Tăng chế tài đối với hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng

- Thứ Bảy, 16/10/2021, 19:16 - Chia sẻ
Trước sự bùng nổ của internet, học sinh học online tiềm ẩn nguy cơ trẻ em sẽ đối diện với việc bị xâm hại trên môi trường mạng nếu không được kiểm soát. Để hạn chế nguy cơ này, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc quan tâm của gia đình, nhà trường, rất cần hoàn thiện khung khổ pháp lý, trong đó sửa đổi, bổ sung các chế tài để xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Chưa phản ánh đúng thực trạng

Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có lượng người dùng Internet lớn nhất thế giới, với gần 70 triệu người dùng, chiếm khoảng 70% dân số. Trong đó 1/3 là người chưa thành niên. Với sự hữu ích và các tính năng không thể phủ nhận, Internet trở thành công cụ phổ biến, thu hút số lượng người sử dụng ngày càng gia tăng, đặc biệt là trẻ em.

Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng - ảnh 2
Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng

Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, để duy trì việc học tập, nhiều địa phương đã chuyển hình thức học trực tiếp sang học online, điều này làm gia tăng thời gian tiếp xúc với môi trường mạng của các em. Trẻ em hiện nay rất nhanh với tiếp cận công nghệ nhưng lại chưa đủ kiến thức, kỹ năng tự phòng vệ bản thân, cộng thêm trí tò mò nên càng rất dễ gặp rủi ro và các em là đối tượng để kẻ xấu trên môi trường mạng hướng tới. Hậu quả là trẻ có thể lộ thông tin cá nhân, xâm hại tình dục…, thậm chí ảnh hưởng tính mạng khi bị lôi kéo bắt chước những trò tai hại trên mạng.

Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) kết hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em cho biết, tại Việt Nam, cứ 3 trẻ thì 2 trẻ có thiết bị kết nối Internet. Trong 5 tháng đầu năm, ước tính có khoảng 40 cuộc gọi đến Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 trình báo về những trường hợp trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, gần 30 cuộc gọi phản ánh về những kênh, clip vi phạm, không phù hợp với trẻ trên mạng. Những thông tin này đã được Tổng đài 111 chuyển đến các cơ quan chức năng xử lý.

Theo Bộ Công an, trong 3 năm vừa qua, lực lượng công an đã phát hiện và xử lý 156 vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên, theo đánh giá, số liệu này chưa phản ánh thực sự bức tranh mà trẻ em bị lạm dụng, bị ảnh hưởng trên môi trường mạng.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra xâm hại trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng

Thực tế cho thấy, không ít đối tượng lợi dụng môi trường mạng để có những hành vi phát tán thông tin, hình ảnh mang tính chất bí mật đời tư; mua bán; xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trên môi trường mạng và thông qua môi trường mạng. Không ít trường hợp, khiến trẻ em bị sang chấn về mặt tâm lý, thậm chí có ý định tự tử. Theo nhận định của nhiều chuyên gia tâm lý, các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có tác động mạnh hơn đến trẻ em so với hành vi trẻ em bị xâm hại trong đời thực.

Về khung pháp lý bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, chúng ta đã có Luật An ninh mạng, Luật Trẻ em, Nghị định 56 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Đặc biệt, Luật Trẻ em đã dành một chương riêng để quy định về trách nhiệm của các bên có liên quan, các hoạt động cần phải có để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Nhận định về vấn đề này, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, cơ sở pháp lý về vấn đề này đã có, tuy nhiên hệ thống pháp luật cần phải bổ sung cụ thể hơn, chi tiết hơn nữa các chế tài xử lý các hành vi vi phạm và xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời, cần có những chế tài xử lý dựa trên hậu quả, tác hại mà những hành vi này gây ra cho trẻ em.

Cách đây chưa lâu, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định phê duyệt chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025". Với chương trình này, rất nhiều giải pháp từ pháp luật, giáo dục, kỹ thuật - công nghệ, tổ chức được đưa ra để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Có một số giải pháp được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả tích cực. Theo đó, rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng, cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương khi để xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng gây hậu quả nghiêm trọng thuộc phạm vi quản lý.

Chương trình cũng đặt kế hoạch đề xuất sửa đổi, bổ sung các chế tài nghiêm minh để xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của cha, mẹ, các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em trong việc quản lý, giám sát trẻ em tiếp cận và tương tác trên môi trường mạng. Đề xuất nghiêm cấm mọi hình thức tạo lập, lưu trữ, chia sẻ với mục đích vi phạm pháp luật các hình ảnh, video clip trong đó trẻ em là đối tượng bị xâm hại tình dục.

Cùng với đó, Chương trình cũng đề xuất cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, ứng dụng và nội dung hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Ngoài ra, có giải pháp về tuyên truyền, giáo dục phù hợp, hiệu quả như lồng ghép vào chương trình giáo dục các nội dung trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho trẻ em và kỹ năng cơ bản khi tham gia sử dụng Internet, cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ khi bị xâm hại trên môi trường mạng; trang bị "bộ kỹ năng số" cơ bản cho trẻ em theo độ tuổi.

Song Hà