệp hồ hởi

Công ty TNHH Ánh Hồng (Hưng Yên) chuyên sản xuất hương nhang xuất khẩu sang Ấn Độ, Đài Loan... Trước dịch, mỗi tháng, công ty xuất khẩu chừng 50 container hàng hóa với giá trị trên 20 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 100 lao động địa phương. Vậy nhưng từ đầu năm nay, doanh nghiệp phải cắt giảm tới 1/3 hoạt động, doanh thu tương ứng giảm 70%. May mắn vẫn còn duy trì hoạt động đến thời điểm này, song bà Chu Thị Nguyệt, Giám đốc công ty thừa nhận “đã rất oải”. Bởi vậy, khi biết tin Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 (gọi tắt là nghị quyết), trong đó xác định mục tiêu tổng quát là “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp”, bà Nguyệt tỏ ra hồ hởi.

Giải thích rõ hơn, đại diện doanh nghiệp cho hay: Đến thời điểm này, công ty mới được hưởng chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, còn các chính sách hỗ trợ như giảm lãi suất thì chưa, trong khi lãi ngân hàng mỗi tháng phải trả lên tới cả trăm triệu. “Chắc chắn, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và chúng tôi đang rất kỳ vọng sớm cụ thể hóa”, bà Nguyệt chia sẻ.

Còn theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASME Tô Hoài Nam, việc Nghị quyết xác định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh là “tuy hai mà một”. Bởi lẽ, nếu không kiểm soát được dịch thì không thể sản xuất, lưu thông, nhưng muốn sản xuất được thì doanh nghiệp phải khỏe, tức cần hỗ trợ. “Đặt trong bối cảnh trước đó, chúng ta đã từng có lúc quá tập trung cho phòng chống dịch mà ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất kinh doanh như tình trạng “bế quan tỏa cảng” thì việc nghị quyết xác định hai nhiệm vụ song song này thể hiện tầm nhìn toàn diện về phát triển trong bối cảnh dịch bệnh”, ông Nam nói.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần nhanh, mạnh, đủ liều lượng

Nguồn: ITN 

Chính sách hỗ trợ cần nhanh, mạnh, đủ liều lượng

Trên thực tế, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt hai năm qua, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đầu năm ngoái. Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia và ghi nhận từ doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ vẫn chưa đủ, thậm chí còn quá nhỏ so với các nước cũng như nhu cầu của nền kinh tế. Chưa kể, công tác triển khai một số chính sách hỗ trợ còn chậm, doanh nghiệp khó tiếp cận.

Do đó, đại diện doanh nghiệp bày tỏ, cần sớm cụ thể hóa nghị quyết của Quốc hội theo hướng nhanh, mạnh, đủ liều lượng. Đặc biệt, “cái tôi lo lắng nhất hiện nay trong phục hồi kinh tế là chi phí sản xuất tăng lên sẽ tác động tới kiểm soát lạm phát. Do vậy, cần giảm ngay chi phí cho doanh nghiệp, bao gồm: giảm giá điện, nước; hạ lãi suất ngân hàng cho cả người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục để giảm thời gian, chi phí của doanh nghiệp…”, ông Tô Hoài Nam kiến nghị.

Nghị quyết của Quốc hội xác định triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch cùng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định). Nhiều chuyên gia cho rằng, để có thể phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp cần có gói kích thích từ 8 - 10% GDP. Hiến kế cho giải pháp này, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong Phùng Đức Tùng, Chính phủ có thể phát hành trái phiếu. “Đây là cách dễ dàng bởi lãi suất ngân hàng thấp nên tiền trong dân nhiều. Thêm nữa, hiện tiền gửi bằng USD tại ngân hàng không có lãi suất. Vì thế, Chính phủ có thể bán trái phiếu bằng lãi suất USD tương ứng với lãi suất đang phải trả vay nước ngoài tầm 2 - 2,5%/năm thì hoàn toàn có thể huy động được nguồn lực trong dân”.

Bên cạnh đó, theo ông Tùng, Chính phủ có thể mạnh dạn bán bớt cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước bởi thị trường chứng khoán đang rất thuận lợi. Về phía nhà tài trợ cũng sẵn sàng cho chúng ta vay vì lãi suất đang rất thấp. Doanh nghiệp tư nhân đã có thể phát hành trái phiếu quốc tế rất rẻ như tập đoàn Vingroup chỉ 3%/năm, hay ngân hàng Techcombank vay khoảng 1 tỷ USD với lãi suất chừng 2,65%. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện cũng rất cao với khoảng 100 tỷ USD. Rõ ràng, “huy động tiền không khó, chỉ là chúng ta chọn cách nào”, ông Tùng nhìn nhận.

An Thiện