Sổ tay:

Tăng chế tài xử phạt để răn đe

- Thứ Năm, 23/09/2021, 04:34 - Chia sẻ
Mặc dù đã có nhiều vụ việc, đối tượng kinh doanh, vận chuyển trang thiết bị, vật tư y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ bị phát hiện, xử lý nghiêm, song các lỗi vi phạm trên vẫn xảy ra. Dư luận cho rằng, cần tăng chế tài xử phạt hành chính lẫn hình sự đối với các đối tượng với những vi phạm này để bảo đảm tính răn đe.

Trong những ngày đầu tháng 9.2021, khi toàn TP. Hà Nội vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội, lực lượng chức năng của TP. Hà Nội vẫn liên tiếp phát hiện các vụ kinh doanh, vận chuyển các mặt hàng thuốc, trang thiết bị y tế nhập lậu. Cụ thể, ngày 2.9, Đội Quản lý thị trường số 13 và Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP. Hà Nội phát hiện nghi vấn và kiểm tra 1 xe ô tô đang dừng đỗ tại khu vực Làng Quốc tế Thăng Long (quận Cầu Giấy), thu giữ gần 500 hộp thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thời điểm kiểm tra, chủ xe không xuất trình được hóa đơn, chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số thuốc này.

Trước đó, ngày 1.9, Đội Quản lý thị trường số 6 qua kiểm tra điểm tập kết, kinh doanh hàng hóa tại đường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) cũng phát hiện hàng trăm hộp thuốc điều trị Covid -19 do nước ngoài sản xuất. Quá trình làm việc, chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc hợp pháp của số hộp thuốc điều trị Covid-19. Số thuốc điều trị Covid-19 bị tạm giữ gồm 2 loại: 40 viên/hộp và 10 viên/hộp. Chủ cơ sở khai nhận bản thân… không biết gì về y dược, chủ yếu thu mua các hộp thuộc trôi nổi trên mạng xã hội với giá từ 100.000 đến 1 triệu đồng/hộp tùy loại, sau đó, rao bán lại qua mạng xã hội với giá ít nhất gấp 2 lần.

Không chỉ mặt hàng thuốc, các lô trang thiết bị y tế gồm khẩu trang, kit xét nghiệm Covid-19 nhập lậu... cũng được lực lượng chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ. Vụ việc phát hiện, thu giữ 400.000 sản phẩm, trong đó có 20.880 chiếc khẩu trang 3M mã 1860 có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M đã được bảo hộ tại Việt Nam được phát hiện tại Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn mới đây là một ví dụ. Và một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do lợi nhuận “khủng” khiến các đối tượng đã bất chấp, tìm đủ mọi thủ đoạn, chiêu trò để “làm liều”.

Nhìn nhận về tình trạng buôn lậu trang thiết bị vật tư y tế, thuốc giả được  bán trên thị trường, các chuyên gia y tế cho rằng, các mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế nếu không bảo đảm chất lượng, nếu được sử dụng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, thậm chí gây nguy hại đến tính mạng. Ví dụ như khẩu trang 3M mã 1860 là một trong những sản phẩm được sử dụng cho các trường hợp cần phòng tránh lây nhiễm Covid-19 như cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch. Nếu cơ quan chức năng không phát hiện, bắt giữ kịp thời, số hàng hóa này được đem ra thị trường tiêu thụ, đưa vào trang bị cho lực lượng chức năng trong quá trình chống dịch Covid-19 sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Ở góc độ pháp lý, các chuyên gia luật cho rằng, cần tăng chế tài xử phạt hành chính, hình sự với các tội phạm này để bảo đảm tính răn đe. Các chuyên gia dẫn chứng, như trường hợp phát hiện gần 500 vỉ thuốc điều trị Covid-19, không hóa đơn chứng từ, không nguồn gốc xuất xứ, có thể vi phạm tội Buôn lậu, theo Điều 188 Bộ luật Hình sự nếu hàng hóa đó được nhập lậu từ nước ngoài; hoặc Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa, phòng bệnh được quy định tại Điều 194, Bộ luật Hình sự. Hay đối với trường hợp thu giữ gần 400.000 sản phẩm các loại, trong đó có khẩu trang 3M có dấu hiệu của hành vi buôn bán hàng giả theo Điều 192, Bộ luật Hình sự.

Hải Thanh