Tăng cường giám sát công tác bổ nhiệm cán bộ

- Thứ Sáu, 23/10/2020, 07:05 - Chia sẻ
Tại các buổi tiếp xúc, cử tri thủ đô đã gửi tới Quốc hội, chính phủ và các bộ, ngành Trung ương gần 30 nhóm vấn đề. Trong đó, cử tri đặc biệt quan tâm, mong muốn Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát công tác bổ nhiệm cán bộ để góp phần làm tốt công tác nhân sự Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, cử tri Hà Nội đánh giá cao các cấp, các ngành từ Trung ương đến các địa phương đã chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép”, đó là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Trước những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, cử tri các quận, huyện như Đống Đa, Gia Lâm, Thanh Trì… bày tỏ lo lắng về việc nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở làng nghề, hộ sản xuất, kinh doanh phải ngừng hoạt động hoặc giải thể; đồng thời, một lượng lớn người lao động bị thiếu hoặc mất việc làm dẫn đến không có thu nhập hoặc thu nhập rất thấp. Do đó, cử tri kiến nghị cần đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện kịp thời, chặt chẽ việc hỗ trợ các nhóm đối tượng bị tác động bởi dịch Covid-19...

Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII bỏ phiếu bầu đoàn đại biểu chính thức tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Ảnh: P.Long

Đáng chú ý, cử tri cũng bày tỏ sự tin tưởng, kỳ vọng vào thành công của Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt trong công tác chuẩn bị nhân sự chặt chẽ và bài bản, góp phần chọn được đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, cử tri cũng mong muốn Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát công tác bổ nhiệm cán bộ để góp phần làm tốt công tác nhân sự Đại hội lần thứ XIII của Đảng và công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cử tri cũng đề nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát về môi trường, đặc biệt là môi trường nước và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, cử tri thủ đô nhận định trong thời gian qua, nhiều vụ việc tham nhũng được xử lý và đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đặc biệt đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Đồng thời, có cơ chế giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, đem lại niềm tin cho nhân dân. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ sở vẫn còn những hạn chế và đề nghị Chính phủ đẩy mạnh công tác chỉ đạo, xử lý nghiêm minh hơn nữa các vụ tham nhũng ở cơ sở

Đặc biệt, cử tri nhiều quận, huyện tại Hà Nội phản ánh năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên Bộ GD - ĐT thực hiện chương trình, SGK mới với học sinh lớp 1. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD - ĐT rà soát các nội dung trong SGK và sách tham khảo cho phù hợp với học sinh tiểu học, đặc biệt đối với học sinh lớp 1.

Sớm khắc phục các vấn đề dân sinh bức xúc

Cũng tại các buổi tiếp xúc, các vấn đề khác liên quan đến đời sống dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội cũng được cử tri Hà Nội kiến nghị. Trong đó, nhiều cử tri cho rằng, gần đây giá các mặt hàng thiết yếu có chiều hướng tăng, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn và đề nghị Chính phủ có giải pháp kiềm chế lạm phát.

Cử tri tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng điều chỉnh quy hoạch hành lang thoát lũ đối với các địa phương ven sông và quy định về sử dụng đất trong hành lang thoát lũ, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội và du lịch trên sông. Cùng với đó, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách quan tâm các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để phát triển và mở rộng quy mô, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đề cập đến vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước, cử tri đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng nghiên cứu bảo đảm nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, nguồn nước ngầm, nước mặt cho sinh hoạt và nguồn nước cho môi trường; quản lý an toàn các hồ đập, cân đối nguồn vốn để sửa chữa, cải tạo các hồ đập… Trong công tác xây dựng luật, cử tri phản ánh những điểm đang bất cập của Luật Đất đai năm 2013 trong định giá đền bù khi giải phóng mặt bằng; đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật theo hướng quy định mức giá đền bù theo giá trần (giá sàn) và khung giá sát với giá thị trường để thuận lợi trong quá trình thực hiện…

Long Huỳnh