Sổ tay:

Tăng chế tài xử phạt

- Thứ Tư, 24/03/2021, 05:53 - Chia sẻ
Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa đang được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến. Theo đó, Dự thảo sẽ tăng cường các chế tài xử phạt để xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

Quá trình thực hiện Nghị định số 132/2015/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa cho thấy, đây là hàng lang pháp lý cho lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng khác trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên đường thủy nội địa với những quy định khá cụ thể.

Tuy nhiên, phản ánh của các bộ, ngành liên quan cũng chỉ rõ, việc thực hiện Nghị định số 132/2015 đã phát sinh không ít bất cập với nhiều quy định chưa theo kịp được thực tiễn. Việc quy định chưa phù hợp với thực tiễn đã dẫn đến việc một số trường hợp cố tình lợi dụng để hoạt động trái quy định pháp luật. Bên cạnh đó, hầu hết mức xử phạt được quy định tại Nghị định 132/2015/NĐ-CP còn thấp, chưa đủ sức răn đe, không còn phù hợp với thực tế phát triển KT-XH, cũng như chưa thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đơn cử, nhiều hành vi có mức phạt rất thấp, từ 50.000 đồng - 100.000 đồng như kẻ, gắn số đăng ký của phương tiện không đúng quy định… Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội bộ. 

Đơn cử, chỉ trong 11 tháng của năm 2020, đã xảy ra 66 vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa xảy ra 66 vụ, làm 46 người chết, bị thương 7 người; so với cùng kỳ năm 2019 số vụ tai nạn giao thông tăng 20% về số vụ, 91,67% số người chết. Riêng trong năm 2020, Đội Cảnh sát đường thủy số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội đã lập biên bản xử lý 3.444 trường hợp vi phạm giao thông đường thuỷ nội địa trên sông Hồng, sông Đuống, phạt gần 1 tỷ đồng. Trong số 3.444 trường hợp vi phạm giao thông đường thuỷ nội địa đơn vị đã xử lý, tập trung chủ yếu vào các vi phạm như: Vi phạm về thuyền viên, phương tiện thiếu trang thiết bị an toàn; không kê đăng ký, vạch mớn nước an toàn; vi phạm về biển số, đăng ký phương tiện, sử dụng phương tiện không có giấy đăng ký; xếp ô tô tải trọng trên 3,5 tấn trên phà 1 lưỡi; không có bảng niêm yết giá vé; không bảng nội quy bến; người đi đò không mặc áo phao...

Có thể thấy, mặc dù đã có quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa nhưng số vụ tai nạn giao thông và số người chết vẫn tăng qua hàng năm. Nguyên nhân nổi bật lên vẫn là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém, kỹ năng xử lý tình huống của người điều khiển phương tiện chưa cao, vẫn còn tình trạng vi phạm quy tắc tránh, vượt, không nhường đường; chở quá tải; đi không đúng luồng tuyến; chở quá số người quy định…

Từ thực tế này, Dự thảo đề xuất những quy định cụ thể về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa… Trong đó bổ sung hành vi sử dụng phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 - 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 - 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa mà không tuân thuỷ các quy định về an toàn giao thông; bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định bắt buộc mặc áo phao hoặc cầm theo dụng cụ cứu sinh đối với người đi trên các loại phương tiện này...

Ngoài ra, hiện nay mạng xã hội được sử dụng phổ biến trong đại bộ phận người dân. Tại đây, không ít người đã đăng tải hình ảnh vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa mà mình bắt gặp trên đường để mọi người cùng biết và tránh. Theo đó, Điều 55, Dự thảo đã bổ sung quy định về việc cho phép sử dụng thông tin, hình ảnh để xử phạt đối với các hành vi vi phạm. Việc bổ sung quy định về việc sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thu thập, các tổ chức được giao quản lý, do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia hoạt động đường thủy nội địa, hạn chế hành vi vi phạm và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công tắc bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Nguyễn Ngân