Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV

Tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng

- Thứ Bảy, 28/11/2020, 06:03 - Chia sẻ
Tại các cuộc TXCT, nhiều cử tri đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, nhất là tinh thần trách nhiệm của các ĐBQH; khẳng định lòng tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đảng, Quốc hội và cấp ủy, chính quyền các cấp đang ngày càng cao. Tuy nhiên, cử tri cũng phản ánh nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập các cấp chính quyền, ngành chức năng sớm quan tâm xem xét, giải quyết, nhất là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và chế độ cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở sau chủ trương sáp nhập.

Nhiều vụ án tham nhũng diễn ra trong thời gian dài

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta thời gian qua thu hút sự quan tâm theo dõi và kỳ vọng của cử tri, Nhân dân về một bộ máy công quyền trong sạch, vững mạnh, thực sự vì dân. Tuy nhiên, cử tri xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc băn khoăn khi mặc dù thời gian qua Đảng ta đã có nhiều biện pháp quyết liệt song tình trạng tham nhũng vẫn chưa giảm. Cử tri mong muốn Đảng, Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu giải pháp bảo đảm công tác phòng và chống tệ nạn này hiệu quả ở các cấp. Còn theo phản ánh của cử tri thị xã Cửa Lò, mặc dù công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng các cấp được thực hiện thường xuyên, song có nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng diễn ra trong thời gian dài mới phát hiện được. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp.

Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp
Ảnh: Mai Hoa

Một vấn đề thu hút quan tâm của nhiều cử tri liên quan đến chế độ cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở sau chủ trương sáp nhập. Bày tỏ đồng tình với chủ trương sáp nhập xóm, sắp xếp, tinh giản đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên nhiều cử tri thị xã Cửa Lò bày tỏ sự không đồng tình khi chế độ lương, phụ cấp chưa được nâng lên, nhất là ở xóm, hiện có nhiều người không còn mặn mà với công việc ở xóm. Cử tri phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò cho rằng, chế độ chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở khối sau sáp nhập còn thấp, trong khi đó khối lượng công việc gấp 2 - 3 lần so với trước đây nên chưa động viên, khích lệ đội ngũ này làm việc.

Còn theo phản ánh của cử tri huyện Quế Phong, sau sáp nhập, việc giải quyết chế độ cho cán bộ dôi dư còn chậm, mong muốn tỉnh nghiên cứu điều chỉnh đưa ra mức phụ cấp phù hợp hơn. Theo cử tri Trần Văn Đức - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Mường Nọc: Sau sáp nhập đã xuất hiện một số bất cập. Đó là những vấn đề về chính sách đối với cán bộ dôi dư; chế độ cho cán bộ thôn bản, nhất là sau sáp nhập diện tích, dân số, nhiệm vụ nặng nề hơn; việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thiết chế văn hóa, những thủ tục hành chính phát sinh... Ở góc nhìn khác, cử tri Nguyễn Văn Hoạt, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp đề xuất Nhà nước nên xem xét các tiêu chí sáp nhập xóm ở khu vực miền núi cho phù hợp. Lý do là khu vực này đất rộng, dân ít, nếu quy định 250 hộ trở lên mới bảo đảm điều kiện thành lập 1 xóm sẽ gây khó khăn cho hoạt động của ban cán sự xóm. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ nên quy định thêm các yếu tố đối với vùng dân cư đặc thù.

Bên cạnh đó, cử tri đề xuất Quốc hội nghiên cứu thay đổi cơ cấu đại biểu HĐND các cấp theo hướng giảm đại biểu trong các cơ quan nhà nước và tăng đại biểu chuyên trách, bảo đảm thực sự vai trò đại diện cho tiếng nói của cử tri và thực hiện tốt chức năng giám sát. Cử tri cũng phản ánh những cải cách trong giáo dục lâu nay chưa đạt hiệu quả, kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát hoạt động và các chương trình của ngành giáo dục…

Làm rõ nhiều vấn đề cử tri quan tâm

Tại các buổi tiếp xúc, bên cạnh ghi nhận, các ĐBQH đã trả lời, làm rõ hơn nhiều vấn đề đông đảo cử tri quan tâm. Liên quan đến việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng chưa cao, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền thông tin, đây là vấn đề đã được Quốc hội đặt ra tại một số diễn đàn và đề nghị các cơ quan tư pháp rút kinh nghiệm, có biện pháp thu hồi tài sản ở các vụ tham nhũng, tránh tẩu tán tài sản trước khi xử lý. Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thông tin thêm: Thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đấu tranh, xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế quản lý, điều hành nhằm khắc phục sự chồng chéo và lỗ hổng tạo ra tham nhũng; đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát và phát hiện sai phạm của cán bộ.

Đối với những bất cập liên quan đến chế độ phụ cấp của cán bộ cơ sở sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh: Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, thôn, xóm bản nhằm tinh giản bộ máy, giảm gánh nặng ngân sách. Tuy nhiên trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, đặc biệt Nghệ An là tỉnh thu ngân sách chưa đáp ứng được chi, mặc dù tỉnh đã quan tâm đến chế độ, chính sách cho cán bộ cơ sở nhưng thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu. Đây là thực trạng chung ở nhiều địa phương, quá trình thực hiện bước đầu còn có những khó khăn, vướng mắc.

Về đề xuất của cử tri huyện Quế Phong về việc không có đất rừng để sản xuất, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết: Chính phủ có chủ trương rà soát 3 loại đất rừng, đất của nông lâm trường sản xuất kém hiệu quả để giao cho người dân sản xuất. Đề nghị tỉnh Nghệ An, huyện Quế Phong rà soát thực hiện Luật Lâm nghiệp mới, giao đất, cho thuê đất rừng để người dân có điều kiện để sản xuất.

LÊ MAI