Nga - Iran:

Tăng cường mối bang giao tốt đẹp, hội tụ và gần gũi

- Thứ Ba, 18/01/2022, 06:18 - Chia sẻ
Tuần tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ tiếp và hội đàm với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại Thủ đô Moscow trong bối cảnh cuộc đàm phán giữa Iran và các cường quốc thế giới nhằm nỗ lực cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 vẫn chưa được khai thông rõ rệt.
Nguồn: ITN

Cách tiếp cận “lợi cả đôi đường”

Kênh truyền hình Nga Rossiya-1 ngày 16.1 cho biết, hiện chưa rõ thời điểm chính xác cũng như nội dung của cuộc hội đàm. Đây sẽ là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi ông Raisi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Iran vào tháng 8.2020. Cuộc điện đàm gần đây nhất giữa 2 nhà lãnh đạo diễn ra vào tháng 11.2021. Đầu tháng 12 năm ngoái, ông chủ Điện Kremlin đã mời tân Tổng thống của Iran tới Thủ đô Moscow vào đầu năm nay.

Đề cập đến chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Raisi tới Nga, một nghị sĩ Iran cho biết Quốc hội nước này sẽ ủng hộ quan hệ song phương chiến lược giữa Iran và Nga. Cụ thể, trong một cuộc phỏng vấn với Hãng thông tấn Mehr, nghị sĩ Mohammad Hassan Asafari nhấn mạnh Iran đang có xu hướng tăng cường quan hệ với các nước như Nga, vì cả hai đều có tiềm năng kinh tế lớn nên cần phải tăng cường mức độ trao đổi thương mại song phương.

Ngoài ra, cả Tehran và Moscow cũng sẽ tìm cách tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác như chính trị, an ninh, văn hóa và xã hội… Theo nhận định của một số phương tiện truyền thông, Tổng thống Iran Raisi dự kiến sẽ ký một thỏa thuận hợp tác an ninh và quốc phòng kéo dài 20 năm, trị giá 10 tỷ USD với xứ sở Bạch Dương. Điều này có thể dẫn đến việc mua một số trang thiết bị liên quan hàng không vũ trụ và nhiều mặt hàng khác. Đồng thời, Iran cũng mong muốn sở hữu máy bay phản lực và công nghệ mới.

Trước đó, cuộc điện đàm hồi tháng 11 năm ngoái giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi từng mang thông điệp có chủ ý rằng, hai bên đang thảo luận về việc ký kết một thỏa thuận tương tự như hiệp ước 25 năm đã ký giữa Iran và Trung Quốc, để hoàn thành chiến lược ba bên Trung Quốc - Nga - Iran, tùy thuộc vào sự phát triển của các động lực trong khu vực đối với Mỹ, Israel và các quốc gia Ảrập.

Các nhà phân tích nhận định, Iran sẽ được lợi rất nhiều từ việc này. Thật vậy, trong khi hiệp ước với Trung Quốc mang lại những lợi ích kinh tế và quân sự quý giá cho cả hai bên (kể cả trong lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ), thì một thỏa thuận toàn diện với Nga sẽ có giá trị gia tăng cho sự tham gia chính trị sâu rộng của Nga ở Trung Đông. Điều đó có thể hữu ích trong các dự án khu vực của Iran.

Nghị sĩ Asafari đã chỉ ra vai trò của Nga trong các cuộc đàm phán tại Vienna, nói rằng Iran mong muốn Nga sẽ hỗ trợ hơn nữa trong các cuộc đàm phán, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt đối với Iran. Theo ông, với tư cách là một quốc gia hùng mạnh, Nga có thể đóng vai trò quan trọng trong khu vực và nước này cần duy trì quan hệ với Iran để thực hiện các kế hoạch và mục tiêu của mình, đặc biệt là các mục tiêu trong khu vực. Đó là cách tiếp cận đôi bên cùng có lợi. Ngày 17.9.2021, Iran đã gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - tổ chức an ninh ở khu vực Trung Á do Nga và Trung Quốc dẫn đầu. SCO được thành lập vào năm 2001 với 6 thành viên gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Nga, Uzbekistan và Tajikistan.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iran khẳng định trước chuyến thăm Nga của ông Raisi là: “Quan hệ Iran - Nga dựa trên mối bang giao tốt đẹp, hội tụ và gần gũi, và những điểm cộng này đã được chuyển thành nhiều hành động và quan điểm”. Điều này bao gồm sự ủng hộ của Nga đối với Iran tại các cuộc đàm phán ở Vienna.

Thỏa thuận hạt nhân 2015 sẽ được giúp hồi sinh?

Nga đang tham gia đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), được ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức). Theo thỏa thuận, các biện pháp trừng phạt Iran được dỡ bỏ để đổi lấy việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này, sau đó Iran bắt đầu thu hẹp các cam kết của nước này trong thỏa thuận.

Theo thông tin mới nhất ngày hôm qua, 17.1, Iran đã bày tỏ sự lạc quan về hướng đi của vòng đàm phán mới nhất tại Vienna (Áo) về việc khôi phục JCPOA. Nước này đánh giá cách tiếp cận của các cường quốc tham gia đàm phán trực tiếp, gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức, là nghiêm túc và thiện chí. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian nêu rõ, nếu các cường quốc cứ giữ thái độ tích cực và đặt mình vào vị trí của Tehran thì nhiều khả năng thỏa thuận hạt nhân sẽ sớm được hồi sinh.

Đặc phái viên về vấn đề hạt nhân của Nga Mikhail Ulyanov tuyên bố, cuộc đàm phán đạt tiến triển “không thể chối cãi” khi các bên đều nghiêm túc thảo luận, kể cả trong các cuộc gặp không chính thức, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Đây cũng chính là điều kiện tiên quyết mà chính quyền Tehran đưa ra để đổi lấy việc tuân thủ trở lại các yêu cầu trong thỏa thuận JCPOA. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell cũng công nhận “bầu không khí tốt hơn” của các cuộc đàm phán tại Vienna.

Tuy nhiên, vòng đàm phán vẫn còn nhiều bất đồng chưa thể giải quyết giữa Iran và Mỹ, vốn chỉ tham gia đàm phán với tư cách gián tiếp. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken bày tỏ hoài nghi về khả năng các bên kịp đạt được thỏa thuận vì chỉ còn “vài tuần nữa” là hết thời hạn. Washington đang cân nhắc các phương án khác nếu đàm phán thất bại, đồng thời chỉ trích Iran không ngừng phát triển hạt nhân.

Trong khi Iran kịch liệt phản đối việc Mỹ đơn phương áp đặt lệnh trừng phạt đối với nước này, trong đó có lĩnh vực dầu mỏ, khiến họ rơi vào tình cảnh khó khăn về kinh tế, thì Washington và các đồng minh lại phản ứng dữ dội về việc Tehran tiếp tục làm giàu urani. Mỹ cho rằng, với công nghệ làm giàu urani, Iran hoàn toàn có thể chế tạo bom hạt nhân. Tuy nhiên, Tehran bác bỏ quan điểm đó, khẳng định chương trình hạt nhân chỉ nhằm mục đích hòa bình.

Ngọc Minh