Tăng chế tài xử phạt hành vi đổ rác ra đường

- Thứ Bảy, 25/05/2013, 08:10 - Chia sẻ
Vứt rác ra đường trở thành thói quen xấu của không ít người dân. Việc tăng chế tài xử phạt hành vi này là rất cần thiết, tuy nhiên, khi triển khai thực tế thế nào là vấn đề cần bàn... Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia khi tham gia góp ý kiến cho dự thảo Nghị định Quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường do Bộ TN-MT tổ chức mới đây.
Phạt đến 1 triệu đồng

Theo Chánh thanh tra Tổng cục Môi trường Lương Duy Hanh, dự thảo Nghị định Quy định xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có nhiều điểm mới. Cụ thể: mức xử phạt tối đa đối với một hành vi vi phạm của tổ chức được nâng từ 500 triệu đồng lên 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Dự thảo còn bổ sung các chế tài về bảo vệ môi trường trong đa dạng sinh học và công khai thông tin xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, dự thảo nghị định cũng bổ sung nhóm hành vi gây ô nhiễm bao gồm thu gom, thải rác sinh hoạt không đúng nơi quy định hoặc không đúng quy định về bảo vệ môi trường. 

Theo đó, tại Điều 21 của dự thảo quy định mức phạt đối với hành vi vứt, thải, bỏ tàn thuốc lá hoặc vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định tại khu vực đô thị, chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng từ 50.000 - 200.000 đồng. Trong khi đó, người có hành vi vứt, thải rác sinh hoạt trên đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước đô thị sẽ bị phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng.

Trả lời báo chí tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Nghị định Quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường do Tổng Cục môi trường tổ chức mới đây, đa số các đại biểu, chuyên gia về môi trường đều khẳng định, xử phạt người xả rác làm bẩn đường phố, mất mỹ quan nơi công cộng là việc nên làm để nhắc nhở cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường. Đại biểu đại diện TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Thiện cho biết, hành vi vứt rác ra đường là kết quả của việc ý thức công dân còn thấp, do vậy, để dẹp được nạn vứt rác không đúng nơi quy định, kêu gọi, hô hào suông không được, phải thực hiện xử phạt nghiêm túc. Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty Luật Legal Associates Trần Thị Hương Trang cho biết: cùng với việc vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức, cần phải có biện pháp xử lý mạnh tay đối với những đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm các quy định về vệ sinh môi trường, có như thế mỗi con đường, khu phố mới xanh, sạch đẹp được.

Cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương

Liên quan đến với xử phạt hành vi vứt rác ra đường, một số chuyên gia bày tỏ quan ngại về tính khả thi của quy định này. Theo Ts Nguyễn Văn Phương, Khoa Pháp luật kinh tế, ĐH Luật Hà Nội, xả rác trên đường phố và nơi công cộng là hành vi gây ô nhiễm môi trường đáng bị lên án và xử phạt hành chính bằng tiền nhưng việc bắt quả tang người vi phạm để lập biên bản và xử phạt lại là một bài toán hóc búa. Ts Phương lưu ý, có quy định nhưng quy định lại không có hiệu lực trong cuộc sống thì sẽ rất phản tác dụng. Cùng chung quan điểm, Giám đốc Quỹ bảo vệ môi trường Hà Nội Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết: bên cạnh các điều kiện cụ thể như chế tài xử phạt thì cũng cần phải đủ lực lượng để phạt đúng, phạt đủ, nghiêm minh để giảm dần những hành vi, thói quen xấu đang phổ biến này. 

Theo các chuyên gia về môi trường, trên thực tế quy định về việc xử phạt hành chính người đổ rác thải ra đường phố và nơi công cộng đã có quy định vào năm 2005. Chính xác là Nghị định số 150 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Theo đó, tại Điều 9 của Nghị định quy định rõ, hành vi vứt rác, xác động vật, chất thải, hoặc bất cứ vật gì khác ra nơi công cộng, chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt gây ô nhiễm hoặc làm mất vệ sinh sẽ bị phạt từ 60.000 - 100.000 đồng. Tuy nhiên, từ 2005 đến nay dường như chưa có ai bị xử phạt. Rõ ràng là hiệu lực thi hành của quy định này đang bị “treo”.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến cho rằng, quy định xử phạt người xả rác ra đường phố có đi vào được cuộc sống hay không chủ yếu phụ thuộc vào mức độ “vào cuộc” của chính quyền địa phương. Cái này làm được thôi. Chẳng qua là vì bây giờ người ta chưa chú ý lắm và ngại ý kiến nọ ý kiến kia. Thời gian qua, có những đô thị, chính quyền chú ý thì xanh sạch đẹp, có những nơi, chính quyền lơ là thì rác thải vứt bừa bãi. “Cứ ngại khó mà không chịu làm thì không bao giờ có được kết quả. Bộ TN-MT đâu có đứng ra làm nổi mọi thứ. Trong “cuộc chiến” với tệ vứt rác ra đường, các cấp chính quyền phải là nòng cốt vào cuộc và chúng tôi đưa ra chế tài này là để các địa phương làm. Và điều này cần được quy định cụ thể, rõ ràng trong các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường” - Thứ trưởng Tuyến nhấn mạnh.

Chí Tuấn