Tăng giờ làm thêm phải bảo đảm nguyên tắc thỏa thuận

- Thứ Hai, 11/10/2021, 05:28 - Chia sẻ
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau khi kiểm soát được dịch bệnh, các chuyên gia cho rằng tạm thời bỏ giới hạn làm thêm tối đa 40 giờ/tháng, và áp dụng mức 200 - 300 giờ/năm cho tất cả ngành nghề là hợp lý. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải thỏa thuận với người lao động và bảo đảm sức khỏe, điều kiện làm việc cho họ theo đúng quy định.
Dự kiến giờ làm thêm vượt 40 giờ/tháng song không quá 300 giờ/năm
Nguồn: ITN

Nhu cầu chính đáng

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện dự thảo tờ trình về điều chỉnh giờ làm thêm để báo cáo Chính phủ, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Dự thảo được xây dựng theo hướng bỏ giới hạn làm thêm tối đa 40 giờ mỗi tháng, áp dụng tổng số giờ làm thêm tối đa 200 - 300 giờ mỗi năm cho tất cả các ngành nghề thay vì một số ngành đặc thù. Thời gian thực hiện đến hết ngày 31.12.2024.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc điều chỉnh này nhằm phục hồi sản xuất, chống đứt gãy chuỗi cung ứng. Thời gian qua, do việc phải thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19, lực lượng lao động đã giảm xuống dưới 50% ở không ít các doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải bảo đảm tiến độ sản xuất và các hợp đồng đã ký kết. Theo quy định hiện hành, chủ sử dụng lao động trong một số ngành, nghề như dệt may, da, giày, chế biến thủy hải sản… được thỏa thuận với người lao động làm thêm tối đa 300 giờ/năm và tổng thời gian làm thêm giờ không quá 40 giờ/tháng. Quy định này đặt trong bối cảnh đại dịch khiến nhiều lao động hồi hương, nhiều ngành đang phải đối mặt với bài toán thiếu lao động, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi nền kinh tế.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội (nay là Ủy ban Xã hội) Bùi Sỹ Lợi cho rằng, hiện nay doanh nghiệp thiếu hụt nguồn lao động nên mong muốn tăng giờ làm để khôi phục sản xuất là chính đáng. Bên cạnh đó, nhiều lao động cũng mong muốn có việc làm và tăng thu nhập để giải quyết khó khăn hiện tại.

Cũng ủng hộ đề xuất trên, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội Nguyễn Thị Lan Hương cho biết quốc tế không quy định giới hạn thời gian làm thêm theo tuần, theo tháng, mà chỉ giới hạn trong một năm. Thời gian làm việc cần được quy định một cách linh hoạt để đáp ứng nhu cầu công việc, giúp doanh nghiệp bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, nhiều người lao động cũng có nhu cầu làm thêm giờ để tăng thu nhập.

Cần đưa ra nguyên tắc làm căn cứ áp dụng

Tuy vậy, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, các chính sách, chế độ khi tăng giờ làm thêm phải bảo đảm quyền lợi cho người lao động như bảo đảm an toàn lao động, mức lương làm thêm phải cao hơn giờ làm bình thường, có chế độ bồi dưỡng. Vì vậy, khi áp dụng phải đưa ra nguyên tắc để doanh nghiệp có căn cứ thỏa thuận với người lao động. Chẳng hạn, dứt khoát doanh nghiệp muốn huy động người lao động làm thêm và người lao động muốn làm thêm thì phải có sự thỏa thuận của cả hai bên, không được ép buộc lẫn nhau. Đồng thời, phải bảo đảm sức khỏe và điều kiện làm việc theo quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Lợi, thời gian dự kiến điều chỉnh quy định kéo dài đến hết năm 2024 là phù hợp. Khi đại dịch qua đi, sản xuất trở lại bình thường, thu nhập người lao động được bảo đảm thì người lao động hoàn toàn có quyền dừng làm thêm giờ nếu không muốn.

Bên cạnh đó, bà Hương cho rằng, cần tập huấn nâng cao ý thức cho cả người sử dụng lao động và người lao động hiểu rõ mối quan hệ lao động là phải cả hai bên đều được lợi. Người lao động cũng phải biết quyền lợi của mình như thế nào, có quyền thương lượng và quyền từ chối làm thêm giờ.

Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Quang Thọ lưu ý, tăng giờ làm thêm trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người lao động và nguy cơ dẫn tới tai nạn lao động. Vì vậy, nếu buộc phải tăng giờ làm thêm thì phải có giới hạn và bảo đảm 2 tiêu chí. Một là, chủ sử dụng lao động phải đàm phán trực tiếp với chủ tịch công đoàn đại diện cho người lao động để xác định xem công việc hiện nay tại doanh nghiệp có cần làm thêm không? Hai là, phải cam kết với công đoàn cơ sở thời gian giới hạn, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng áp dụng đến hết năm 2024.

Bên cạnh đó, chủ sử dụng lao động phải thông báo về việc làm thêm giờ rõ ràng, minh bạch trước hội nghị tập thể người lao động chứ không phải chỉ ban hành một văn bản bắt người lao động phải chấp hành. Đặc biệt, chủ sử dụng lao động phải bảo đảm chi trả tiền làm thêm giờ phải khác với đơn giá thông thường. Chế độ bồi dưỡng phải công khai trước tập thể để người lao động nắm rõ.

An Thiện