Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước

- Thứ Tư, 12/09/2018, 07:38 - Chia sẻ
Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường và có thể xảy ra trên khắp vùng miền cả nước, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Công tác phòng chống thiên tai (PCTT) cần được xác định là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, cộng đồng và mỗi cá nhân.

Nâng cao năng lực quản lý

Theo báo cáo của Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục đã theo dõi chặt chẽ hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước; cảnh báo, dự báo kịp thời diễn biến của 10 đợt không khí lạnh; 2 cơn bão trên biển Đông; 6 đợt nắng nóng; 10 đợt mưa lớn, đặc biệt là đợt mưa lớn gây lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi phía Bắc trong những ngày từ 23 - 25.6.2018. Các bản tin dự báo KTTV đã được đăng tải trên website của các đơn vị trực thuộc Tổng cục và Trang thông tin điện tử của Tổng cục, đồng thời gửi tới các cơ quan thông tấn báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng để phục vụ nhân dân.


Quan trắc các yếu tố khí tượng

Bản tin dự báo thời tiết được thể hiện chi tiết cho từng thành phố, thị xã trên cả nước. Đã thực hiện dự báo thời tiết và các hiện tượng khí tượng nguy hiểm chi tiết cho 653 địa điểm là các huyện lỵ cả nước. Dự báo thủy văn cho 298 địa điểm thuộc các sông trên toàn quốc và dự báo hải văn chi tiết cho các vùng biển, huyện đảo thuộc các tỉnh ven biển. Phát triển và nâng cao một bước chất lượng dự báo KTTV, nhất là chất lượng dự báo thời tiết, thủy văn nguy hiểm đáp ứng cơ bản yêu cầu PCTT.

Ông Lê Hồng Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết: Đối với mạng lưới trạm KTTV, Tổng cục đã chỉ đạo theo dõi chặt chẽ hoạt động của mạng lưới trạm KTTV quốc gia trên toàn quốc; xây dựng và hoàn thiện phương án quan trắc khi xảy ra tình huống có bão, mưa lũ lớn trước mùa mưa, bão năm 2018. Tuy nhiên, về cảnh báo lũ quét, sạt lở đất mới chỉ đạt được ở mức cảnh báo có nguy cơ trên một khu vực rộng, chưa cảnh báo được ở một vị trí cụ thể. Công tác dự báo điểm còn nhiều khó khăn do các điểm quan trắc KTTV còn thưa, chưa đáp ứng đủ số liệu; quan trắc thủ công vẫn là chủ yếu; chế độ dòng chảy tại các trạm thuỷ văn bị ảnh hưởng của hồ chứa.

Thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật KTTV và các luật khác có liên đến lĩnh vực KTTV, tiến tới hệ thống pháp luật về KTTV hoàn chỉnh. Tăng cường hiện đại hóa và tự động hóa hệ thống thông tin truyền dẫn số liệu KTTV, nâng cao tốc độ và mở rộng băng thông, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ dự báo và trao đổi số liệu trong và ngoài ngành, Ông Phong cho biết thêm.

Việc đổi mới phương thức phục vụ của ngành KTTV theo hướng Nhà nước chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV đáp ứng các yêu cầu phục vụ công cộng, phòng tránh thiên tai, bảo vệ cuộc sống, tài sản cho toàn xã hội; đồng thời, khuyến khích xã hội hóa, thương mại hóa các hoạt động KTTV và tăng cường sử dụng thông tin KTTV trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sẽ giúp mang lại hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực.

Nhiệm vụ quan trọng

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng và tác động nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt là bão lũ và hạn hán và xâm nhập mặn. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm thiên tai làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1 - 1,5% GDP (tương đương gần 1,3 tỷ USD). Ở Việt Nam, năm 2017 đã khép lại với số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới kỷ lục trong lịch sử: 20 cơn bão. Trong khi đó, trước đây, chưa bao giờ Việt Nam đặt tên cơn bão số 16. Những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra từ năm 2017 đến nửa đầu 2018 là những con số đáng báo động khiến cho đời sống nhân nhân ở 04 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai bị xáo trộn và gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2017, tỉnh Yên Bái đã thiệt hại khoảng 1.855 tỷ đồng do thiên tai. 8 tháng năm 2018 trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra 13 đợt thiên tai, làm 17 người chết và mất tích, 23 người bị thương, hư hỏng 5.175 ngôi nhà; thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp; phá hủy nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật và nhiều tuyến đường giao thông, thủy lợi, thủy điện… Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng trên 969 tỷ đồng...

 Trong bối cảnh thời tiết, thiên tai có nhiều diễn biến phức tạp, công tác dự báo KTTV còn gặp nhiều khó khăn, sai số lớn trong khi yêu cầu dự báo ngày càng cao về độ tin cậy, chi tiết, thời gian dự báo dài… công nghệ ngành dự báo hiện nay chưa dự báo được lũ quét, sạt lở đất và mới cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một số vùng hoặc khu vực rộng lớn trước từ 3 - 6 giờ. Bên cạnh đó, việc xác định cấp độ rủi ro thiên tai trong từng trường hợp cụ thể chưa thống nhất giữa Trung ương và địa phương. Dự báo diễn biến lũ, đỉnh lũ gặp khó khăn và sai số, do hạn chế trong dự báo mưa và bị tác động từ hoạt động điều tiết, vận hành của các hồ chứa thủy điện. Các đơn vị, đặc biệt là Đài KTTV khu vực và tỉnh chưa thực hiện triệt để việc chi tiết hóa các quy định chuyên môn, quy trình kỹ thuật về dự báo nên chưa phát huy được hiệu quả rõ rệt trong hệ thống dự báo KTTV quốc gia, cũng như chưa có nhiều công cụ hỗ trợ các đài này chi tiết hóa bản tin.

 Trong chuyến kiểm tra tại địa phương mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Để công tác phòng chống thiên tai đạt hiệu quả các địa phương cần có biện pháp bảo đảm an toàn cho các hồ thủy điện vừa và nhỏ. Các nhà máy thủy điện nên thống nhất một cơ sở dữ liệu chung về các số liệu quan trắc nước, khí hậu để tỉnh có thể kiểm soát và nắm bắt được thông tin các số liệu và điều phối chung. Thông tin liên lạc cũng cần phải bảo đảm, thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó với thiên tai đến cấp thôn, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống sản xuất tại các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai. Công tác di dân và tái định cư phải được quan tâm và có những kế hoạch dài hạn để đồng bào vùng cao có thể tin tưởng và theo những định hướng của tỉnh và địa phương. Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, với mục tiêu cuối cùng là bảo đảm cả cộng đồng được an toàn trước thiên tai.

Anh Hiến