Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và phòng, chống Covid-19:

Tán thành cho phép áp dụng những biện pháp chưa có luật

- Chủ Nhật, 25/07/2021, 11:22 - Chia sẻ
Từ cuối tháng 4 đến nay, người dân và doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng lớn của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19. Do vậy, trong nửa đầu phiên họp thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay, 25.7, nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất cho rằng, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh là yếu tố quan trọng và là mục tiêu lớn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh đòi hỏi phải áp dụng những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa. Việc giao Chính phủ được áp dụng những biện pháp chưa có luật là rất cần thiết.

Ngăn chặn dịch bệnh là mục tiêu quan trọng nhất

Đa số đại biểu Quốc hội phát biểu trong phiên họp sáng nay đều bày tỏ sự nhất trí cao với các nội dung nêu trong Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và các nhiệm vụ mà Chính phủ đã đề ra cho những tháng cuối năm 2021. Các đại biểu Quốc hội cũng ghi nhận, trong thời gian qua, Chính phủ đã hết sức nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ, tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Việc thực hiện “mục tiêu kép” đạt nhiều kết quả tích cực đã củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phát biểu

Ảnh: Quang Khánh 

Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, người dân và doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng lớn của đợt bùng phát dịch bệnh Covid - 19. Do vậy, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, thời gian tới, điều quan trọng là phải tiếp tục quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, trong đó việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là yếu tố quan trọng, có vai trò quyết định tới sự ổn định và phục hồi kinh tế. “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có những biện pháp mạnh hơn nữa. Tôi cho rằng việc Quốc hội giao cho Chính phủ được áp dụng những biện pháp chưa có luật là rất cần thiết”, đại biểu Nguyễn Trường Giang nói.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu

Ảnh: Quang Khánh 

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng đề nghị, trong những tháng cuối năm 2021, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, tập trung vào ưu tiên cho công tác phòng chống dịch Covid-19; chủ động điều hành chính tiền tệ, tài chính linh hoạt, hỗ trợ tích cực, hiệu quả người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như chú trọng tháo gỡ khó khăn về thể chế cho sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…

Rà soát sức chống chịu của doanh nghiệp để có biện pháp căn cơ

Thời gian qua nhiều địa phương đã có nhiều biện pháp phù hợp, hạn chế tối đa khó khăn cho người dân. Chỉ ra thực tế này, song đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu rõ, còn một số địa phương áp dụng biện pháp thái quá, ví dụ không cho xe chở nông sản đi qua dù đã có giấy kiểm dịch; đồng thời ghi nhận việc Chính phủ đã sớm chỉ đạo các địa phương này có sự điều chỉnh phù hợp để bảo đảm chống dịch nhưng không “ngăn sông cấm chợ”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu

Ảnh: Quang Khánh 

Cùng với sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương cho các địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Thủy vui mừng nhận thấy, thái độ dứt khoát cùng biện pháp mạnh trên cả nước đã khiến đại bộ phận người dân không còn coi thường dịch bệnh, thực hiện khai báo đầy đủ… Ghi nhận tại các trạm y tế xã, phường thời gian qua cho thấy, số lượng người đến khai báo y tế tăng rất mạnh, đồng thời đã khắc phục được việc khai báo qua quýt hoặc thiếu trung thực như trước đây vì sợ phải đối diện với các chế tài xử lý.

Một ví dụ khác được đại biểu nêu ra, đó là việc công khai chi tiết, lịch trình di chuyển của bệnh nhân. Trước đây khi áp dụng công khai chi tiết, lịch trình di chuyển của bệnh nhân đã khiến nhiều người bệnh trở thành tâm điểm của sự thêu dệt, suy diễn, thậm chí bị "ném đá" trên mạng xã hội, gây tổn thương và ảnh hưởng rất nặng nề đến cuộc sống của gia đình họ. Đây không phải là cách để chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch. Bày tỏ rõ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy vui mừng nhận thấy, sau một thời gian ngắn, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các đơn vị không được công khai danh tính và lịch trình di chuyển chi tiết của bệnh nhân và chỉ được phép công khai những địa điểm có bệnh nhân đến để cho người dân và cơ quan y tế áp dụng các biện pháp bảo vệ. Qua hai tháng thực hiện đã ghi nhận sự hợp tác rất tích cực của người bệnh, an tâm cung cấp thông tin, từ đó là đã truy vết kịp thời cũng như bảo đảm quyền riêng tư, tránh tổn thương cho người bệnh.

Xúc động trước sự chấp nhận gian khổ hy sinh của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, sự sẻ chia giữa các địa phương, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, hình ảnh những "chiến sĩ áo xanh" ngày đêm bám chốt canh gác nghiêm ngặt từ biên cương để chặn nguồn lây và tận tụy chăm lo cho bà con trong khu cách ly càng thấy được sự hy sinh thầm lặng của bộ đội ta. Công an các cấp cũng đã siết chặt quản lý địa bàn để bảo đảm nghiêm yêu cầu chống dịch. Lực lượng y tế chưa bao giờ được đặt vào tình thế khẩn cấp như hiện nay. Hàng chục nghìn nhân viên y tế đã và đang gồng mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít, dưới cái nắng như thiêu đốt ngày hè, với những bữa cơm ăn vội diễn ra suốt thời gian chống dịch. Có người ngủ gục bên hộp cơm ăn dở..."

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, sự sẻ chia chi viện kịp thời giữa các địa phương đã giúp những tỉnh có dịch bước đi nhiều phần khó khăn. Đặc biệt, chúng ta đã có được một ban chỉ đạo quốc gia rất giỏi và giàu kinh nghiệm. Đây là những yếu tố "tạo thành lá chắn vững chắc cho người dân", đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.

Ảnh: Quang Khánh

Tiếp tục triển khai gói hỗ trợ an sinh mới - quyết sách kịp thời, hợp lòng dân

Một bài học kinh nghiệm quý giá trong 6 tháng đầu năm thực hiện chống chọi với dịch bệnh Covid - 19 được nhiều đại biểu nhấn mạnh là bài học "huy động sức dân". Thực tế, trong suốt thời gian chống dịch, nhiều hoạt động kinh tế bị chậm lại nhưng phong trào tương thân tương ái, đóng góp cho phòng, chống dịch thì lại nở rộ khắp nơi trên khắp cả nước. Những câu chuyện về tấm lòng thơm thảo nghĩa cử cao đẹp trong chống dịch không thể kể hết được và không chỉ có các cá nhân, doanh nghiệp mà cả các cụ già, em nhỏ và những người lao động vốn mưu sinh còn nhiều khó khăn cũng đều chung tay đỡ đần. Đặc biệt, quỹ vaccine quốc gia càng cho thấy tấm lòng của người dân, doanh nghiệp. Không chỉ là chung tay đóng góp về vật chất mà còn là sự đồng lòng của người dân trong việc chấp hành "5K" suốt hơn một năm qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy khẳng định, dịch bệnh Covid - 19 đã thực sự trở thành "phép thử" đối với tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm công dân. Những khó khăn của nền kinh tế trong đại dịch đang ngấm ngày càng sâu vào từng người lao động và từng doanh nghiệp, do đó, quyết định của Đảng, Nhà nước tiếp tục triển khai gói hỗ trợ an sinh mới thực sự là một quyết sách rất kịp thời và hợp lòng dân.

Tuy nhiên, để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị, Chính phủ cần giao Bộ hữu quan triển khai phần mềm thống kê liên thông để giúp cho việc rà soát được chính xác, nhanh chóng đến với đối tượng thụ hưởng; tránh bỏ sót, trùng lắp hoặc xảy ra tiêu cực. Và, Chính phủ cũng cần giao Bộ hữu quan rà soát, đánh giá sức chống chịu của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay để có những giải pháp căn cơ trong thời gian tới.

P.Thủy