Tăng nhanh số người tham gia bảo hiểm y tế

- Thứ Bảy, 20/11/2021, 06:16 - Chia sẻ
Đó là quyết tâm của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH), được đặt ra tại Hội nghị trực tuyến chuyên đề phát triển người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trong các tháng cuối năm 2021, do BHXH Việt Nam vừa tổ chức.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Mới đạt 93,2% kế hoạch năm

Theo báo cáo của Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ, tính đến ngày 15.11, toàn quốc có 83,857 triệu người tham gia BHYT, đạt 93,2% kế hoạch. Như vậy, từ nay đến cuối năm, cả nước còn phải phát triển 6,077 triệu người tham gia BHYT mới đạt kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có BHXH tỉnh Nam Định đã hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao về BHYT, khi đạt 100,3% kế hoạch. Trong khi đó, một số BHXH tỉnh, thành phố còn phải phát triển nhiều người tham gia BHYT mới đạt kế hoạch như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, An Giang, Đồng Nai, Gia Lai…

Đáng nói, số người tham gia BHYT giảm tập trung ở một số nhóm đối tượng, như nhóm hộ nghèo giảm 427 nghìn người (Lào Cai giảm 34 nghìn người, Hà Giang giảm 22 nghìn người, Thanh Hóa giảm 27 nghìn người, Khánh Hòa giảm 20 nghìn người, Nghệ An giảm 19 nghìn người…). Nhóm người dân tộc thiểu số giảm 2,7 triệu người (Gia Lai giảm 240 nghìn người, Đắk Lắk giảm 208 nghìn người, Sơn La giảm 185 nghìn người, Lạng Sơn giảm 183 nghìn người, Sóc Trăng giảm 182 nghìn người…). Nhóm người sống tại vùng đặc biệt khó khăn giảm 1,5 triệu người (Sóc Trăng giảm 149 nghìn người, Quảng Bình giảm 123 nghìn người, Nghệ An giảm 138 nghìn người…). Nguyên nhân giảm số người tham gia chủ yếu là do có sự thay đổi chính sách đóng, hỗ trợ đóng BHYT, nên đã tác động mạnh đến các nhóm người tham gia, nhất là với nhóm người dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, cũng có một số địa phương có số lượng người tham gia BHYT hộ gia đình tăng cao như Lâm Đồng tăng 159 nghìn người, Thanh Hóa tăng 133 nghìn người, Thái Nguyên tăng 90 nghìn người, Quảng Bình tăng 82 nghìn người, Bạc Liêu tăng 80 nghìn người… Nhóm tham gia BHYT hộ gia đình trên cả nước tăng 1,5 triệu người so với năm 2020.

Là địa phương đang đạt và vượt kế hoạch được giao về BHYT, Giám đốc BHXH tỉnh Nam Định Trần Văn Dũng cho biết, trong thời gian qua, BHXH tỉnh bám sát chủ trương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thường xuyên báo cáo, tham mưu để có chỉ đạo, giải pháp tăng số tham gia BHYT. Do đó, đến nay tỷ lệ bao phủ BHYT tại Nam Định đạt khoảng 94% dân số.

Những điểm sáng tích cực đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành bưu điện. Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam Nguyễn Kiên Cường cho biết, thời gian qua, các đại lý thu của Bưu điện tích cực thực hiện giải pháp truyền thông, thu BHYT theo các hình thức trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân. Đến nay, đã có 21 bưu điện tỉnh, thành phố đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao; 10 bưu điện tỉnh, thành phố đạt mức trên 100.000 người tham gia BHYT...

Đề xuất phương án từ sớm, từ xa

Tại hội nghị, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh, bài học kinh nghiệm từ thời gian qua, nhất là qua việc giảm số tham gia BHYT khi thực hiện Quyết định 861 phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 cho thấy, cần phải hết sức chủ động, lường trước các thay đổi về chính sách hỗ trợ đóng, các biến động về kinh tế, xã hội để có phương án từ sớm, từ xa với công tác phát triển người tham gia BHYT. Trong đó, yếu tố quan trọng vẫn là phải thường xuyên báo cáo kịp thời, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền để có sự chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nhiều phía.  

Song song với việc nắm chắc dữ liệu phân tích dữ liệu chi tiết ở từng nhóm đối tượng, từng địa bàn, BHXH các tỉnh, thành phố cần tập trung, quyết liệt đẩy mạnh các giải pháp để tăng nhanh số người tham gia BHYT trong khoảng thời gian còn lại của năm nay. Đặc biệt, nhóm học sinh, sinh viên phải đạt tỷ lệ tham gia 100%; linh hoạt chuyển nhóm đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa bàn không được hỗ trợ tham gia BHYT sang nhóm nghèo, cận nghèo; triệt để thực hiện BHYT với nhóm trẻ em dưới 6 tuổi; đồng thời rà soát nhóm hết hạn tham gia, chuyển qua các đại lý thu để tuyên truyền, linh hoạt vận động người dân tham gia ở các mức khác nhau (3 tháng, 6 tháng…).

Riêng với những địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh, BHXH tỉnh, thành phố phải chủ động các giải pháp để tăng số tham gia BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động, nhất là việc rà soát dữ liệu từ cơ quan Thuế; vận dụng các giải pháp để tăng đối tượng, đẩy mạnh tuyên truyền, tăng thời lượng trên các kênh truyền thông tại địa phương, cơ sở. Cùng với đó, Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ tiếp tục thường xuyên tổng hợp thống kê, phân tích dữ liệu cụ thể hơn ở từng nhóm đối tượng, chuyển đến Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố; tăng cường cán bộ theo dõi các địa phương, đề xuất kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ chế, tạo điều kiện để đội ngũ đại lý thu hoạt động tốt hơn, bảo đảm chi trả thù lao tới đội ngũ cán bộ làm trực tiếp, qua đó, nâng cao hiệu quả vận động người dân tham gia BHXH, BHYT.

Thảo Mộc