Tận dụng dư địa để phát triển

- Thứ Hai, 11/10/2021, 05:23 - Chia sẻ
Phát biểu tại buổi họp báo quý III và kế hoạch thúc đẩy sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm 2021, định hướng năm 2022 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, chăn nuôi và thủy sản là hai lĩnh vực còn dư địa để ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng trong năm nay.

Thời gian qua, ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn như phòng, chống dịch Covid-19 và nhiều dịch bệnh khác trong chăn nuôi. Trên thị trường quốc tế, do đứt gãy chuỗi cung cấp, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thu hẹp diện tích sản xuất cũng như chuyển đổi việc sử dụng ngũ cốc để sản xuất ethanol đã hạn chế rất lớn đến các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đồng thời là nguyên nhân khiến giá thành thức ăn chăn nuôi tăng từ 14 - 15% so với 6 tháng đầu năm 2020.

Tuy nhiên, với những giải pháp cụ thể và hiệu quả, 9 tháng qua, các hoạt động sản xuất chăn nuôi tiếp tục được duy trì. Đó là tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt hơn 4,7 triệu tấn; trên 12 tỷ quả trứng và gần 900 nghìn tấn sữa; giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi ước tính tăng 4,2%. Tại các tỉnh phía Bắc, ngành chăn nuôi phát triển ổn định, có khả năng tự cân đối cung cầu, một số địa phương sản xuất dư có khả năng cung cấp cho một số thành phố thiếu hụt thực phẩm ở các tỉnh phía Nam.

Dù vậy, theo dự báo của các chuyên gia, trong những tháng cuối năm, lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể là những nút thắt trong khâu lưu thông, vận chuyển sản phẩm và vật tư phục vụ sản xuất chăn nuôi. Là tình trạng giá thức ăn và nguyên liệu đầu vào tăng cao; dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường... Do đó, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cần giải quyết những vấn đề cụ thể như thực hiện chăn nuôi theo chuỗi liên kết để tiết kiệm đầu vào, giảm giá thành sản phẩm. Phải căn cứ vào đặc điểm sinh học của từng đối tượng vật nuôi để tính chu kỳ phát triển và chu kỳ sản xuất phù hợp.

Bên cạnh đó, cùng với phòng, chống dịch, các địa phương nên có chính sách về lãi suất tiền vay, đất đai hỗ trợ người chăn nuôi duy trì sản xuất. Khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị với mã định danh quốc gia, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; xây dựng kho lạnh, dự trữ, bảo quản sản phẩm.

Để tận dụng được dư địa phát triển ngành chăn nuôi những tháng cuối năm, đặc biệt là thực hiện được những mục tiêu đã đề ra trong Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 6.10.2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2023, tầm nhìn 2045 là tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2021 - 2025 trung bình từ 4-5%/năm; sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt 5-5,5 triệu tấn, vấn đề đặt ra là ngành phải nhanh chóng tự chủ được nguồn nguyên liệu, thức ăn trong nước, tránh phụ thuộc vào nhập khẩu; giải quyết những bất cập của hệ thống giết mổ; củng cố hệ thống tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đối với thị trường trong nước theo hướng hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất - chế biến - lưu thông - tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, các địa phương cần phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại - công nghiệp hóa chăn nuôi trang trại và chuyên nghiệp hóa chăn nuôi nông hộ. Cần xác định rõ đặc trưng, lợi thế cạnh tranh của từng vùng. Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dự báo, xác định nhu cầu sản phẩm chăn nuôi trên thị trường để có cảnh báo, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp.

Hân Anh