Tăng tốc để phát triển

- Chủ Nhật, 12/09/2021, 06:38 - Chia sẻ
Trung Quốc là một trong những quốc gia dẫn đầu về fintech toàn cầu và đi đầu trong các loại hình kinh doanh fintech, nhất là lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số. Vì thế, các quy định liên quan cũng tăng tốc để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực này.

Mã QR, nơi người dùng có thể chỉ cần mở ví WeChat hoặc ứng dụng Alipay để quét và thanh toán, đã có ảnh hưởng rất lớn đến lối sống của người dân. Trung Quốc cũng chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng trong thanh toán trực tuyến và di động do đại dịch Covid-19.

Theo số liệu thống kê được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng Trung ương - PBOC) công bố vào tháng 8.2020, trong quý II của năm này: Hoạt động kinh doanh thanh toán trực tuyến do các ngân hàng xử lý đạt 541,34 nghìn tỷ Nhân dân tệ, với mức tăng 11,20% so với cùng kỳ năm trước. Thanh toán di động lên tới 106,17 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tăng 33,61% so với cùng kỳ. Các khoản thanh toán trực tuyến do các tổ chức thanh toán phi ngân hàng xử lý lên tới 70,22 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tăng 118,37% so với cùng kỳ. Các khoản thanh toán được xử lý bởi các nền tảng mạng lên tới 78,65 nghìn tỷ Nhân dân tệ, với mức tăng hàng năm 36,48%.

Môi trường pháp lý

Để hỗ trợ đổi mới và phát triển công nghệ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, PBOC đã ban hành Kế hoạch phát triển fintech (2019 - 2021) vào năm 2019, qua đó hoàn thành phần lớn khung quy định fintech của Trung Quốc. Kế hoạch này nhằm mục đích: Tạo ra bộ tiêu chuẩn đánh giá toàn diện, khoa học, có thể định lượng được sự phát triển và tối ưu hóa công nghệ tài chính ở Trung Quốc; tăng cường kiểm soát rủi ro, bao gồm cả việc cung cấp cơ chế cảnh báo sớm về rủi ro tài chính chéo ngành và thị trường; điều chỉnh một cách thận trọng hoạt động kinh doanh fintech để bảo đảm các rủi ro như bảo mật thông tin, bảo mật giao dịch và tính liên tục của hoạt động kinh doanh được kiểm soát...

Tiếp theo Kế hoạch phát triển fintech, PBOC đã đưa ra sáng kiến nhằm thúc đẩy một môi trường an toàn cho đổi mới fintech, nhằm mục đích chuyển đổi việc tuân thủ quy định tài chính từ thích ứng sang chủ động. Các dự án thử nghiệm fintech (sandbox) đã được khởi động vào tháng 12.2019 tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Hàng Châu, Thâm Quyến, Trùng Khánh, Tô Châu… và đang phát triển nhanh chóng.

Vào tháng 4.2020, PBOC ban hành đánh giá về hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông - Hong Kong - Macao, trong đó đề xuất cơ chế “nghiên cứu và thiết lập dự án thử nghiệm sandbox về quy định đổi mới tài chính xuyên biên giới”. Đây là lần đầu tiên khái niệm “quy định về sandbox” được sử dụng trực tiếp trong một văn bản ở cấp quản lý tài chính quốc gia.

Nguồn: AFP

Quy định liên quan đến sử dụng fintech các hoạt động tài chính thay thế

Đối với các nền tảng cho vay, trong năm 2016 và 2017, Ủy ban Quản lý Giám sát Ngân hàng Trung Quốc (CBRC) thiết lập khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cho vay trực tuyến bằng cách ban hành: Hướng dẫn quản lý lưu trữ hồ sơ của các trung gian thông tin cho vay ngang hàng; các biện pháp tạm thời để quản lý hoạt động kinh doanh của các tổ chức trung gian thông tin cho vay trên Internet; hướng dẫn về kinh doanh lưu ký của Quỹ cho vay ngang hàng; Hướng dẫn tiết lộ thông tin của Quỹ cho vay ngang hàng trực tuyến.

Văn phòng chung của Hội đồng Nhà nước công bố Kế hoạch thực thi để cải thiện đặc biệt những rủi ro trên internet vào năm 2016, thành lập Nhóm lãnh đạo công việc chỉnh sửa (Rectification Work Leadership Team) nằm dưới sự lãnh đạo của PBOC. Theo Kế hoạch triển khai, các nền tảng cho vay trực tuyến P2P chỉ được đóng vai trò là trung gian thông tin và không được tham gia vào việc thiết lập quỹ, cho vay và/hoặc thực hiện các hoạt động gây quỹ bất hợp pháp, tự tài trợ, tự bảo hiểm và các hoạt động bất hợp pháp khác.

Đến ngày 2.1.2020, PBOC và Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) phát hành phiên bản dự thảo của Biện pháp hành chính tạm thời cho các hoạt động cho vay vi mô trực tuyến để trưng cầu ý kiến từ công chúng. 

Đối với các nền tảng huy động vốn cộng đồng, tháng 7.2015, PBOC công bố Đánh giá hướng dẫn về thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của tài chính internet, trong đó chỉ ra việc huy động vốn cộng đồng công bằng nên được Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) quy định ở cấp quốc gia.

Ngoài ra, tháng 8.2015, CSRC công bố Thông báo về việc kiểm tra đặc biệt đối với các tổ chức thực hiện hoạt động tài trợ vốn chủ sở hữu thông qua internet. Các hoạt động huy động vốn từ cộng đồng dựa trên vốn chủ sở hữu cần có sự chấp thuận trước của Hiệp hội Chứng khoán Trung Quốc (SAC).

Đối với các nền tảng thanh toán, ngay từ năm 2010, PBOC ban hành các Biện pháp hành chính về dịch vụ thanh toán do các tổ chức phi tài chính cung cấp và quy tắc thực hiện của họ, trong đó nêu rõ các tổ chức phi tài chính phải có giấy phép kinh doanh thanh toán để tham gia vào các dịch vụ thanh toán và chịu sự giám sát và quản lý của PBOC. Ngày 14.4.2016, PBOC cùng với 14 bộ ban hành Kế hoạch thực hiện biện pháp xử lý rủi ro đặc biệt cho các tổ chức thanh toán phi ngân hàng

Trước đó, tháng 12.2015, PBOC công bố Biện pháp quản lý hoạt động kinh doanh thanh toán trực tuyến của các tổ chức thanh toán phi ngân hàng, nâng yêu cầu tỷ lệ quỹ dự trữ của nền tảng thanh toán từ 20% lên 50%.

Tuy nhiên, các biện pháp trên vẫn bị coi là không đủ. Do đó, vào tháng 1.2021, PBOC đứng đầu việc soạn thảo Quy định về các tổ chức thanh toán phi ngân hàng (Dự thảo để lấy ý kiến), nhằm mục đích: Tiêu chuẩn hóa hơn nữa các hoạt động tuân thủ của các tổ chức được quy định; tăng cường các điều khoản yêu cầu quản lý; làm rõ các tiêu chuẩn và biện pháp chống độc quyền. Dự thảo cũng yêu cầu các tổ chức thanh toán bảo vệ quyền và lợi ích của người dùng bằng cách: Gửi tiền dự trữ của họ với PBOC hoặc các ngân hàng thương mại đủ điều kiện…

Đối với các quy định liên quan đến sử dụng fintech trong thị trường đầu tư bán lẻ, Đánh giá hướng dẫn về điều chỉnh hoạt động kinh doanh quản lý tài sản của các tổ chức tài chính do PBOC, CBIRC, CSRC và Cục Quản lý ngoại hối (SAFE) của Trung Quốc cùng xây dựng vào năm 2018 là văn bản quy định đầu tiên liên quan đến tư vấn tài chính tự động (robot-advice) ở Trung Quốc. Yêu cầu các cố vấn đầu tư phải có trình độ chuyên môn phù hợp khi sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để thực hiện công việc tư vấn đầu tư. Các tổ chức tài chính không thể sử dụng cố vấn robot để thực hiện hoạt động kinh doanh quản lý tài sản vượt quá phạm vi kinh doanh của họ hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh đó dưới các hình thức trá hình.

Ngọc Minh