Thảo luận ở tổ về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025

Tận dụng cơ hội, tạo đà bứt phá

- Thứ Bảy, 30/10/2021, 06:32 - Chia sẻ
Trong bối cảnh hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và còn có thể kéo dài cùng với những yếu tố bất định, tác động trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì việc thông qua Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới. Khẳng định điều này, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, Kế hoạch cần tập trung hoàn thiện thể chế, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo...

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An):
Tập trung thúc đẩy chuyển đổi số

Thực tế cho thấy, giai đoạn phát triển kinh tế dựa trên thâm dụng lao động và tài nguyên thiên nhiên đã đến hạn, thể hiện rõ nhất là giai đoạn 2001 - 2010, tốc độ tăng GDP của nước ta trung bình ở mức 7,29% nhưng giai đoạn 2011 - 2020 chỉ đạt 5,9%. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế để tạo ra những động lực tăng trưởng mới. 

Để khơi dậy tiềm năng, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cần tập trung hơn nữa vào các giải pháp để khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Trong đó, trước hết, cần xây dựng một cơ chế điều phối quốc gia về chuyển đổi số một cách mạnh mẽ hơn. Hiện nay chúng ta đã có Ban Chỉ đạo quốc gia, có Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng cơ chế vận hành đang tồn tại nhiều vấn đề. Ví dụ đơn giản nhất là sự liên thông trong dữ liệu, được thể hiện rõ trong đợt phòng, chống Covid-19 vừa qua. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, một số nước có cơ chế cao hơn các bộ như ở Singapore, một số nước thì giao cho bộ nhưng có những thẩm quyền rất lớn, vì các vấn đề về khoa học, công nghệ liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, thậm chí một số nước đã thành lập Bộ về chuyển đổi số như Ukraina; hay Bộ về Kinh tế số và xã hội số, như Thái Lan, Jordan…

Thứ hai, tập trung xây dựng thể chế để phục vụ cho đổi mới, sáng tạo. Trong Đề án về định hướng lập pháp của Quốc hội Khóa XV đã có đề cập, nhưng cần tập trung xây dựng một cách quyết liệt hơn. 

Thứ ba, tập trung phát triển hạ tầng số, trong đó lưu ý xây dựng các Trung tâm dữ liệu quốc gia, nâng cao chất lượng hạ tầng thông tin. Không thể phát triển được kinh tế số, xã hội số khi hạ tầng thông tin còn rất kém phát triển. Một trong những ví dụ rõ ràng là trong đợt học trực tuyến vừa qua, nhiều vùng, nhiều địa phương trong cả nước rất khó khăn trong việc thực hiện do không có sóng điện thoại, không có mạng băng thông rộng.

Thứ tư, cần đẩy nhanh việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho toàn dân. Đây là yếu tố rất quan trọng, vì con người luôn là yếu tố cơ bản nhất. 

Thứ năm, cần tạo lập niềm tin cho người dân khi tham gia sử dụng các dịch vụ công kỹ thuật số. Đó là niềm tin về việc bảo vệ dữ liệu, niềm tin vào việc sử dụng dữ liệu của người dân cho mục đích công cộng và niềm tin về việc được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sử dụng, tránh tình trạng người dân còn nghi ngại trong cài đặt các ứng dụng để triển khai sử dụng trên diện rộng. Với tính chất có tác động lớn đến cuộc sống của người dân, đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung yêu cầu phải có những đánh giá tác động cụ thể đối với các ứng dụng cung cấp dịch vụ công kỹ thuật số cho người dân, trong đó có những tiêu chí cụ thể về mức độ bảo vệ dữ liệu, sự thuận tiện trong sử dụng, chi phí triển khai thực hiện.

ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình):
Nguồn lực về con người nên được tách thành trụ cột riêng 

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đề ra 3 đột phá chiến lược, trong đó có nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Đây là yêu cầu về chính trị, còn thực tế cũng cho thấy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các quốc gia phải đối diện với nhiều vấn đề rất khó, rất bất định, thậm chí chưa từng có tiền lệ trong khi đó, các quốc gia cũng phải ra các quyết định nhanh nhất, toàn vẹn nhất và phải có tính dự báo nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh, những hệ lụy do đại dịch gây ra. Để làm được điều này đòi hỏi cần phải nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Thực tiễn phòng chống, dịch ở Việt Nam thời gian qua cũng cho thấy, chúng ta gặp một số vấn đề trong phối hợp tổ chức thực hiện. Vì vậy, cần tiếp tục nâng cao năng lực quản trị quốc gia để có những quyết sách nhanh hơn, toàn diện hơn, có tính dự báo tốt hơn và tổ chức thực thi cũng tốt và hiệu quả hơn.

Vì những lý do đó, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cần bổ sung hoặc làm rõ hơn nội dung này. Đề nghị Chính phủ bổ sung nhiệm vụ nâng cao năng lực quản trị quốc gia vào mục 4 (nhóm nhiệm vụ, giải pháp) của dự thảo Kế hoạch, kèm theo đó, cần có các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực quản trị quốc gia.

Kế hoạch đặt ra 5 quan điểm, trong đó có việc huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định, kết hợp chặt chẽ với nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Trong các nguồn lực cho phát triển, nguồn lực con người là quan trọng nhất. Tôi đánh giá rất cao Kế hoạch lần này dành rất nhiều nội dung liên quan đến phát triển nguồn lực con người. Nội dung này nằm trong phần phát triển thị trường lao động và nằm rải rác trong một số nội dung khác, đơn cử như nội dung liên quan đến ngành nông nghiệp, Kế hoạch đề cập đến việc phát triển lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp; hay trong ngành dịch vụ, Kế hoạch cũng đề cập đến việc phát triển lực lượng lao động trong dịch vụ logistics. Tuy nhiên, xét về tư duy và kết cấu thì chưa hợp lý, bởi lao động hiện nay không chỉ là vấn đề về thị trường, chất lượng nguồn nhân lực mà nằm ở hệ sinh thái cho lực lượng lao động. Thực tế hiện nay nguồn nhân lực của Việt Nam vừa thiếu lại vừa thừa. Trong khi đó, các vấn đề về hệ sinh thái cho lực lượng lao động như chỗ ở, chính sách, bảo hiểm cho người lao động để họ an tâm làm việc chưa được quan tâm thỏa đáng. Do đó, tôi đề nghị, nội dung liên quan đến nguồn lực về con người nên được tách thành trụ cột riêng trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Tôi cũng đánh giá cao việc Chính phủ đã tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, trong đó thẳng thắn chỉ ra những cái làm được và những cái chưa làm được. Qua tổng kết, vấn đề đáng quan ngại nhất vẫn là khâu tổ chức thực hiện. Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đã có rất nhiều điểm mới, đột phá về tư duy nhưng tôi vẫn chưa thực sự yên tâm vì chưa nhìn thấy những giải pháp để bảo đảm khâu tổ chức thực hiện thành công Kế hoạch này. Giai đoạn 2021 - 2025 là lần thứ ba chúng ta cơ cấu lại nền kinh tế. Cơ cấu lại nền kinh tế tạo ra những thay đổi nền tảng, nếu không thành công trong những năm bản lề đầu tiên này sẽ bỏ lỡ cơ hội rất lớn để bứt phá và phát triển.

ĐBQH Đỗ Đức Hiển (TP. Hồ Chí Minh):
Cần thể chế ổn định, căn cơ hơn với cơ cấu đơn vị sự nghiệp công

Tôi tán thành với nhiều nội dung trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, cả những mặt được, chưa được, chỉ tiêu chưa hoàn thành cũng như những giải pháp trong thời gian tới. Qua rà soát, tôi thấy nội dung liên quan đến thể chế rất được chú trọng trong Kế hoạch, cả những điểm được và chưa được. Tôi rất tâm đắc với quan điểm thứ 3 của Kế hoạch, đó là lấy hoàn thiện thể chế làm nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở đó tháo dỡ những rào cản thể chế, vướng ở cấp nào thì cấp đó xử lý; trong trường hợp cần thiết thì có thể thí điểm những mô hình mới. Đây là chủ trương rất xác đáng và phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Cụ thể, trong phụ lục kèm theo Kế hoạch này có tới 24/130 nhiệm vụ liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế, tập trung khá nhiều các đạo luật mới, mang tính chất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua, và những đạo luật mang tính chất tạo ra không gian mới, dư địa mới cho phát triển, như luật về công nghiệp, công nghệ số, luật về giao dịch điện tử và kinh tế số... Tuy nhiên, đây là việc mới nên cần rà soát thêm.

Liên quan đến cơ cấu lại khu vực đơn vị sự nghiệp công, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đến nay đã đạt nhiều kết quả tích cực. Kế hoạch được ban hành cũng đã bám khá sát vào Nghị quyết 19 này. Tuy nhiên, với nội dung liên quan đến việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực đơn vị sự nghiệp công chưa đạt đến tầm Nghị quyết 19 đã nêu ra. Cụ thể, Nghị quyết 19 yêu cầu phải hoàn thiện đầy đủ và đồng bộ hệ thống pháp luật để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý cũng như cơ chế về tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công, kể cả về tài chính. Thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm và đã ban hành 3 Nghị định, bước đầu tạo cơ sở pháp lý để tổ chức triển khai các hoạt động cơ cấu lại khu vực đơn vị sự nghiệp công. Tuy nhiên, với yêu cầu mới ở thời điểm này, với những chỉ tiêu rất cao, nhất là chỉ tiêu trong Nghị quyết 19 đặt ra đến năm 2025 cũng là một thách thức. Chính vì thế, tôi cho rằng, cần rút kinh nghiệm để có thể chế ổn định, căn cơ hơn và trong thời gian tới, cần có một đạo luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công để điều chỉnh đầy đủ, toàn diện và đồng bộ với lĩnh vực này.

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai):
Nên quan tâm đến chất lượng hơn là số lượng

Việc chúng ta có kế hoạch tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế như Chính phủ trình là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Liên quan đến bối cảnh tình hình hiện nay, một trong những nguyên tắc đầu tiên của việc xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là phải gắn với Đề án tổng thể về phục hồi và phát triển sản xuất sau đại dịch Covid-19. Giai đoạn 2021 - 2025, với tác động của đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, cho nên tất cả nội dung, biện pháp, chỉ tiêu đề ra cần đặt trong tổng thể phục hồi kinh tế và khắc phục hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra. 

Tôi đồng tình cao với Tờ trình của Chính phủ cũng như những phân tích, đánh giá trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Chính phủ đã rất trách nhiệm đưa ra những phương án, chỉ tiêu cụ thể. Trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của giai đoạn trước, chúng ta có 3 nhiệm vụ trọng tâm chưa hoàn thành, đó là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV giao đến năm 2019 phải thực hiện. Có nhiều nguyên nhân và đã được đánh giá. Tuy nhiên, 3 nhiệm vụ trong tâm này trong giai đoạn 2021 - 2025 phải được hoàn thành và phải có giải pháp quyết liệt hơn. Những nhiệm vụ trọng tâm chưa đạt được trong giai đoạn trước thì giai đoạn sau chúng ta phải hoàn thành.

Cùng với rất nhiều chỉ tiêu, nội dung đánh giá của Ủy ban kinh tế, tôi rất băn khoăn với chỉ tiêu 24 trong phụ lục 4. Đó là phấn đấu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025. Bởi, mục tiêu đặt ra trong giai đoạn trước là một triệu doanh nghiệp thì đến thời điểm này chúng ta chưa hoàn thành, nhất là trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải đánh giá rất kỹ việc đặt ra các mục tiêu này. Doanh nghiệp là “linh hồn” của nền kinh tế, nhưng trong bối cảnh này, việc đặt ra chỉ tiêu là 1,5 triệu doanh nghiệp, thì chỉ về số lượng cũng đã đủ đánh giá là khó khả thi.

Đối với chỉ tiêu thứ 26 trong 26 nhóm liên quan đến 20% GDP của kinh tế số, chúng ta đang nói rất nhiều về chuyển đổi số, vai trò của kinh tế số, nhưng để đạt được như thế nào, đánh giá kinh tế số ra sao và căn cứ vào mức độ nào, thì các cơ quan triển khai phải đánh giá rất kỹ. Nếu không đánh giá kỹ và việc gì chúng ta cũng lồng vào kinh tế số để ra 20% GDP thì sẽ không thực tế.

Tôi đề nghị, nên quan tâm đến chất lượng nhiều hơn là số lượng. Tôi băn khoăn với việc các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ chiếm 2% tổng số doanh nghiệp, nhưng giá trị xuất khẩu của khối FDI chiếm tới 70%. Vậy thì, chất lượng doanh nghiệp nội địa của chúng ta cần được phân tích kỹ và phải có nhiều cơ chế hơn nữa để tăng chất lượng. Mặc dù, chúng ta có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, và đã xác định kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, nhưng khi triển khai thì doanh nghiệp của chúng ta vẫn chịu nhiều thua thiệt. Tính rủi ro vẫn cao và hỗ trợ của hệ thống tín dụng cũng như các chính sách về tài chính, tài khóa đang rất hạn chế. 

Phụ lục 5 đặt ra 130 nhóm nhiệm vụ của Kế hoạch. Theo tôi, trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, thì công tác xây dựng thể chế và hệ thống các quy định là phần vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, nhiều đề án và nhiều nội dung chưa rõ, thời gian từ 2021 đến 2025, như vậy sẽ phải mất 5 năm để thực hiện.

Thanh Chi - Trung Thành - Hồ Long ghi