Tăng cường kết nối các kênh tiêu thụ nông sản

- Thứ Năm, 14/10/2021, 07:16 - Chia sẻ
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp Đồng Nai phải cùng lúc triển khai song song nhiệm vụ, vừa kết nối tiêu thụ nông sản, vừa hỗ trợ thực phẩm cho người dân khu vực phong tỏa, từ đó giúp người lao động trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn. Ngoài ra, việc tái sản xuất, tái đàn và phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cũng được tỉnh Đồng Nai ưu tiên, chú trọng, nhằm bảo đảm nguồn cung trong tỉnh và các khu vực phụ cận dịp Tết Nguyên đán, đầu năm 2022 và là bước đệm đưa cuộc sống chuyển sang trạng thái bình thường mới.
	Kỹ thuật và nền tảng canh tác sẽ là động lực để ngành nông nghiệp Đồng Nai hồi phục Ảnh: T.Anh
Kỹ thuật và nền tảng canh tác sẽ là động lực để ngành nông nghiệp Đồng Nai hồi phục
Ảnh: T.Anh

Có xu hướng thu hẹp sản xuất

Mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, duy trì sản xuất trong trạng thái bình thường mới.

Do ảnh hưởng của làn sóng dịch lần thứ 4, công tác sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn, dẫn đến diện tích các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh trong vụ hè thu 2021 vừa qua đa số đều giảm so với cùng kỳ, hiện tiến độ thu hoạch trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 90%. Ghi nhận trên địa bàn huyện Định Quán, ước tính diện tích gieo trồng vụ hè thu 2021 giảm 0,9% so với cùng kỳ. Diện tích các loại cây trồng giảm nhiều phải kể đến các cây họ đậu, bắp, mía giảm từ 8 - 10% nhưng năng suất và sản lượng hầu hết đều tăng, đồng thời cũng ghi nhận diện tích cây hàng năm tăng gần 24% so với cùng kỳ. Phần lớn nguyên nhân của việc diện tích gieo trồng có xu hướng giảm là do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn dến giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao; việc đi lại của người dân đến nơi sản xuất bị hạn chế do giãn cách nên việc đầu tư, chăm sóc bị hạn chế hơn so với các năm trước.

Thêm vào đó, bước vào mùa mưa, các loại cây trồng bị ảnh hưởng nhiều bởi sâu bệnh, thối rễ; đàn gia súc hiện đang ghi nhận dịch bệnh tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trâu bò, cúm gia cầm, dịch tả vịt… khiến người sản xuất gặp nhiều khó khăn. Hầu hết dịch bệnh tập trung và gây ảnh hưởng lớn ở các nông hộ chăn nuôi nhỏ, chưa tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch dẫn đến thiệt hại kinh tế và khả năng tái đàn, tái sản xuất bị ảnh hưởng.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Tám Do (xã Bàu Cạn, huyện Long Thành) Nguyễn Tấn Hậu cho biết, do thua lỗ nên nhiều người chăn nuôi hiện không dám đầu tư tái đàn. Vài tháng qua, trại heo giống của doanh nghiệp bán con giống rất chậm, mọi chi phí đầu vào đều tăng cao nên rơi vào cảnh “gồng mình” chịu lỗ.

Dư cung và nỗi lo thị trường tiêu thụ

Do tác động tiêu cực của Covid-19, thị trường tiêu thụ hiện tại đang thiếu bền vững, các kênh tiêu thụ truyền thống chưa hoạt động trở lại hoặc nếu có cũng mới giải quyết được lượng nhỏ thực phẩm cung ứng ra thị trường trong khi giá thức ăn chăn nuôi đang ghi nhận tăng ở mức cao. Trong quý IV.2021, dự báo Đồng Nai cung cấp ra thị trường 103,8 nghìn tấn thịt heo; 41,5 nghìn tấn thịt gia cầm các loại và khoảng 165 nghìn tấn trái cây, chưa kể đến sản lượng củ quả và rau ăn lá. Với sản lượng nông sản trên lại tiếp tục đặt ra bài toán tiêu thụ cho toàn ngành.

Dự báo về tình hình tiêu thụ nông sản những tháng cuối năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) tỉnh Đồng Nai cũng đã lường trước nhiều khó khăn và xây dựng kịch bản chi tiết về sản xuất và tiêu thụ nông sản, để chủ động thích ứng trong bối cảnh của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trên cơ sở theo dõi, cập nhật sản lượng gia súc, gia cầm cần giết mổ, sản lượng nông sản đến thời kỳ thu hoạch để có sự phối hợp với các địa phương trong việc hỗ trợ kết nối, tiêu thụ không để tắc nghẽn, ùn ứ. 

Trước đó từ tháng 7.2021, Sở NN - PTNT tỉnh cũng đã triển khai các túi nông sản hỗ trợ miễn phí cho các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn như: hộ nghèo, hộ tàn tật, neo đơn, lao động tự do mất thu nhập ở các khu nhà trọ… tại các khu phong tỏa trên địa bàn tỉnh. Toàn bộ nguồn lương thực, thực phẩm trong túi quà nghĩa tình trên mua từ những hợp tác xã, nông dân ở những vùng sản xuất đang gặp khó khăn về đầu ra trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên đây không phải giải pháp có tính bền vững cho tiêu thụ nông sản.

Theo thống kê ban đầu của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, hiện các tỉnh Đông Nam bộ vẫn tồn khoảng 7 triệu con gà đang chờ tiêu thụ. Nhiều trại nuôi đã ngừng chăn nuôi hoặc giảm khoảng 30% tổng đàn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đầu ra vẫn khó khăn vì nhu cầu tiêu thụ vẫn thấp hơn nhiều so với nguồn cung do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây là nguyên nhân khiến nhiều trại nuôi thua lỗ nặng thời gian qua.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ Lê Văn Quyết cho biết, tình trạng tồn hàng triệu con gà hiện nay do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhất là do nhiều nhà máy giết mổ có F0 phải tạm ngừng hoạt động nên gà, heo chen chúc trong chuồng không tiêu thụ được.

		Kỹ thuật và nền tảng canh tác sẽ là động lực để ngành nông nghiệp Đồng Nai hồi phục
Kỹ thuật và nền tảng canh tác sẽ là động lực để ngành nông nghiệp Đồng Nai hồi phục

Bắt tay tìm giải pháp

Trước thực trạng lượng gia súc, gia cầm trên không thể xuất bán, người nuôi “ngắn vốn” chỉ có thể cho ăn cầm chừng dẫn đến “thiệt đơn, thiệt kép”, không dám tái đàn. Trước mắt, lãnh đạo các ban ngành tỉnh Đồng Nai đã có chỉ đạo cụ thể, ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp để bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm ổn định. Cụ thể, theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trần Lâm Sinh, Sở đã rà soát, tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn để sẵn sàng sử dụng hoặc huy động hỗ trợ khi cần thiết.

Ông Trần Lâm Sinh cho biết, Sở NN-PTNT tỉnh còn làm việc với các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn, vận động hỗ trợ thu mua sản phẩm sơ chế, chế biến, bảo quản, dự trữ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh. Việc dự báo, tổ chức sản xuất trên cây trồng cũng được đặc biệt quan tâm; nhất là trong hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại kịp thời điều chỉnh thời vụ, giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.

Trong đó, giải pháp được đặc biệt quan tâm là phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ, tiêu thụ nông sản chủ lực có sản lượng lớn trên địa bàn tỉnh với quan điểm tăng cường kết nối, đa dạng các kênh tiêu thụ. Phối hợp với các địa phương trong tiêu thụ sản phẩm, không để tắc nghẽn, ùn ứ. Việc cung cấp thông tin diễn biến thị trường nông sản trong nước cũng như quốc tế, nhu cầu nhập khẩu và các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam đến các tổ chức, cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được cập nhật thường xuyên. Sở NN-PTNT tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là ổn định hoạt động cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm vật nuôi cho thị trường trong và ngoài tỉnh, giảm bớt tình trạng ùn ứ heo, gà trong giai đoạn hiện nay.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trần Lâm Sinh cũng yêu cầu các huyện cử cán bộ theo dõi sát sản lượng nguồn cung và hỗ trợ trực tiếp làm đầu mối kết nối. Thông tin từ huyện Cẩm Mỹ cho biết, tính đến trung tuần tháng 9.2021, ngành nông nghiệp huyện này đã hỗ trợ tiêu thu 2.860 tấn nông sản, chiếm khoảng 85% sản lượng rau củ quả và thịt gia cầm. Hiện tại số lượng tồn kho tại huyện còn khoảng 500 tấn, huyện đang nỗ lực kết nối tiêu thụ qua các kênh. Trước đó, UBND huyện Cẩm Mỹ cũng yêu cầu các cơ quan, đoàn thể bố trí lực lượng hỗ trợ nông dân thu hoạch, hỗ trợ vận chuyển khi bà con có nhu cầu.

Dưới góc độ là đơn vị tiêu thụ, phân phối, Phó chủ tịch Tập đoàn Central Retail (chủ đầu tư hệ thống siêu thị Big C) Paul Le cho biết, “tập đoàn chúng tôi đã thấy rõ tầm quan trọng của việc đóng góp, hỗ trợ nông dân Việt Nam trong tiêu thụ nông sản, đồng thời chung tay tạo ra sản phẩm nông nghiệp tốt, cung cấp cho các chuỗi siêu thị. Doanh nghiệp nỗ lực hết sức để người dân ở các tỉnh, thành đang gặp khó khăn nhiều nhất trong dịch Covid-19 có rau củ quả tươi đến tận nhà. Tập đoàn Central Group có 13 siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và chúng tôi mong chính quyền các địa phương hỗ trợ để siêu thị tổ chức xe đi gom các đơn hàng và giao hàng tận nhà cho người dân không có điều kiện đi siêu thị”.

Giám đốc Hợp tác xã Thanh Bình (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) Lý Minh Hùng thông tin, mặc dù sức tiêu thụ của thị trường giảm, song nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất ổn định và không ngừng đa dạng các sản phẩm chế biến sâu. “Ngoài các sản phẩm phổ biến như chuối già lùn sấy dẻo, sấy giòn, hợp tác xã đang thử nghiệm chế biến bột chuối sử dụng cho người, bột chuối làm thức ăn gia súc vì tiềm năng xuất khẩu của dòng hàng này rất lớn”.

Người nông dân không ngừng sáng tạo để thích ứng với thị trường cho thấy khả năng tái phục hồi là rất khả quan, song cũng cần thêm các giải pháp về vốn, vaccine, liên kết tiêu thụ để nhà sản xuất vượt qua nỗi sợ hãi về tiêu thụ, yên tâm tái sản xuất. Như vậy với nỗ lực của 3 nhà gồm: Nhà quản lý, nhà phân phối, nhà nông hy vọng Đồng Nai sẽ sớm phục hồi ngành nông nghiệp để nông nghiệp trở thành trụ đỡ vững chắc cho trạng thái bình thường mới, thúc đẩy các ngành trở lại “đường đua”, giúp ổn định đời sống Nhân dân.

Tâm Anh