Tăng cường chính sách cho lực lượng nòng cốt quản lý và bảo vệ rừng

- Thứ Hai, 17/09/2018, 09:17 - Chia sẻ
Trong nhiều năm qua, lực lượng kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng luôn xác định là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Trong thời kỳ mới hiện nay, tại địa phương lực lượng kiểm lâm phải thực hiện thêm cả công tác về phát triển rừng, hỗ trợ cộng đồng cũng như đóng góp sự tăng trưởng của ngành lâm nghiệp.

Còn nhiều bất cập

Kiểm lâm đã khẳng định được vị trí, vai trò trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như tổ chức kiểm lâm còn thiếu thống nhất, nhiều nơi trên cùng một địa bàn còn nhiều tổ chức kiểm lâm. Cơ cấu bộ máy tổ chức kiểm lâm từ trung ương đến địa phương chưa thống nhất… Mặc dù nhiều chủ rừng đã tổ chức được lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng nhưng tính ổn định chưa cao, không thu hút được lao động do chế độ, chính sách đãi ngộ… Nếu trước đây, nhìn ở góc độ pháp lý, dù gọi là lực lượng quản lý bảo vệ rừng nhưng họ khác hoàn toàn so với kiểm lâm, các chủ rừng chỉ đơn thuần là một doanh nghiệp được Nhà nước thuê để bảo vệ rừng, quyền hạn cũng như công cụ hỗ trợ gần như rất ít. Dưới áp lực của nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy ngày càng gia tăng như hiện nay thì lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách tại các đơn vị chủ rừng đang phải chịu rất nhiều áp lực, khó khăn, thậm chí là hi sinh khi thực thi nhiệm vụ.

 Theo thông tin Bộ NN - PTNT để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, kế thừa những nội dung tích cực, phù hợp thực tiễn, khắc phục những tồn tại, bất cập; sửa đổi, bổ sung những quy định mới phù hợp với Luật Lâm nghiệp, với thực tiễn thì cần thiết xây dựng Nghị định về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, thay thế Nghị định 119/2006/NĐ-CP về Tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm và Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg ngày 19.10.2016 về Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng. Mặc dù nhiều chủ rừng đã tổ chức được lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, tuy nhiên tính ổn định của lực lượng này chưa cao, không thu hút được người lao động do chế độ, chính sách đãi ngộ thấp, khi phải làm việc trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ không quy định chế độ, chính sách đãi ngộ cho lực lượng này để thu hút nguồn lực lao động; do vậy cần cụ thể hóa tại Nghị định của Chính phủ theo Khoản 4, Điều 41 Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 giao Chính phủ quy định chi tiết lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

Để người giữ rừng bảo vệ rừng thật sự yêu rừng, tâm huyết với nghề thì cần thiết phải có cơ chế, chính sách điều chỉnh hợp lí, đảm bảo hài hòa giữa trách nhiệm và quyền lợi cho các đơn vị chủ rừng.

Áp lực ngày càng lớn

Để giữ được rừng, lực lượng kiểm lâm phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách, với tội phạm phá hoại rừng. Tình hình chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng ngày càng quyết liệt. Việc ngăn chặn vấn nạn phá rừng, khai thác rừng trái phép gian khổ bao nhiêu, thì việc chống “giặc lửa” cũng khó khăn bấy nhiêu. Để từng bước và đi đến chặn đứng tai họa này, lực lượng kiểm lâm đã làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ngành lâm nghiệp cả nước đã có nhiều đóng góp quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đạt mục tiêu tăng trưởng 6,57%, nâng độ che phủ của rừng đạt 41,45%, giá trị xuất khẩu đạt trên 8 tỷ USD... Đáng chú ý là số vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, diện tích rừng bị thiệt hại đã giảm mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: Hiện nay, đúng là lực lượng kiểm lâm đang gặp rất nhiều khó khăn trong ngăn chặn các hoat động phá rừng ngày càng tinh vi, manh động của lâm tặc, tình hình biến đổi khí hậu diễn ra khốc liệt cũng như đòi hỏi của xã hội đối với lực lượng kiểm lâm ngày càng cao. Vì vậy, lực lượng kiểm lâm cần phải thay đổi phương thức, nhận thức về nhiệm vụ của mình. Không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ rừng mà kiểm lâm ở các địa bàn phải triển khai thực hiện gần như toàn bộ các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực lâm nghiệp; cần phải trau dồi kiến thức về chuyên môn và phẩm chất đạo đức của người chiến sỹ kiểm lâm; phải chấp hành tốt các cơ chế, chính sách..., góp phần tích cực vào thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, đảm bảo đạt giá trị xuất khẩu lâm nghiệp 10 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng trên 6%, tỷ lệ che phủ rừng phải đạt 42%.

Trên thực tế, vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lí bảo vệ rừng. Như lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được biên chế tại các đơn vị chủ rừng hiện nay lại quá ít, bình quân một người quản lí khoảng 1.000ha rừng, trong khi mức lương chi trả, phụ cấp hàng tháng không đủ tiền mua xăng xe để tuần tra, chứ chưa nói đến việc túc trực hàng ngày.  Mặt khác, việc giao khoán rừng cho người dân tại chỗ hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi người dân không còn mặn mà khi giá tiền giao khoán quá thấp, hơn nữa họ cũng có tâm lí lo sợ mất rừng. Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng chưa lúc nào bớt nặng nề, trong khi đang có không ít nhân viên làm công tác bảo vệ rừng lại bất an vì thu nhập thấp và tình trạng nợ lương. Đây là một thực trạng cần được các cơ quan hữu quan tập trung sớm tìm giải pháp giải quyết. Có như vậy thì những cánh rừng tự nhiên mới được bảo vệ an toàn trước sự đe dọa xâm hại của các đối tượng sống dựa vào tài nguyên rừng.

Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm Đỗ Quang Tùng chia sẻ: Thách thức lớn nhất của chúng tôi đó là nguồn tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt, phục hồi rất chậm, trong khi đó nhu cầu về sử dụng lâm sản, đất đai ngày càng nhiều, hoàn toàn đối nghịch với sự phát triển và tăng trưởng của nguồn tài nguyên thiên nhiên. Do vậy, áp lực vào rừng và tài nguyên rừng ngày càng lớn. Thời gian tới, chúng tôi cũng nhận thức được rằng, công tác về quản lý, bảo vệ rừng cũng như là công tác phát triển rừng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Anh Hiến