Tăng cường giám sát thực thi Luật Thanh niên

- Thứ Năm, 10/09/2020, 14:59 - Chia sẻ
Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH, HĐND tăng cường giám sát thực hiện Luật Thanh niên. Bộ Nội vụ sớm tham mưu Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thực hiện Luật Thanh niên, theo đó, cần cụ thể hóa các chính sách của nhà nước đối với thanh niên, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức được quy định trong luật. Đây là ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, TN, TN và NĐ Nguyễn Văn Tuyết tại Hội nghị triển khai Luật Thanh niên do Bộ Nội vụ phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức sáng nay, (10.9), tại Hà Nội.

Bảo đảm bình đẳng của thanh niên về quyền và nghĩa vụ

Tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật Thanh niên với 7 chương, 41 điều, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021. Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ Doãn Đức Hảo cho biết: Luật không chỉ quy định chính sách của nhà nước; trách nhiệm của nhà nước, tổ chức thanh niên; gia đình, cơ sở giáo dục đối với thanh niên mà còn quy định trách nhiệm của thanh niên đối với sự tu dưỡng, rèn luyện, học tập, lập thân, lập nghiệp với gia đình, xã hội, đất nước. Luật Thanh niên đã luật hóa vị trí, vai trò, trách nhiệm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh hiên. Ngoài ra, Luật nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên, xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, các tổ chức và chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách pháp luật đối với thanh niên. Luật quy định nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên, nhằm bảo đảm sự bình đẳng của thanh niên về quyền và nghĩa vụ, bảo đảm sự tham gia của thanh niên, tôn trọng thanh niên, lắng nghe thanh niên…

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, thanh niên Việt Nam chiếm 24,6% dân số là lực lượng xã hội to lớn, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của thanh niên. Thanh niên là rường cột của nhà nước, là chủ nhân tương lai của đất nước. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

“Việc ban hành Luật Thanh niên có ý nghĩa chính trị, pháp lý sâu sắc trong điều kiện mới, bảo đảm tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của thanh niên; quy định trách nhiệm của thanh niên; đồng thời quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với thanh niên nhằm xây dựng thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có đạo đức, ý thức công dân và sống có lý tưởng…”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Văn Tuyết phát biểu tại Hội nghị 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Văn Tuyết cho rằng, Luật Thanh niên đã thể chế các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về thanh niên và công tác thanh niên. Luật cũng nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quy định các chính sách của nhà nước đối với thanh niên; quy định rõ cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên. Luật tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên; thiết lập các cơ chế phối hợp, làm rõ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan của Chính phủ, chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục, gia đình đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về thanh niên, tạo môi trường điều kiện để bồi dưỡng, giáo dục và phát huy thanh niên.

“Luật Thanh niên sẽ đem lại khuôn khổ pháp lý có giá trị trong việc hướng dẫn hoạch định và thực hiện các chương trình, chính sách thanh niên của Chính phủ cho thanh niên Việt Nam - những nhân tố thay đổi chính giúp Việt Nam đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tin tưởng.

Giám sát, báo cáo tiến độ, chất lượng thực thi Luật Thanh niên

Nhận định về khoảng cách giữa chính sách và thực thi, bà Naomi Kitahara cũng thẳng thắn chỉ rõ, thời gian qua, việc triển khai và thực thi Luật Thanh niên 2005 và các chương trình liên quan đến thanh niên còn yếu kém, dẫn đến khoảng cách lớn giữa chính sách và thực hiện. Luật Thanh niên sửa đổi năm 2020 đã xác định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ và các bên liên quan trong việc thực thi Luật. Do đó, sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành ở cấp trung ương và địa phương cũng như giữa các khu vực công và tư nhân là rất cần thiết để thi hành Luật Thanh niên năm 2020. Bộ Nội vụ, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về công tác thanh niên, sẽ đóng vai trò quan trọng và chịu trách nhiệm về điều phối, giám sát và báo cáo tiến độ cũng như chất lượng thực thi Luật Thanh niên 2020, bà Naomi Kitahara nhấn mạnh.

Hoan nghênh chính sách đối thoại với thanh niên được đưa vào Luật Thanh niên, tuy nhiên, bà Naomi Kitahara cũng cho rằng, cần có các diễn đàn thân thiện với thanh niên để khuyến khích thanh niên, đặc biệt là các nhóm thanh niên dễ bị tổn thương tham gia đối thoại thường xuyên với các lãnh đạo nhà nước và các nhà hoạch định chính sách về nhu cầu và mối quan tâm của họ, đặc biệt là trong bối cảnh Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Trong khi đó, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng, để tổ chức triển khai Luật Thanh niên có hiệu quả, rất cần sự tham gia của các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương.

 

Toàn cảnh hội nghị

“Thông qua hội nghị triển khai Luật Thanh niên, Bộ Nội vụ mong muốn các cơ quan, tổ chức và mọi người nắm được các nội dung chính và các chính sách đối với thanh niên quy định trong Luật Thanh niên. Từ đó, thấy rõ trách nhiệm để cùng nhau chung tay đưa Luật Thanh niên vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển của thanh niên, khẳng định và phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói.

Để Luật sớm đi vào cuộc sống, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, TN, TN và NĐ Nguyễn Văn Tuyết đề nghị: Bộ Nội vụ sớm tham mưu Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thực hiện Luật Thanh niên, trong đó có việc cụ thể hóa các chính sách của nhà nước đối với thanh niên, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức được quy định trong luật. Đặc biệt, các điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết cần sớm có nghị định hướng dẫn để thực hiện. Bộ Nội vụ, các cơ quan bộ, ngành, chính quyền địa phương căn cứ nội dung trách nhiệm của mình có kế hoạch triển khai, ban hành các cơ chế, chính sách cho thanh niên. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, các bộ ngành địa phương trong việc triển khai thực hiện Luật Thanh niên, tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Thanh niên tới các cấp hội đoàn, đoàn viên thanh niên nhận thức sâu sắc hơn đối với Tổ quốc gia đình, gương mẫu đi đầu trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội cùng với phát triển của bản thân để thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo tích cực đóng góp vào phát triển của địa phương và đất nước.

Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành địa phương, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, sự hưởng ứng tích cực của Đoàn thanh niên, các đoàn viên thanh niên, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Tuyết tin tưởng, Luật sẽ được triển khai hiệu quả, thiết thực trong thời gian tới.

Hà An