Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo

Tăng mức xử phạt là giải pháp căn cơ?

- Thứ Tư, 13/01/2021, 06:55 - Chia sẻ
Việc tăng nặng chế tài xử phạt tại Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có phải là giải pháp căn cơ, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tổ chức lễ hội, như kỳ vọng của cơ quan được giao chủ trì xây dựng dự thảo này?

Nâng mức xử phạt

Những con số, vụ việc bị xử lý vi phạm trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trong những năm gần đây cho thấy, việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật đã tạo ra những chuyển biến tích cực, từng bước đẩy lùi những mảng tối trong hoạt động văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả mang lại, quy định tại Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; Nghị định số 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP đã và đang bộc lộ hạn chế.

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tổ chức lễ hội
Nguồn: ITN

Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo, đang trình Chính phủ, với kỳ vọng tăng cường hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật về văn hóa, quảng cáo nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung; đồng thời bảo đảm phù hợp với sự phát triển khách quan của thực tế, dần thanh lọc những biểu hiện không phù hợp, thiếu văn minh, tránh tình trạng mập mờ, để lọt vi phạm trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Theo đó, các quy định về xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính còn nằm rải rác, dẫn đến trong quá trình lập biên bản và ra quyết định xử phạt của lực lượng có thẩm quyền gặp không ít khó khăn. Đồng thời, việc ra đời hàng loạt các văn bản luật như: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Dược, Luật Thư viện… khiến cho việc dẫn chiếu các quy định cũ nhằm xử lý các vi phạm trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo bị ảnh hưởng; thậm chí một số hành vi vi phạm quy định chưa rõ ràng, khó áp dụng trong thực tế hoặc còn bỏ lọt hành vi vi phạm do chưa có chế tài để áp dụng.

Để góp phần khắc phục những vấn đề trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất xây dựng Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thanh Liêm cho biết, Dự thảo Nghị định đã sửa đổi gần 300 hành vi trên cơ sở 500 hành vi đã được quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hiện hành, nhất là nâng mức xử phạt vi phạm hành chính. Đặc biệt, nhiều hoạt động vi phạm trong lễ hội cũng được điểm danh và có mức xử phạt tăng lên đáng kể. Chẳng hạn, đối với hành vi đổi tiền lẻ có chênh lệch giá tại lễ hội bị phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Riêng hành vi lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, gọi hồn, xem bói nhằm trục lợi bị phạt từ 15 - 20 triệu đồng; các cá nhân tham gia hành vi mê tín dị đoan sẽ bị xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng và tổ chức thì bị phạt gấp đôi.

Cải thiện hiệu quả thực thi

Theo Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Thị Việt Nga, lâu nay một số hành vi lợi dụng hoạt động tâm linh để trục lợi diễn ra tương đối phổ biến và một trong những nguyên nhân là do chế tài xử phạt tương đối nhẹ. Do đó, việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính lên không những thể hiện sự quyết liệt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà còn góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tổ chức lễ hội, cũng như giảm thiểu các đối tượng tham gia các hoạt động mê tín dị đoan và môi giới mê tín dị đoan.

Tuy nhiên, mỗi năm nước ta có khoảng 8.300 lễ hội và hàng nghìn hoạt động biểu diễn văn hóa, việc kiểm soát, thanh tra, giám sát để phát hiện được các sai phạm đặc biệt khó khăn. Chưa kể, ngành văn hóa chưa có sự phân biệt rạch ròi đâu là các hoạt động tâm linh, đâu là các hoạt động tín ngưỡng theo truyền thống và giới hạn của nó với mê tín dị đoan, thậm chí thấy e ngại khi động chạm đến vấn đề tâm linh. Chính điều này đã tạo điều kiện cho những hoạt động lợi dụng lễ hội, núp bóng các hoạt động tâm linh diễn ra thời gian qua.

Để xây dựng môi trường lành mạnh trong các lĩnh vực văn hoá, nhất là khi gần đến Tết nguyên đán và mùa lễ hội đầu xuân, thời điểm những hành vi mê tín dị đoan tại các lễ hội, đền chùa “đến hẹn lại lên”, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn cụ thể, nhất là trong lĩnh vực tâm linh, ngành văn hóa cần tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân và nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho đội ngũ làm công tác văn hóa và tổ chức hoạt động văn hóa. Các cơ quan truyền thông cũng cần tích cực đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý có liên quan để đưa ra nhiều thông điệp, phương thức tuyên truyền cho người dân hiểu giá trị nguyên bản, sâu sắc, truyền thống của lễ hội.

Hiểu Lam