Tăng thẩm quyền, có hợp lý?

- Thứ Năm, 21/10/2021, 06:47 - Chia sẻ
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, thể thao, quyền tác giả, quyền liên quan, văn hóa và quảng cáo. Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt của thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực thể thao.

Khoản 1, Điều 2 Dự thảo quy định “Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 500.000 đồng; tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này.”

Trong khi đó, Điểm b, Khoản 1, Điều 10 và Khoản 1, Điều 14, Nghị định số 46/2019/NĐ-CP quy định thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành chỉ có thể thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động thể thao gồm hành vi không thực hiện chương trình, giáo án tập luyện của huấn luyện viên; hành vi báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức giải thi đấu thể thao thiếu một trong những nội dung về tên giải, thời gian, địa điểm, chương trình thi đấu, điều kiện an ninh, trật tự, y tế, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức giải thi đấu

Như vậy, có thể thấy mức xử phạt thấp nhất mà thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động thể thao là 500.000 đồng. Ngoài ra, không có bất kỳ hành vi vi phạm nào được quy định tại Nghị định số 46/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt thấp hơn. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng việc sử dụng từ “đến” trong quy định “Phạt tiền đến 500.000 đồng” tại Khoản 1, Dự thảo là chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, việc Dự thảo bổ sung thêm quy định về việc cho phép thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành có quyền “Tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này” đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Bởi lẽ, theo quy định tại Nghị định số 46/2019/NĐ-CP thì thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành chỉ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi được quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 10 và Khoản 1, Điều 14. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm tại các điều khoản này đều là những hành vi không thể xác định bằng giá trị mà được thực hiện dưới hai dạng: “không thực hiện” (vận động viên thể thao thành tích cao không thực hiện chương trình, giáo án tập luyện của huấn luyện viên) hoặc “thực hiện không đầy đủ” (báo cáo bằng văn bản nhưng thiếu một số nội dung theo quy định).

Điều đáng nói, những hành vi nói trên thực tế không có tang vật để tịch thu. Do đó, việc quy định thêm thẩm quyền cho thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành là chưa phù hợp và sẽ gây khó khăn cho quá trình áp dụng.

Nguyễn Ngân