Tăng nợ công, bội chi phải gắn với kỷ luật tài khóa

- Thứ Tư, 01/12/2021, 06:32 - Chia sẻ
Cho rằng chính sách tài khóa đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ kinh tế phục hồi thời gian tới, TS. Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á gợi ý Việt Nam cân nhắc chấp nhận tăng nợ công và tăng bội chi nhưng kèm với đó phải thiết lập kỷ luật tài khóa trong trung và dài hạn.

Việt Nam hồi phục khá chậm

Tại Tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 30.11, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, các nước trên thế giới coi dịch bệnh Covid-19 là tai nạn chứ không phải là một cuộc khủng hoảng cấu trúc. Vì vậy, mặc dù tăng trưởng kinh tế của họ giảm nhanh nhưng cũng phục hồi rất nhanh, theo mô hình chữ V. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam phục hồi khá chậm, dường như kiểu chữ U vì vừa có "bệnh nền", lại đang trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và rất chần chừ trong việc đưa ra các gói kích thích để phục hồi nhanh. Hầu hết là các gói hỗ trợ gián tiếp mang tính giãn, hoãn... chưa chiếm tới 1% GDP.  

Toàn cảnh tọa đàm Ảnh: Minh Trang
Toàn cảnh tọa đàm
Ảnh: Minh Trang

Vaccine đã giảm đáng kể tỷ lệ tử vong, góp phần hỗ trợ kinh tế châu Á phục hồi nhanh, mạnh mẽ, TS. Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á nhận định. Năm 2020 các nước tung ra những gói tài khóa rất mạnh. Trong khi đó, Việt Nam sử dụng chính sách tiền tệ nhiều hơn và khá rụt rè trong việc thiết lập các gói hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa. 

Thông tin từ đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 25.11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 10,1% so với cuối năm 2020, trong khi đó một tháng trước mới chỉ đạt 8,72%. Cũng trong 10 tháng năm 2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho trên 330 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ 250 nghìn  tỷ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,8 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 3,5 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23.1.2020 đến nay, dư nợ đạt trên 7 triệu tỷ đồng cho hơn 1 triệu khách hàng được tiếp cận nguồn tín dụng lãi suất thấp.

Chính sách tài khóa đóng vai trò lớn

Cho rằng chính sách tài khóa đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ kinh tế phục hồi thời gian tới, TS. Nguyễn Minh Cường gợi ý Việt Nam cân nhắc chấp nhận tăng nợ công và tăng bội chi, phân loại và xác định các mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn, kèm theo đó phải thiết lập kỷ luật tài khóa trong trung và dài hạn. 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, từ kinh nghiệm quốc tế, quan ngại lớn nhất hiện nay là tình trạng những doanh nghiệp không có khả năng tồn tại ngay cả khi được trợ cấp. Xu hướng hiện nay là tạo ra sự sàng lọc mạnh mẽ, làm mới lại các khu vực doanh nghiệp, phương châm là không gượng dậy trên con đường cũ mà phục hồi mạnh mẽ trên con đường mới. "Phải tiếp tục xóa bỏ các rào cản gia nhập thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tránh hành chính hóa".

Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Nguyễn Ánh Vân, dù ngân hàng đã có nhiều giải pháp thiết thực, nhưng vẫn cần giải pháp đồng bộ từ Chính phủ để hỗ trợ người dân trong phục hồi sản xuất kinh doanh. Chính phủ phải có các giải pháp, gói kích thích kinh tế kịp thời, công tác phòng chống dịch phải đi đôi với phát triển kinh tế. Về hỗ trợ tài chính, phải tiếp tục có kế hoạch miễn, giảm, giãn thuế phí; tránh tạo ra cản trở, đứt gãy trong hoạt động của doanh nghiệp, tiến hành cải cách hành chính, giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp.

Đại diện LienVietPostBank cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được thực hiện tăng trưởng tín dụng phù hợp với tiềm năng, quy mô của từng ngân hàng để chia sẻ tới người dân, doanh nghiệp gặp ảnh hưởng, ưu tiên một số lĩnh vực nông thôn, công nghiệp sạch, doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Minh Trang