Tăng 22,6%, xuất nhập khẩu là điểm sáng nhất năm

- Thứ Năm, 30/12/2021, 05:55 - Chia sẻ
Theo công bố của Tổng cục Thống kê sáng 29.12, GDP quý IV ước tăng 5,22% góp phần giúp GDP cả năm tăng 2,58%. Xuất nhập khẩu hàng hóa được xem là một trong những điểm sáng nhất của nền kinh tế năm 2021 khi đạt tổng kim ngạch 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước.
Nguồn: ITN

GDP quý IV tăng trở lại

Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý IV.2021, kinh tế tăng trưởng 5,22%, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020 nhưng thấp hơn quý IV các năm 2011 - 2019. GDP cả năm tăng 2,58% (quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%). Kết quả này thấp nhất trong thập kỷ gần đây song vẫn là "thành công lớn", theo đánh giá của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương. 

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, kết quả hoạt động năm 2021 của ngành nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp gần 14% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Như thường lệ, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp nhiều nhất với 63,8%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,2%.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,21% so với năm trước, làm giảm 0,02 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 5,02%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh 20,81%, làm giảm 0,51 điểm phần trăm.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2021 ước tính đạt 171,3 triệu đồng/lao động (tương đương 7.398 USD/lao động, tăng 538 USD so với năm 2020). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2021 tăng 4,71% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2021 đạt 26,1%, cao hơn mức 25,3% của năm 2020).

10.000 doanh nghiệp rời thị trường mỗi tháng

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, quý IV đã cho thấy sự khởi sắc rõ nét. Cụ thể trong 3 tháng cuối cùng của năm nay, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 31.400 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 415.300 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 205.100 lao động, - tăng 70,4% về số doanh nghiệp, tăng 64,1% về số vốn đăng ký và tăng 24,7% về số lao động so với quý III.2021.

Tính chung năm 2021, cả nước có 116.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1,61 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 854.000 lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021 đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 16,8% so với năm trước.

Ở chiều ngược lại, năm 2021 có 119.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn gần 55.000; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 48.100; doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 16.700. Tính trung bình mỗi tháng có gần 10.000 doanh nghiệp đóng cửa.

Thu ngân sách vượt dự toán 180.000 tỷ đồng

Đáng chú ý, xuất nhập khẩu hàng hóa được xem là một trong những điểm sáng nhất với tổng kim ngạch 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. Trong đó,  xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu 332,25 tỷ USD, tăng 26,5%. Có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu và 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%.

Như vậy, sau khi rơi vào trạng thái nhập siêu trong suốt nhiều tháng của năm 2021 thì đến cuối năm con số này đã đảo chiều. Tính chung năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD (năm 2020 xuất siêu 19,94 tỷ USD). Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,36 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29,36 tỷ USD.

Sự phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế giúp cho thu ngân sách nhà nước ước tính cả năm 2021 đạt 1.523,4 nghìn tỷ, bằng 113,4% dự toán năm (tăng 180,1 nghìn tỷ đồng). Trong đó thu nội địa bằng 110,4% so với dự toán năm (tăng gần 118.000 tỷ đồng); thu từ dầu thô bằng 197,4% (tăng 22,6 nghìn tỷ đồng); thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu bằng 122,1% (tăng 39,5 nghìn tỷ đồng).

Tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2021 ước tính đạt 1.839,2 nghìn tỷ đồng, bằng 109% dự toán năm. Trong đó, chi thường xuyên bằng 102,3%; chi đầu tư phát triển bằng 106,4%; chi trả nợ lãi bằng 96,2%.

Cùng với đó, các cân đối lớn khác của nền kinh tế được duy trì ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý IV giảm 0,38% so với quý trước và tăng 1,89% so với cùng kỳ năm 2020. Bình quân năm 2021, CPI tăng 1,84% so với 2020, thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% so với bình quân năm 2020.

Thất nghiệp tăng 0,96 điểm phần trăm

Tình hình lao động, việc làm quý IV khởi sắc so với quý trước nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm tính chung năm 2021 cao hơn năm trước. Năm nay tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 3,22% trong khi năm 2020 là 2,26%.

Tuệ Anh